Đòn bẩy từ đầu tư cơ sở hạ tầng
Bằng việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng, bức tranh kinh tế - xã hội của Thăng Bình đã khởi sắc rõ rệt.
Quang cảnh trung tâm thị trấn Hà Lam. Ảnh:M.Hải |
Khởi sắc
Bình Dương - một xã vùng cát cánh đông của Thăng Bình nhiều năm trước nằm trong thế “bế quan” bởi hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện. Với 50% vốn ngân sách và 50% nguồn đóng góp của người dân, thời gian qua nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được được đầu tư hoàn chỉnh. Bà Lê Thị Lợi - chủ hộ sản xuất nước mắm Cửa Khe ở thôn 6, xã Bình Dương nói: “Cố công mở rộng sản xuất, phát triển ổn định nghề nước mắm Cửa Khe truyền thống của quê hương, tôi đã kết nối với nhiều điểm mua bán nước nắm trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trước đây các doanh nghiệp đều lắc đầu vì giao thông hạn chế, khó vận chuyển. Với việc được cấp thương hiệu độc quyền nước mắm Cửa Khe, khi giao thông nông thôn đã được thông suốt, chúng tôi tiến hành liên hệ lại với các đối tác để có thể mở rộng nghề trong thời gian đến”.
Đến nay, nhờ huy động nội lực, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nên nhiều tuyến đường quan trọng đã được nâng cấp trên khắp địa bàn huyện. Có thể kể đến các tuyến đường Đông Trường Giang - Bình Hải, Bình Dương - Duy Nghĩa, đường Quán Gò - Bình Nam, Bình Phú - Bình Quế, cầu Thăng Hoa, các tuyến đường nội thị thị trấn Hà Lam. Hạ tầng các cụm công nghiệp cũng đã được huyện Thăng Bình tiếp tục xây dựng. Các tuyến đường trục chính, hệ thống giao thông nội bộ và hệ thống thoát nước tại các cụm công nghiệp ngày một đồng bộ hơn. Hạ tầng công nghiệp được hoàn thiện đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Thăng Bình đã xây dựng được 11,2km kênh ống nhựa, 2,2km kênh bê tông xi măng, nâng cấp 4 trạm bơm và 20 đập thời vụ lớn, nhỏ. Nhờ đó đã phục hồi ổn định diện tích tưới ban đầu và mở rộng thêm 442ha tại các khu vực trồng trọt thường xuyên thiếu nước tưới. Ngoài ra, một số công trình quy mô lớn đã được xây dựng, có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện như trường Trung cấp Cảnh sát giao thông; trường THPT Hùng Vương; tuyến đường dẫn cầu Cửa Đại; đường Cứu nạn, cứu hộ vùng đông; các công trình tái định cư tại xã Bình Dương, Bình Sa; các dự án điện nông thôn tại các xã; các tuyến đường do nguồn vốn ADB đầu tư tại xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam. Tổng giá trị của các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh trên địa bàn huyện trong thời gian qua ước tính khoảng 600 tỷ đồng. |
Đến Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được vào những ngày này, có thể thấy không khí sản xuất, lao động rất khẩn trương. Tại Công ty May Sài Gòn Xanh, 500 công nhân miệt mài làm việc để đáp ứng xuất hàng sang thị trường Mỹ. Ông Vương Hữu Tươi, thành viên quản lý của công ty cho biết: “Công ty May Sài Gòn Xanh được lãnh đạo huyện Thăng Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi để khởi công xây dựng tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Quê tôi ở Bình Triều nhưng doanh nghiệp lại đóng chân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Xây dựng được một công ty may mặc ở quê hương tôi rất phấn khởi. Với đà sản xuất hiện tại, tôi sẽ thu hồi nguồn vốn đầu tư trong tương lai không xa. Điều phấn khởi nhất là tạo thêm công ăn việc làm cho bà con và chứng kiến quê hương ngày một khởi sắc”.
Chọn hướng đột phá
Hội nghị Huyện ủy Thăng Bình lần thứ XIV đã xác định, từ nay đến năm 2015, huyện sẽ tập trung hoàn thành các công trình hạ tầng mang tính đột phá gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng chuyển biến kinh tế - xã hội. Theo đó, về hạ tầng giao thông, Thăng Bình ưu tiên đầu tư các tuyến trọng điểm đảm bảo tính liên kết và đồng bộ giữa các xã, thị trấn, nhất là các xã vùng đông và vùng tây. Huyện đầu tư nâng cấp và đề nghị tỉnh chuyển các tuyến đường Thanh niên ven biển, quốc lộ 14E đi Tiên Sơn (Tiên Phước), tuyến nội thị đi Quế Sơn và Phú Ninh lên đường cấp đường tỉnh. Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trước mắt, Thăng Bình tập trung đầu tư những tuyến đường bức xúc nhằm đảm bảo kết nối đến trung tâm các xã vào mùa mưa, hoàn thành tuyến đường Bình An - Bình Quế, Kế Xuyên - Tây Giang. Hoàn thành lắp đặt biển báo hành lang lộ giới các tuyến đường; tiếp tục triển khai chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn; tập trung đầu tư các tuyến đường dân sinh, ít nhất phải hoàn thành được 30km mỗi năm; hoàn thành bê tông hóa đường ĐH lồng ghép là những nhiệm vụ trọng tâm của huyện từ nay đến năm 2015”.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2015, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình thu nước nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước nhỉ phục vụ các xã vùng đông. Xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa kênh mương, hướng đến quy hoạch lại hệ thống thủy lợi toàn huyện. Đồng thời, phối hợp với các ngành của tỉnh đề xuất đăng ký với các bộ, ngành Trung ương tranh thủ nguồn vốn xây dựng hồ chứa nước Hố Do, đập thủy lợi Đồng Hòe, phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo tỷ lệ tưới đạt 70% trên tổng diện tích canh tác. Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết thêm: “Tập trung mọi biện pháp để huy động các nguồn lực và lựa chọn đầu tư theo thứ tự ưu tiên là một giải pháp quan trọng của huyện. Trước mắt, Thăng Bình đẩy mạnh huy động vốn thông qua khai thác quỹ đất và vận động thu hút các nguồn vốn thông qua xã hội hóa; lựa chọn một số dự án áp dụng theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng…”.
NGUYỄN QUANG VIỆT