Làng đan lờ Trung An
Không đan nhiều loại mà chọn một thứ sản phẩm phù hợp với quê xứ - nơi có nhiều đồng, rộc, bàu, đìa… để khai thác cá đồng - là lờ cá, từ một gia đình làm nghề, sau lan ra cả xóm rồi hình thành nên làng nghề đan lờ Trung An (thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc). Trong lúc nông nhàn, trên làng quê này, xóm giềng vừa quây quần đan đát vừa hát hò khoan…
Cả nhà cùng tham gia
Cơn mưa dông ập đến bất chợt ầm ào như “cầm chĩnh đổ” vào khoảng nửa chiều, nhưng chỉ vài mươi phút sau là tạnh hẳn. Những con đường bê tông ngoằn ngoèo len lỏi vào tận ngóc ngách làng Trung An vừa trắng xóa nước mưa đã nhanh chóng khô ráo. Trên con đường vào làng, bên những giậu chè tàu, bờ rào dâm bụt, những chiếc xe đạp, xe máy chất đầy lờ lớn, lờ nhỏ, lờ trung, lờ bộng… mới đan xếp cao ngất ngưởng thành tầng. Theo những vòng xe, sản phẩm lờ làng Trung An bon bon chạy đi bán dạo khắp các làng mạc, thôn xóm trong và ngoài huyện. Mùa mưa là mùa đặt lờ. Nơi những cánh đồng ven sông, quanh bàu, hồ… hễ có nước dâng là các loài cá ức nước theo nhau lên đồng. Đây là dịp để quê xứ nhộn nhịp mùa bắt cá đồng, cá lụt. Cũng là lúc làng nghề đan lờ Trung An xuất hàng chạy nhất. Niềm vui đến từng ngõ xóm.
Người làng Trung An lấy nghề đan lờ làm thú vui lúc nông nhàn.Ảnh: CÔNG TÚ |
Tôi theo chân người bạn đến nhà anh Trần Viết Tới, một gia đình chuyên đan lờ cá. Hiện tại, gia đình anh cùng hơn bốn mươi hộ dân của làng Trung An vẫn duy trì nghề đan lờ. Ngoài việc sản xuất, chăn nuôi, nghề đan lờ đã cho gia đình anh Tới nguồn thu nhập tuy không nhiều nhưng khá ổn định. Theo lời anh Trần Viết Tới, gia đình anh đã có 5 đời làm nghề đan lờ và đã là thành viên trong gia đình đều có thể tham gia làm nghề theo sự phân công lao động phù hợp. Anh Tới cho biết, sau khi chọn loại tre mỡ, có mắt nhỏ, lóng dài, cơm mỏng và khẳm lá (tre tháng tư), nguyên liệu được cưa tùy theo cỡ cho các loại lờ lớn (bộng) có nan dài 1,6m; lờ trung 1,3m; lờ rô 1,1m… rồi bắt đầu chẻ và vót những sợi nan nhỏ như cây tăm hương. Tiếp theo là đánh tinh cho nan trắng ra rồi phơi khô, sau đó mới đến công đoạn đan lờ. Mỗi chiếc lờ có 3 bộ phận: thân, bửng và hom. Mỗi bộ phận sẽ được phân công hợp lý cho thành viên trong gia đình đảm nhận để đảm bảo lao động nhịp nhàng, hiệu quả. Ví như, chồng đan thân, con trai đan bửng, vợ làm hom, các cháu nhỏ chẻ lạt buộc, con gái ráp lờ… Anh Tới cho chúng tôi biết, chỉ riêng gia đình anh mỗi lần gầy đan hàng loạt, có lúc lên đến cả nghìn lờ cá.
Số lượng đan là vậy nhưng thu nhập thì rất khiêm tốn. Anh Tới làm một phép tính thực tế: Bình quân 4 công lao động mỗi ngày đan 10 cái lờ lớn, bán được 200 nghìn đồng, trừ chi phí nguyên liệu hết 30 nghìn đồng, còn lại 170 nghìn đồng cho 4 người trong một ngày. Số tiền ít ỏi này chẳng xứng vào đâu so với công lao động bình thường hiện tại. Tuy nhiên, theo anh Tới, nếu biết tính toán hợp lý và có được cơ chế hỗ trợ cho làng nghề truyền thống, hoặc hợp thành một “dây chuyền” sản xuất có sự tương hỗ thích hợp (như mô hình hợp tác xã), nghề đan lờ không chỉ dừng lại ở mức độ nghề nông nhàn hay “gìn giữ nếp quê” mà có thể đem lại lợi nhuận kinh tế kha khá.
