Phát triển mạnh hạ tầng công nghiệp: Động lực thu hút đầu tư

TRỊNH DŨNG 11/09/2013 08:18

Dù gặp khó khăn về vốn, cơ chế, nhưng nỗ lực đầu tư, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN)của nhiều đơn vị trong những năm qua đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc thu hút đầu tư.  

Phát triển hạ tầng

Ngày 14.8.2013, dự án đầu tư xây dựng KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư trên 480 tỷ đồng đã được khởi công. Theo ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, kết quả lấp đầy 96% của giai đoạn 1 đã “mở đường” cho công ty tiến hành đầu tư hạ tầng giai đoạn 2. Dự án tạo ra 140ha đất công nghiệp cho thuê này sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Giải tỏa đền bù đến đâu, triển khai dự án đến đó; đầu tư hạ tầng đến đâu xúc tiến kêu gọi đầu tư đến đó. Cũng theo ông Chúng, vấn đề quan trọng là sợ thiếu nhà đầu tư chứ kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, giá cho thuê lại đất, phí sử dụng hạ tầng hợp lý, cách tiếp cận và xúc tiến đầu tư linh hoạt… đủ sức để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đến đặt dự án. Hiện kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nên doanh nghiệp (DN) xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng tốt để đón đầu nhà đầu tư trở lại khi kinh tế hồi phục. Giai đoạn 2 đã kết nối được với 4 nhà đầu tư (3 FDI và 1 nội địa) nên nhanh chóng phát triển hạ tầng để DN có thể xúc tiến đầu tư, triển khai dự án. “Sẽ tìm mọi cách tạo nguồn đầu tư. Năm 2015 sẽ xây dựng xong kết cấu hạ tầng KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 2 và xúc tiến đầu tư, chọn lựa các dự án có quy mô lớn, thân thiện với môi trường để đến năm 2020 sẽ lấp đầy KCN này” - ông Chúng nói.

Việc đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến KCN Bắc Chu Lai.                                                                           Ảnh: T.DŨNG
Việc đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến KCN Bắc Chu Lai. Ảnh: T.DŨNG

Nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng KCN Bắc Chu Lai chỉ là một phần trong hệ thống các KCN có mặt tại Quảng Nam. Khu Kinh tế mở Chu Lai được xem là một “biệt lệ” khi trong vòng 3 năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ trên 530 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Toàn bộ số vốn này dành cho giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, các tuyến đường trục giao thông kết nối, đầu tư hệ thống cấp điện, nước và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm yêu cầu thu hút các dự án đầu tư phát triển. Ở phía bắc, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã trở thành một mô hình mẫu của các KCN Việt Nam khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng. Tại KCN này đã thu hút được 49 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.104,8 tỷ đồng và 312,7 triệu USD. Trên diện tích chiếm đất khoảng 215ha, hiện có 40 dự án ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 21.000 lao động. Còn KCN Đông Quế Sơn cũng là KCN thứ hai của Quảng Nam nhận được sự hỗ trợ của Trung ương. Tính từ năm 2010 đến nay, tổng số vốn được hỗ trợ là 70 tỷ đồng, tập trung cho việc đền bù giải phóng mặt bằng là 55 tỷ đồng, còn lại 15 tỷ đồng đang lập các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngân sách tỉnh cũng đã cấp 17,6 tỷ đồng và nguồn vốn DN thực hiện phát triển hạ tầng khoảng 4 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho giao thông (đường trục chính vào KCN), công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn...  Hiện KCN này đã giải tỏa đền bù được khoảng 97ha, thu hút 10 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 65,1 tỷ đồng và 4,9 triệu USD trên diện tích chiếm đất 17ha. Ngoài ra, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đã được đầu tư trên 90,2 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng thiết yếu như: san ủi mặt bằng, đường giao thông và hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, nhà công vụ, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu... Sự đầu tư khu kinh tế này đã khơi dòng cho việc mở rộng quan hệ, giao lưu, củng cố tình hữu nghị giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào).

Giữ nguyên quy hoạch

Không quy hoạch thêm khu công nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, Quảng Nam sẽ giữ lại 9 KCN. Không phát triển thêm KCN và chưa chuẩn y việc đề xuất nâng một số cụm công nghiệp lên KCN. Quảng Nam sẽ chấp hành chủ trương của Chính phủ rà soát quy hoạch, tạm dừng phát triển quy hoạch mới và không lấy đất lúa làm KCN. Những nhà đầu tư có nhu cầu thì vẫn tiếp tục thu hút. Quảng Nam đang xử lý bài toán 9 KCN trong định hướng, cơ chế và phân kỳ đầu tư cụ thể. “Lộ trình là đầu tư từng bước. Lấp tới đâu đầu tư tới đó. Không phải lập ra để thu hồi đất của dân rồi bỏ trống. Nếu như có những cơ may hoặc sự sôi động của nền kinh tế thì 9 KCN này sẽ được lấp đầy từ nay tới năm 2020. Sau đó phải xin quy hoạch tiếp. Còn từ nay đến năm 2020, nếu nền kinh tế không năng động, ít thuận lợi thì vẫn tiếp tục đầu tư cuốn chiếu. Không có chuyện lãng phí đầu tư cũng không phá vỡ quy hoạch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Hiện nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đóng góp đến 42,12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và giải quyết một lượng lao động đáng kể. Tuy nhiên, với diện tích đất sử dụng chỉ 725,9/4.390ha diện tích quy hoạch; 115 dự án đầu tư với vốn khoảng 1.415 triệu USD và hơn 2.327 tỷ đồng… thì rõ ràng, các KCN chưa phát huy tốt tiềm năng. Giá trị vật chất 1ha đất mới chỉ mang lại bình quân 4 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với dự kiến và các nước trong khu vực. Hệ số diện tích lấp đầy cũng khác nhau xa ở các KCN. Nếu KCN Điện Nam – Điện Ngọc lấp đầy 100% diện tích đất quy hoạch giai đoạn 1 (145ha) và khoảng 60% giai đoạn 2 thì 5 KCN nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai chỉ mới sử dụng gần 378/3.533,5ha đất quy hoạch. Thậm chí KCN Tam Anh và Tam Thăng chưa triển khai được. Còn các KCN Thuận Yên, Đông Quế Sơn hay Phú Xuân cũng chỉ trong giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, khó có thể xác định thiếu hay thừa các KCN lúc này, khi ngành chức năng lẫn cơ quan quản lý đều cho rằng tiến trình của các KCN phù hợp với quy hoạch tới năm 2020 của Quảng Nam.  

Quan điểm của chính quyền Quảng Nam là giữ nguyên các KCN theo như quy hoạch và tiến hành đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Không có chuyện thu hồi đất, chuyển dân đi rồi bỏ hoang. Từ quản lý tới đầu tư đến hiệu quả đầu tư đều được điều hành theo một cơ chế thống nhất và trên cơ sở thực tiễn quy hoạch. Hiện vốn của địa phương đang đầu tư cho các KCN ở trong Khu Kinh tế mở Chu Lai cùng với vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách tỉnh chỉ đầu tư dần để phát triển KCN Thuận Yên. Theo Sở KH&ĐT, phấn đấu đến năm 2015 giải quyết một phần tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và các cơ sở khám chữa bệnh cho lao động tại các KCN. Ngoài ra sẽ gia tăng việc bảo đảm nguồn cấp nước cho sản xuất và hệ thống xử lý nước thải cho các KCN, nhất là tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, Điện Nam – Điện Ngọc, Đông Quế Sơn và Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG