Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả

HOÀNG LIÊN 12/09/2013 11:03

Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao phục vụ chương trình nông thôn mới tại Quảng Nam” do Sở KH-CN thực hiện hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển hàng hóa chất lượng cao cho người dân vùng núi, vùng khó khăn.

Được triển khai trong thời gian 3 năm, dự án chọn 4 huyện Duy Xuyên, Tiên Phước, Phú Ninh và Đông Giang triển khai mô hình điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra một số địa phương khác. Kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng (Sở KH-CN), chủ nhiệm đề tài cho hay, Quảng Nam có khoảng 8.782ha trồng cây ăn quả; trong đó, chuối và bưởi là 2 loại cây trồng chủ đạo, chiếm diện tích khá lớn. Riêng Tiên Phước hiện có 1.405ha trồng cây ăn quả, điều kiện thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp với hai loại cây chuối, bưởi mà dự án triển khai. Diện tích cây ăn quả của Đông Giang tầm 700ha, điều kiện thổ nhưỡng của vùng (đất đỏ vàng) phù hợp với cây chuối tiêu hồng, chuối lùn già, chuối thơm, chuối mốc. Duy Xuyên có diện tích cây ăn quả khoảng 278ha, khí hậu, thổ nhưỡng hầu như phù hợp với cả 2 loại cây bưởi và chuối... Ông Trần Ngọc Bằng - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết: “Đây thực sự là dự án thiết thực, khả thi. Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ cây chuối lùn đã rõ, còn đối với cây bưởi, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô vi ghép thành công sẽ tạo giống cây tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Hiện, Phòng NN&PTNT cùng với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện. Qua đó, địa phương đang xem xét lựa chọn, quy hoạch một số vùng đất thuộc gò đồi của các xã Tam Thái, Tam Đại, Tam Đàn để triển khai hình thành vùng cây ăn quả tập trung”.

Nhu cầu về nguồn giống cây ăn quả sạch bệnh, chất lượng cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rất lớn. Ảnh: H.L
Nhu cầu về nguồn giống cây ăn quả sạch bệnh, chất lượng cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rất lớn. Ảnh: H.L
Theo kế hoạch, dự án sẽ tạo 15.000 cây chuối giống nuôi cấy mô và 3.000 cây bưởi giống từ nuôi cấy mô vi ghép. Mô hình trồng thâm canh cây chuối, bưởi trụ chất lượng cao sẽ được thực hiện tại 4 huyện trên diện tích 13,5ha. Các giống chuối - sản phẩm từ dự án sẽ được bố trí trồng tại Tiên Phước, Đông Giang và Duy Xuyên trên diện tích 7,5ha. Các giống bưởi được trồng tại Tiên Phước, Phú Ninh và Duy Xuyên trên tổng diện tích 6ha. Cùng với đó, dự án sẽ tập huấn và chuyển giao công nghệ tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả cho 15 cán bộ cơ sở của 4 huyện và 150 nông dân vùng dự án. Thành quả dự án, toàn bộ diện tích cây ăn quả nguyên liệu và cây giống trong quá trình nghiên cứu, người dân sẽ hưởng lợi.

Những năm qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả tại các địa phương hạn chế nên thu nhập đem lại cho người dân còn thấp. Sâu, dịch bệnh gây hại cho cây trồng đã làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng cây ăn quả. Vì vậy, mục tiêu dự án đặt ra là tạo điều kiện cho 4 huyện thuộc vùng dự án hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với cây trồng chủ đạo là bưởi và chuối. Theo đó, dự án sẽ áp dụng kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng để tạo cây đầu dòng chất lượng cao. Cũng theo kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng, nuôi cấy mô không chỉ giúp nông dân chủ động về nguồn giống mà đây còn là công nghệ tạo nền tảng cho việc chuyển đổi gen, trao đổi và tạo giống có các nguồn gen sạch bệnh. Việc tiếp nhận, làm chủ công nghệ nuôi cấy mô, nuôi cấy vi ghép và ghép cành để sản xuất cây chuối và bưởi giống (bưởi Tiên Hiệp, bưởi trụ lông, bưởi da xanh), trồng thâm canh nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tạo thu nhập cho người dân vùng dự án.

Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN Quảng Nam, đơn vị chủ trì dự án cho biết: “Thị trường tiêu thụ cây ăn quả hiện khá rộng, đặc biệt là sản phẩm chuối và bưởi. Tại nhiều nơi, trồng chuối bằng nuôi cấy mô cho năng suất rất cao, khoảng 40 tấn/ha. Cây bưởi sau khi trồng từ 3 - 4 năm bắt đầu cho quả, năng suất ổn định khi cây đạt 6 - 7 năm tuổi. Trong khi đó, sản phẩm bưởi có nhiều lợi thế vì đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thời gian thu hoạch kéo dài trên 15 năm. Mỗi hécta có thể đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Dự án là cơ hội cho người nông dân tiếp cận với cây trồng mới, giúp họ chủ động cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả chất lượng, cho năng suất cao”.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN