Thực phẩm chức năng: Loạn!

CHIÊU THỤC ANH 07/09/2013 16:33

Thời gian gần đây, nhiều người đã bỏ số tiền không nhỏ mua và sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN), coi như “thần dược”. Nhưng thực tế chất lượng và công dụng không phải ai cũng biết.

Mù mờ thông tin

Chị Phạm Thị T. là chủ cửa hàng thuốc tân dược ở đường Phan Châu Trinh cho biết, TPCN hiện nay rất phong phú nhưng sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất thuộc loại dành trẻ em như hỗ trợ trẻ biếng ăn, tăng chiều cao, thể lực, trí nhớ… Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị T. cũng như một số chủ cửa hàng thuốc tân dược kinh doanh loại mặt hàng này, phần lớn cả người kinh doanh và tiêu dùng chỉ biết dựa vào những thông tin quảng cáo ghi trên nhãn mác. Chị Hoàng Thanh Trang (đường Trương Chí Cương, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho biết, bé trai nhà chị được 21 tháng tuổi, theo lời giới thiệu của người quen cũng đang nuôi con nhỏ, chị mua siro hỗ trợ bé ăn ngon, bổ sung kẽm, vi chất dinh dưỡng. “Uống gần cả chục chai nhưng tình hình ăn uống của con không được cải thiện mấy nên tôi quyết định ngưng sử dụng sản phẩm này” -  chị Trang cho biết.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chọn thực phẩm chức năng.Ảnh: T.ANH
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chọn thực phẩm chức năng.Ảnh: T.ANH

Trước thực trạng kinh doanh TPCN đang phát triển rất nhanh với nhiều chủng loại sản phẩm được sản xuất trong và ngoài nước, thời gian vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cũng đã có rất nhiều hoạt động tăng cường quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, thời gian qua, chi cục đã quản lý theo 3 loại hình: sản xuất và kinh doanh TPCN, kinh doanh, quảng cáo TPCN.

Theo thống kê mới đây, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh TPCN. Địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh TPCN là Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ. Chỉ tính trong đợt kiểm tra chuyên đề TPCN tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, riêng huyện Đại Lộc có hơn 60 cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Các cơ sở đa số là hiệu thuốc đang trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn “thực hành tốt nhà thuốc” (GPP). Qua kiểm tra 49 cơ sở, ngoài những yêu cầu về chứng chỉ hành nghề dược, chống nắng, chống ẩm, nhãn sản phẩm TPCN, số công bố tiêu chuẩn sản phẩm, hạn sử dụng, hóa đơn xuất nhập TPCN… được tuân thủ theo đúng quy trình thì vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần xử lý. Đó là hầu hết các cơ sở để TPCN trong cùng khu vực bán thuốc tân dược, điều này dễ gây nhầm lẫn lớn cho người tiêu dùng.

Bát nháo

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện vi cá mập được bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hóa chất khác, có chứa dư lượng kim loại độc hại như thủy ngân, cadimum. Khi cơ quan chức năng chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập đi kiểm tra đã không tìm ra thành phần vi cá mập nào. Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, khi người tiêu dùng ăn phải những vi cá mập giả này có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi. Sữa ong chúa cũng phát hiện có pha thêm sữa bò, bột mì, phấn hoa, chất tạo màu nhằm tăng khối lượng sản phẩm.

Trên thực tế, ngoài các cơ sở kinh doanh TPCN công khai nêu trên, hiện nay đang tồn tại phương thức kinh doanh đa cấp. Loại hình này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bởi việc tư vấn bán hàng và các mặt hàng TPCN do người bán trực tiếp liên hệ với người mua nên rất khó kiểm soát. Không ít người kinh doanh, phân phối đã thổi phồng các sản phẩm TPCN như một loại “thần dược” có thể chữa được bách bệnh, điều này gây nhầm lẫn lớn cho người tiêu dùng. Thậm chí, không ít người còn quan niệm TPCN vô hại nên không cần bác sĩ chỉ định, kê đơn.

Trước thực trạng “loạn” quảng cáo TPCN, tháng 7 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 9 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm. Trong đó, Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu sản xuất dịch vụ thương mại Thiên Nam Dược quảng cáo sản phẩm TPCN Kháng Lạc Cao có nội dung liên quan đến người cai nghiện ma túy không đúng quy định. 8 cơ sở khác bị xử phạt là Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Đại Đông, Công ty TNHH Viễn Bằng, Công ty TNHH bán lẻ nhanh, Công ty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú, Công ty TNHH Beful, Nhà thuốc Phương Chính, Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Nam Á và Công ty TNHH Tân Thánh Hữu đều vi phạm các quy định về quảng cáo sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đã phạt tiền 8 cơ sở trên và yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm; thu hồi, tiêu hủy các tài liệu quảng cáo sai quy định; đính chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai…

Cũng theo ông Nguyễn Cam, hiện chi cục chỉ quản lý các loại TPCN được kinh doanh trong các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Hiện TPCN còn được đưa đến người tiêu dùng qua hình thức bán hàng đa cấp, chi cục không thể quản lý vì không có thông tin đăng ký từ các hãng sản xuất và cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, các hoạt động tuyển nhân viên, hội nghị khách hàng, bán hàng chiết khấu phần trăm… chi cục gần như không kiểm soát được. Ông Cam nói: “Người tiêu dùng nên trang bị những kiến thức về TPCN để sử dụng một cách hợp lý, tránh lạm dụng TPCN thay thế cho thực phẩm thông thường hay thuốc”. Với cơ quan nhà nước cần có quy định thật nghiêm rằng các loại TPCN khi lưu hành trên thị trường phải được thử nghiệm lâm sàng cũng như công bố định lượng, các phép thử đối với các loại thảo dược sử dụng để sản xuất mặt hàng này.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH