Phát triển kinh tế trang trại ở Quế Sơn: Hướng đi mới

VĂN TOÀN 12/09/2013 11:04

Trong khoảng 10 năm nay, kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn huyện Quế Sơn phát triển khá nhanh, tạo ra giá trị hàng hóa tương đối lớn. Tuy nhiên, so với tiềm năng của địa phương, việc phát triển KTTT ở Quế Sơn vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Trang trại nuôi gà của ông Nguyễn Ba (thôn 3, xã Quế Châu) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn KTTT từ rất sớm (tháng 7.2009). Với mô hình khép kín trong chăn nuôi từ khâu chế biến thực phẩm, ấp trứng lấy giống đến khâu xử lý vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh, mỗi tháng trang trại cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, ông Ba cho biết số lượng đàn gà luôn biến động vì thời tiết khắc nghiệt, thay đổi đột ngột, hiện đàn gà chỉ duy trì hơn 2.000 con. Trong khi đó, 3 mô hình trang trại nuôi heo siêu nạc (mô hình CP) ở xã Phú Thọ với quy mô từ 550 – 1.000 con, mỗi năm đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng vẫn chưa thực sự là một hướng đi vững chắc. Bởi đây là hình thức nuôi gia công cho Công ty Chăn nuôi Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, giá bán theo quy định, lợi nhuận mang lại cho người nuôi chưa được cao, phụ thuộc rất lớn công ty.

Trang trại nuôi heo của gia đình ông Trần Thanh Vân (thôn Phước Chánh, xã Phú Thọ). Ảnh: V.T
Trang trại nuôi heo của gia đình ông Trần Thanh Vân (thôn Phước Chánh, xã Phú Thọ). Ảnh: V.T

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Sơn có khoảng hơn 100 trang trại, gia trại chủ yếu là chăn nuôi heo, gà và trồng rừng keo. Hầu hết các trang trại hiện nay có diện tích nhỏ, hình thành và phát triển tự phát, không theo quy hoạch; sự liên kết giữa các chủ trang trại còn thụ động; việc áp dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng không ít trang trại mở ra được một thời gian rồi rơi vào tình trạng phát triển cầm chừng, không hiệu quả vì không có vốn, không có đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Chín cho biết, ngày 26.3.2013, UBND huyện Quế Sơn ban hành kế hoạch về triển khai cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triên chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015. Trong đó hỗ trợ một phần kinh phí sau đầu tư nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô trang trại; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chế biến sản phẩm chăn nuôi, tổ chức dịch vụ thú y trọn gói… để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Thông tư số 27 năm 2011 của Bộ NN&PTNT quy định rõ các tiêu chí để được công nhận trang trại. Một trong những tiêu chí khó đạt nhất là các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 700 triệu đồng/năm; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Căn cứ vào tiêu chí này thì số trang trại ở Quế Sơn được công nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Phòng NN&PTNT huyện, chỉ có 4 trang trại chăn nuôi heo theo mô hình CP (3 ở xã Phú Thọ và 1 ở xã Quế Phú) được công nhận là trang trại, còn những trang trại được công nhận trước đó đều không đạt được.

Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, việc đưa ra tiêu chí mới với những chuẩn khá cao về giá trị sản lượng hàng hóa, quy mô, diện tích chỉ phù hợp với các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long hay Đông Nam Bộ, còn so với mặt bằng chung của huyện Quế Sơn thì không phù hợp. “Việc đưa ra các chuẩn cao để được công nhận trang trại, lại không kèm theo các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về cho vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, giống kịp thời trong khi các chủ trang trại vẫn phải tự vận động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, thị trường tiêu thụ không ổn định đã đẩy nhiều trang trại vào tình cảnh khó khăn” - ông Chín nói.

Bên cạnh việc hướng dẫn các xã xây dựng, quy hoạch lại vùng sản xuất theo chương trình nông thôn mới, Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn đang quy hoạch lại các vùng để xây dựng các trang trại chăn nuôi, trồng trọt phù hợp và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ông Chín cho biết, về trồng trọt, với 7.200ha rừng sản xuất thì trang trại trồng rừng vẫn là một mũi nhọn, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân trồng tiêu có quy mô ở các xã vùng trung; kêu gọi đầu tư để trồng cao su. Về chăn nuôi, khuyến khích người dân xây dựng các trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín từ giống - thương phẩm - quản lý dịch hại - chế biến, tận dụng thức ăn tại chỗ, từ đó tạo đầu ra và đầu vào tốt hơn.

VĂN TOÀN

VĂN TOÀN