Giữ nghề
Những người già ở làng Trung An kể lại rằng, hằng trăm năm trước, vùng đất này còn là nơi của rừng rậm rạp, hiểm trở; những con rộc, khe lạch, bùng bãi lau sậy um tùm, đầy rắn rết và thú dữ... Khi từng đoàn lưu dân đến đây khai phá đất đai, biến nơi hoang vu thành ruộng đồng, làng mạc, họ bắt đầu trồng những bụi tre gai (giống được mang theo từ quê cha đất tổ) để làm rào chắn giữ làng. Tre được trồng quanh những con mương, bờ rộc trên những rẻo biền ven sông, ao, đìa và ngay cả trong vườn nhà, ngõ xóm, bao bọc quanh làng. Ngoài việc che chở, bảo vệ làng mạc, tre còn là nguồn nguyên liệu để người dân làm ra những công cụ lao động truyền thống phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Và nghề đan lờ ở Trung An ra đời... |
Hằng năm, cứ đến tháng 9 là thời điểm hết xuất lờ cho các đầu mối chở đi khắp đông, tây, nam, bắc. Lờ Trung An xuống Vĩnh Điện (Điện Bàn), đi Hòa Liên, Hòa Vang (Đà Nẵng) rồi vào đến Quảng Ngãi, Bình Định. Hết năm này qua năm khác, bạn hàng cứ đến chất lờ, có khi mỗi nơi đặt hàng lên đến cả nghìn chiếc các loại. Những khi ấy, niềm vui lan tỏa, ấm áp cả làng nghề. Sau những ngày xuất lờ, nghỉ ngơi vài hôm, cả làng lại bắt đầu chẻ tre làm nan cho đến tháng 3; rồi từ tháng 4, ngoài thời gian ra đồng, các gia đình bắt đầu vào vụ đan lờ mới. Việc đan và bỏ mối diễn ra quanh năm thành chuyện như “đến hẹn lại lên”. Nhưng khâu khó khăn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu tre. Anh Trần Viết Tới cho hay, từ năm 1994 trở về trước, tre của làng Trung An không làm chi cho hết. Nào tre nà làng, tre vườn, tre dọc các con bàu… người đan lờ lấy nguyên liệu từ làng nên rất thuận lợi. Thế rồi, từ sau chủ trương “cải tạo vườn tạp” của địa phương, các bụi tre vườn bị phá bỏ hết, nhường chỗ cho đất đai tập trung làm kinh tế vườn theo quy hoạch; làng quê không còn bóng dáng của tre nữa. Mỗi mùa đan lờ, người làng phải đi tìm mua khắp huyện, có khi phải lên tận Trung Phước mua tre rồi thả bè theo sông Thu Bồn đem về. Dù khó là vậy, nhưng anh Tới chia sẻ rằng anh cũng như người làng Trung An vẫn không thể bỏ đi cái nghề đan truyền thống từ thời tổ tiên để lại, vì nếu mất nó, làng sẽ mất đi một điều gì đó rất thiêng liêng.
Với làng nghề Trung An, đan lờ không phải để làm giàu, mà xem như một thú vui trong lúc nông nhàn; như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu để gìn giữ nếp quê kiểng từ bao đời nay. Nghề đã có từ trong máu thịt của người dân nơi đây và không thể bỏ được. Có những năm thời tiết không thuận, đồng rộc khô hạn không có nước. Cá dưới sông không lên được ruộng. Mối lái các nơi không về mua lờ. Ấy vậy mà các gia đình trong làng vẫn đi đốn tre, vẫn đan lờ như việc đương nhiên phải làm, dù sản phẩm làm ra không có người mua. Nếu trời đất có chuyện nắng sớm mưa chiều, thì việc đan đát của con người ở đây là để trả nghĩa với quê xứ, tổ tiên; để giữ một nét đẹp văn hóa mà không phải bất cứ làng quê nào cũng có được, và giữ để cháu con biết yêu quý và trân trọng đến mai sau.
NGUYỄN HẢI TRIỀU