Phục dựng căn cứ xưa

SONG ANH 13/09/2013 08:25

Hôm qua 12.9, UBND tỉnh tổ chức tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5 trong thời kỳ chống Mỹ (căn cứ Nước Là, xã Trà Mai, Nam Trà My). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh toàn tham dự.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: SONG ANH
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: SONG ANH

Căn cứ Liên khu ủy và Ban quân sự khu 5 là di tích lịch sử quan trọng, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại như triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, xây dựng căn cứ địa miền núi, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, tập trung chống địch càn quét phá hoại vùng căn cứ… Đây cũng là nơi thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trước đó là Ban Quân sự khu 5 do đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng ban. Cũng tại căn cứ Nước Là, tháng 4.1963, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo đánh thắng cuộc càn quét quy mô lớn của địch vào căn cứ Nước Là. Với những giá trị lịch sử như vậy, di tích căn cứ Nước Là đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2008. Tuy nhiên, di tích gốc tại căn cứ Nước Là hiện nay không còn.

Đại tá Đỗ Phú Đáp - nguyên cán bộ Ban Quân sự khu 5, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng căn cứ Liên khu ủy, chia sẻ: “Căn cứ Tắk Pỏ - Nước Là - Ngok La rất xứng đáng được nêu danh trong lịch sử chống Mỹ của quân dân khu 5. Bởi, đây là nơi dùng làm bàn đạp, nơi đứng chân, hội họp để hoạt động xuống đồng bằng. Ở căn cứ này, Liên khu ủy đã đứng chân từ năm 1959 đến giữa năm 1963, khi địch phát hiện càn quét vào mật khu Đỗ Xá, ta mới chuyển đi nơi khác”. Một thành lũy vững chắc của căn cứ địa cách mạng khu 5 những năm chống Mỹ từ địa thế cũng như lòng dân, căn cứ Nước Là - theo như nhìn nhận của các nhân chứng lịch sử - đáng để phục dựng sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước với các thế hệ sau.

Khá nhiều ý kiến cho rằng, dù phục dựng ở mức độ nào, vẫn cần phải tôn trọng việc bảo tồn da dạng sinh học tại mảnh đất này. Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, mục tiêu bảo tồn, phục dựng căn cứ Nước Là thành khu tưởng niệm không ngoài mục đích hình thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ. Ngoài việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan cần xem xét thêm việc quy hoạch, cải tạo khu làng Tắk Chươm thành một làng văn hóa, nhằm đa dạng sản phẩm tham quan tại khu vực. Đề xuất giải pháp xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Nước Là do Viện Quy hoạch đưa ra gồm việc phục dựng lại 4 hạng mục công trình quan trọng là nhà đồng chí Võ Chí Công, nhà làm việc Ban Quân sự khu ủy, Nhà làm việc Văn phòng khu ủy và Hội trường Liên khu ủy. Ngoài ra còn dựng Bia tưởng niệm và xây dựng nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ Liên khu ủy đã hy sinh trong giai đoạn 1961 - 1963, tiếp tục làm các công trình phụ trợ như hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dự án trồng rừng…

Đa số các nhân chứng lịch sử đều đồng ý phương hướng phục dựng lại căn cứ Nước Là. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý rằng cần phải xác định lại tọa độ khu căn cứ cũng như xem xét lại các hạng mục phục dựng nhằm tránh tình trạng lãng phí, sai lệch các yếu tố lịch sử. Giải pháp xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị căn cứ Nước Là cần thêm nhiều ý kiến từ các nhân chứng cũng như cơ quan hữu quan nhằm làm rõ thêm vị trí chiến lược, vai trò lịch sử của căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5 trong thời gian đứng chân tại căn cứ Nước Là.

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY NGUYỄN VĂN SỸ:  “Nên làm 3 hạng mục”

Trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ nên phục dựng ở quy mô vừa phải, từ việc phục dựng 4 hạng mục chỉ nên rút lại 3 hạng mục là nhà làm việc bác Võ Chí Công, Văn phòng khu ủy và Ban Quân sự khu ủy. Các hạng mục còn lại nên làm bia ghi dấu. Cố gắng làm sớm để bố trí kế hoạch bắt đầu từ năm 2014 phục dựng các hạng mục này, còn lại tiếp tục làm sau. Ngoài ra, nên nghiên cứu các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học cũng như cảnh quan tự nhiên nơi đây...
GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG KHU 5 TRẦN ĐÌNH KỶ: “Giữ rừng nguyên sinh gắn với di tích”

Căn cứ Nước Là có ý nghĩa lịch sử rất lớn, đủ tầm để chúng ta phục dựng. Thiết nghĩ, việc phục dựng rất có ý nghĩa nếu giữ được cảnh quan môi trường và giữ rừng nguyên sinh gắn với di tích. Nước Là là một trong rất ít căn cứ còn giữ được khu rừng nguyên sinh, còn rừng nguyên sinh tức là còn dấu tích lịch sử. Bên cạnh phục dựng di tích cần phải góp phần phát triển dân sinh, cụ thể là xây dựng làng Tắk Chươm thành một làng văn hóa. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị những công đoạn hậu phục dựng, tức là chúng ta nên quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị ra sao chứ không nên phục dựng xong rồi thôi.
ĐẠI TÁ ĐỖ PHÚ ĐÁP - NGUYÊN CÁN BỘ BAN QUÂN SỰ KHU 5: “Cần có một nhà  trưng bày”

Tôi nghĩ trước hết nên làm ngay một bia di tích, bia tưởng niệm, để người dân ở đấy biết về giá trị cũng như ý nghĩa căn cứ Nước Là. Đó là điều nhất định phải có. Ngoài ra, nếu làm được một nhà trưng bày ngay tại căn cứ thì hay quá, sưu tầm hiện vật, thu thập chứng cứ và những hình ảnh quá khứ..., để thế hệ sau đến đấy còn biết nơi đây như thế nào. Phục dựng nhà cửa cũng tốt, nhưng vậy thì tốn kém quá!

SONG ANH

SONG ANH