Giải cứu doanh nghiệp: Gỡ những "nút thắt"

TRỊNH DŨNG 09/09/2013 08:37

Giải cứu doanh nghiệp (DN) bằng cách tháo gỡ từng “nút thắt” một, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn vốn sản xuất đang có những tín hiệu tích cực khi có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía chính quyền và ngành chức năng.

Nhiều doanh nghiệp mong đợi những biện pháp cụ thể từ Nhà nước để phục hồi sản xuất.                                                                  Ảnh: T.DŨNG
Nhiều doanh nghiệp mong đợi những biện pháp cụ thể từ Nhà nước để phục hồi sản xuất. Ảnh: T.DŨNG

Câu chuyện DN

Sau rất nhiều văn bản kiến nghị lên chính phủ và các bộ ngành Trung ương với lời “khẩn cầu” rằng tình hình tài chính, sản xuất của công ty đang rơi vào cảnh “khó khăn đặc biệt”, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã được phép gia hạn nộp thuế nhập khẩu linh kiện trong 1 năm kể từ đầu tháng 7.2013. Lý do Thaco thuyết phục các cơ quan quản lý để được chậm nộp thuế là hiện lượng tồn kho trị giá hơn 3.300 tỷ đồng và số nợ của các tổ chức tín dụng cũng vào khoảng 5.600 tỷ đồng, trong khi công ty cần vốn để tiếp tục đầu tư phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ ô tô Chu Lai – Trường Hải. Đây là một dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Kết quả là 4 công ty thành viên do Thaco làm chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong một năm với số tiền hơn 1.214 tỷ đồng. Quyết định của Chính phủ đồng nghĩa với việc ngân sách đã trợ cấp cho Thaco khoảng 72 tỷ đồng, theo các tính toán với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm ở mức xấp xỉ 6%/năm như hiện nay. Về phía DN, nếu với lãi suất vay trung bình là 11,4%/năm thì việc được gia hạn 1.214 tỷ đồng tiền thuế, Thaco đã “tiết kiệm” được khoảng 140 tỷ đồng. Theo nhận định của cơ quan quản lý tài chính, việc gia hạn nộp thuế đối với Thaco cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 và cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

DN đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và khó tiếp cận vốn vay. Cần tiếp tục hướng dẫn các thủ tục miễn, giảm thuế, tạo điều kiện cho DN phát triển; Sở Tài chính xem xét lại giá đất phù hợp; các cơ quan quản lý, địa phương, chủ đầu tư nhanh chóng tập trung đầu tư các khu tái định cư, triển khai giải phóng mặt bằng các dự án để giải ngân vốn và ngân hàng tính toán để giảm lãi suất hợp lý, chia sẻ khó khăn cho DN. UBND tỉnh sẽ xem xét, mở rộng cơ chế điều hành, tìm biện pháp, phương án mới linh hoạt để tạo ra cơ chế thoáng, thường xuyên mở nhiều cuộc họp, kiểm tra, gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN mở rộng đầu tư và phát triển sản xuất.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh)

Không nhiều DN gặp may mắn như Trường Hải khi cầu cứu các cơ quan quản lý về thực trạng của sản xuất kinh doanh, rất nhiều DN đang “sống sót” lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Gần 5.201 DN Quảng Nam đã không đủ “sức khỏe” lại càng khó khăn hơn: khát vốn đầu tư nhưng không biết tìm vốn ở đâu! Không mấy DN “dũng cảm” lên tiếng về khó khăn hiện tại, nhưng tất cả đều có chung câu trả lời là họ đã thực sự kiệt sức trước khủng hoảng của thị trường về lãi suất vay, tỷ giá và sức mua quá yếu của thị trường. Hầu hết DN khẳng định chỉ duy trì được sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân đã là quá sức, nói gì đến việc đặt mục tiêu lợi nhuận! Bởi, ngoài gánh nặng lãi suất, hầu hết DN đang phải gồng mình để chịu hàng loạt chi phí đầu vào tăng vọt, thậm chí nhiều DN đã phải “đóng cửa”. Nhiều DN chờ đợi sự hồi phục của thị trường, chấp nhận “án binh bất động” cho qua cơn bĩ cực. Tuy nhiên, với tình hình đang diễn ra như hiện nay thì họ không biết lãi vay sắp tới sẽ có được giảm hay không, dù lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm tới 7%/năm?

Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói, DN dù muốn hay không cũng phải dựa vào “bầu sữa” ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Những văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tác dụng khi công bố chênh lệch cho vay và huy động là 3%. Vậy mà DN vẫn phải vay trên 15%. Sự thiếu hợp tác của ngân hàng sẽ khiến DN tiếp tục suy thoái. Thay vì để nguyên món nợ cũ với lãi suất ngất ngưởng như trước để thu lãi thì ngân hàng nên giảm lãi suất nhanh, tiếp tục cho vay mới cứu được DN. “Giảm lãi vay hay giảm thuế chỉ mất chút ít trong hiện tại nhưng lại cứu được DN và có lợi cho việc thu ngân sách nhiều năm sau, bởi hầu hết DN đã thực sự kiệt quệ” - ông Tâm nói. Thậm chí có nhiều công ty như Kim Vinh đang phải đối mặt với việc kiện tụng, bị ép bán tài sản để trả nợ từ ngân hàng, dù đang bắt đầu tìm được lối ra cho DN, kinh doanh có lãi và đủ sức trả nợ cho ngân hàng theo đúng lộ trình. Bà Nguyễn Kim Vinh nói ngân hàng cũng đã đưa cán bộ xuống khảo sát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Cả hai đã xây dựng kế hoạch, phương án trả nợ ngân hàng, nhưng không hiểu vì sao ngân hàng vẫn tiếp tục ép DN bán tài sản để trả nợ, khiến hơn 300 lao động chẳng thể nào yên tâm! Còn Công ty Phước Tiến thì đang gặp khó khăn về tài chính nên việc triển khai dự án du lịch Bồ Bồ bị ngưng trệ và Công ty Chí Thành cũng vừa gặp gỡ để “nhờ” UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh.

Các bên vào cuộc

Theo NHNN - chi nhánh Quảng Nam, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ giảm khoảng 3 - 4%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007. Hiện lãi suất cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm đối với vay ngắn hạn và 11 - 13%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 11 - 13%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận từ 14 - 15%/năm đối với vay ngắn hạn và từ 15 - 16%/năm đối với vay trung và dài hạn áp dụng cho các khoản vay thấu chi, tiêu dùng. Tuy nhiên, tín dụng cho nền kinh tế mấy tháng qua vẫn tăng ở mức thấp (cả nước tăng 2,98% và tại Quảng Nam chỉ tăng 0,92% so với đầu năm), nên cần tháo gỡ đúng những nút thắt quan trọng như: giải quyết nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, thực hiện các cơ chế hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng. Có vẻ như NHNN đã nỗ lực hết mình để tạo môi trường tài chính minh bạch tại địa phương. Nếu như các con số báo cáo đúng thực chất, kèm theo hành động quyết liệt từ cơ quan quản lý lẫn suy luận dựa trên diễn biến thị trường thì dù không phải tất cả DN đều có thể tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ, nhưng chắc hẳn sẽ rất nhiều DN được tiếp sức từ phía ngân hàng, để tiếp tục nuôi hy vọng mở rộng sản xuất.

Không thể “buộc” ngân hàng phải từ bỏ lợi nhuận và mục tiêu hoạt động vì lý do an toàn hệ thống của họ thì sự hiện diện của chính quyền và cơ quan quản lý đã đem lại sự yên tâm cho nhiều DN. Ngay từ câu chuyện của Thaco, ý kiến của UBND tỉnh cho rằng Thaco là DN ô tô non trẻ. Nếu không đầu tư phát triển, tiếp cận công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho kịp lộ trình cam kết giảm thuế khi hội nhập hoàn toàn vào AFTA thì sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng ngàn lao động mất việc làm…Và không chỉ là chuyện có lý của Thaco, rất nhiều DN khác cũng nằm trong tình trạng rất khó khăn. Các DN đều bình đẳng trước pháp luật, vậy nếu một DN được cứu thì nhiều DN khác cũng cần được như vậy. Vì thế chính quyền Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để kiếm tìm một con đường thông hiểu và chia sẻ khó khăn của DN. Ngay như sự kêu cứu của Kim Vinh, phía Sở KH&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh rằng DN này cần được quan tâm hỗ trợ, chính quyền tỉnh cần gửi văn bản NHNN Việt Nam để can thiệp và đề nghị ngân hàng VIB xem xét phương án trả nợ như đã thiết lập giữa hai bên. Còn Phước Tiến thì cho giãn thời gian thực hiện dự án và “buộc” công ty ký cam kết tiến độ đầu tư. UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhưng cần một thái độ dứt khoát để triển khai dự án. Không thể vin vào khó khăn để kéo dài dự án. Nhà đầu tư cứ triển khai dự án. Chính quyền sẵn sàng điều chỉnh dự án nếu nhìn thấy động thái tích cực của DN trong việc đầu tư dự án…

Theo nhiều chuyên gia, việc khoanh nợ, giãn thuế hoặc thậm chí xóa nợ thuế cho DN thì Nhà nước đã thực hiện đối với nhiều DN nhà nước nhưng DN tư nhân thì đếm trên đầu ngón tay. Cứu một DN đồng nghĩa với cứu cả hàng trăm con người. Bức tranh hiệu quả kinh doanh của DN nhiều màu tối hơn sáng và điều đó chứng minh sống động cho sự khó khăn đến mức độ nào của nền kinh tế. DN không lợi nhuận lấy gì nộp thuế? Vì vậy, lẽ đương nhiên chính quyền Quảng Nam cũng không thể khoanh tay đứng nhìn DN “chết” đi.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG