Phước Sơn mở rộng diện tích cây bời lời

H.YÊN - TR.Ý 11/09/2013 08:09

Với sự hỗ trợ của chính quyền, việc trồng cây bời lời của nhân dân vùng cao huyện Phước Sơn diễn ra khá thuận lợi và cho hiệu quả cao.

Tại xã Phước Năng và Phước Đức,  nhiều đồng bào thoát nghèo nhờ những vườn cây bời lời. Vườn bời lời rộng 2ha, 4 năm tuổi của gia đình ông Hồ Văn Dẻo (thôn Cà Tôi, xã Phước Năng) cho thu nhập hơn 80 triệu đồng sau mùa thu hoạch đầu. Vỏ bời lời là nguyên liệu dùng để sản xuất các loại sơn và keo dán công nghiệp. Cây rất dễ trồng, có thể thu hoạch khi trồng từ 3 - 5 năm. Sau vụ thu hoạch đầu, cây sẽ tự đâm chồi và tiếp tục cho thu hoạch sau 2 năm tiếp theo. Ông A Dăm (thôn 2, xã Phước Năng) cũng cho biết, thấy hiệu quả kinh tế cao, từ diện tích 1ha ban đầu, ông đã quyết định đầu tư mua thêm 10.000 cây giống, mở rộng diện tích đất trồng trên 15ha. “Ban đầu gia đình tôi được hỗ trợ 600 cây giống trồng thử nghiệm. Sau một thời gian ngắn, tôi thấy đây là loại cây dễ trồng, nhanh lớn, chống sạt lở đất rất tốt và không tốn nhiều công chăm sóc nên quyết định mở rộng diện tích” - ông A Dăm nói.  

Vườn bời lời của ông Hồ Văn Dẻo thôn Cà Tôi, xã Phước năng.                 Ảnh: H.Y
Vườn bời lời của ông Hồ Văn Dẻo thôn Cà Tôi, xã Phước năng. Ảnh: H.Y

    Ông Phạm Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết: “Bời lời là loại cây đã trồng thử nghiệm tại địa phương được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao sau 3 - 5 năm trồng. Kết quả từ những vụ thu hoạch vừa qua rất khả quan, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con”. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cây bời lời trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn cần rất nhiều giải pháp. Bởi thói quen canh tác nhỏ lẻ, diện tích vườn đồi của từng hộ dân không nhiều, việc giao thương của bà con người dân tộc thiểu số còn hạn chế nên thường thương lái thu mua ép giá. Theo ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn: “Từ nguồn vốn 30a, 2 năm nay, Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn tiếp tục cấp 435.000 cây bời lời giống cho 210 hộ dân trên địa bàn huyện, nhằm phát triển loại cây chủ lực này thành vùng nguyên liệu tập trung của huyện Phước Sơn”.

Hiện diện tích bời lời của Phước Sơn lên đến 300ha, mục tiêu đến năm 2015, huyện sẽ nâng lên 1.000ha. “Để phát triển mô hình vùng nguyên liệu cần mở rộng diện tích đất sản xuất, loại bỏ những mô hình nhỏ lẻ, kém hiệu quả để phát triển với quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, cần phải tìm giải pháp đầu ra sản phẩm, tạo ra mối liên kết bền vững giữa nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp” - ông Phiếm cho biết thêm.

 H.YÊN - TR.Ý

H.YÊN - TR.Ý