Chu Lai - những dự án động lực

TRỊNH DŨNG 04/09/2013 08:49

Hy vọng về những chuyến hàng ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang khu vực AFTA hay những dự án theo hướng tăng trưởng xanh đã và đang được cấp phép, đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho vùng đất đầy cát và nắng gió Chu Lai.

Từ dự án động lực…

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Quảng Nam xác định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô và dự án Trung tâm Sản xuất, lắp ráp ô tô là dự án động lực của Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Tất cả đều nhìn vào năng lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín của Trường Hải để Chu Lai có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô, phù hợp với quy hoạch của Chính phủ và ngành ô tô. Theo nhận định của ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thaco, Chu Lai có đủ diện tích đất để đầu tư dự án, thuận lợi xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanma bằng đường bộ và đường thủy sang các nước khác trong khu vực ASEAN. Đặc biệt Thaco là công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất đầy đủ các dòng xe tải, xe bus và xe du lịch.

Khởi công đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.                                                                                                          Ảnh: Trịnh Dũng
Khởi công đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: Trịnh Dũng

Năm 2003, Chu Lai khởi sự. Từ đó, Trường Hải âm thầm “tự mình làm một cuộc cách mạng” thành công nhất trong tất cả dự án đang đầu tư tại KKTM Chu Lai trong vòng 10 năm qua, dù chỉ là một dự án đầu tư nội địa. Chiến lược mở và những gì đã thể hiện, sẽ không khó hiểu khi Thaco được chọn để làm một nhà đầu tư chiến lược. Khu “công nghiệp” Trường Hải sẽ kết hợp đầy đủ hệ thống sản xuất và dịch vụ hỗ trợ đi kèm với đa dạng chủng loại sản phẩm và một hệ thống vận chuyển đường bộ với trung tâm giao nhận vận chuyển và đường thủy với cảng chuyên dụng Tam Hiệp nối các tuyến trong nước và quốc tế (Trung Quốc, Hồng Kông…).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý KKTM Chu Lai Huỳnh Khánh Toàn, dự báo năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp tại KKTM sẽ chiếm khoảng 38% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, xuất khẩu 100 triệu USD, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 50.000 người. Cơ sở  của con số này là dựa vào các dự án sản xuất ô tô hay các sản phẩm công nghiệp đang được đầu tư tại Chu Lai mấy năm qua. Mô hình động lực này sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị mạng lưới sản xuất của khu vực và thế giới.

... đến các dự án tăng trưởng xanh

Sự có mặt trong danh sách 5 KKTM trọng điểm quốc gia ưu tiên đầu tư từ năm 2013 – 2015 đã giải tỏa nỗi ưu tư về vốn và nuôi dưỡng khát vọng đón thêm nhiều dự án trọng điểm khác vào KKTM  Chu Lai. Theo GS-TS. Lê Xuân Đình, không nên quá sốt ruột chuyện lấp đầy mà chấp nhận cấp phép cho những nhà đầu tư, đón những dự án không mang tầm chiến lược, bởi KKTM Chu Lai được coi là hoàn chỉnh nhất trong tất cả các khu kinh tế tại Việt Nam. Giải quyết được rào cản yếu kém của hạ tầng chính sách sẽ tạo thêm động lực cho nhà đầu tư. Từ quan điểm này, Quảng Nam cũng đã hoạch định chiến lược riêng cho KKTM Chu Lai khi đưa ra 10 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm tại hội nghị đầu tư vùng duyên hải miền Trung hồi cuối tháng 3.2013 hay 16 dự án tại diễn đàn tăng trưởng xanh vào cuối tháng 6.2013 thì đã có đến hơn 2/3 là các dự án kêu gọi đầu tư vào Chu Lai. Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết, sẽ thẩm định năng lực nhà đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cùng nhà đầu tư phân tích những khó khăn, thuận lợi của dự án để cho nhà đầu tư thấy được tổng quan của thị trường trước khi quyết định đầu tư. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, chính quyền sẽ chỉ tập trung đầu tư hạ tầng cơ bản trước như sân bay, cảng biển, trục giao thông chính, tìm các nguồn vốn như trái phiếu chính phủ, ODA và nguồn hợp pháp khác; đầu tư các công trình trọng điểm như cầu Cửa Đại, 3 tuyến đường cứu nạn cứu hộ, hệ thống cấp thoát nước môi trường đô thị..., và tập trung giải phóng mặt bằng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xin cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án động lực, dự án quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành, địa phương và xác định đối tác chiến lược và thị trường trọng điểm với các dự án phù hợp, nhằm hình thành cơ hội đầu tư cụ thể và huy động nguồn lực hiệu quả, bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống người dân.

Ô tô Trường Hải, dự án động lực tại khu KKTM Chu Lai.
Ô tô Trường Hải, dự án động lực tại khu KKTM Chu Lai.
Hỗ trợ triển khai dự án động lực để hội nhập AFTA
Theo Ban quản lý KKTM Chu Lai, dù vẫn còn gặp một ít khó khăn như chưa đáp ứng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy nhưng dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai – Trường Hải đã được chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng thiết yếu và các ưu đãi cần thiết. Quảng Nam cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Ô tô Trường Hải đầu tư tại Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp với diện tích đất dự kiến 11,092ha, tổng vốn đăng ký 2.643 tỷ đồng. Dự án này đã được Thủ tướng cho phép thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chấp thuận cho phép chỉ định thầu với một số gói thầu từ nhà cung cấp Hyundai. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng thống nhất ký hợp đồng tín dụng. Hiện Trường Hải đang thương thảo. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và hoạt động vào năm 2014. Ban quản lý đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính và VDB xem xét cho phép áp dụng mức lãi suất vay đối với dự án là 6%/năm để bảo đảm tính khả thi của dự án.

Ban quản lý KKTM Chu Lai cho biết, ngoài dự án của Dr.Thanh đã khởi công, hai dự án khác đang dần hình thành là cơ hội để Chu Lai hiện thực hóa cơ hội đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là việc đã ký kết thỏa thuận chính thức về kêu gọi đầu tư, trình Chính phủ đưa dự án “đô thị Việt - Hàn” vào nội dung ký kết hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt - Hàn, kêu gọi vốn ODA Hàn Quốc đầu tư hạ tầng thiết yếu, xin Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm khởi công xây dựng giai đoạn 1 (200ha) và cho áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc thù với dự án sơ và thứ cấp trong khu liên hợp này. Tất cả điều này sẽ hỗ trợ “đặc biệt” cho việc triển khai dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt – Hàn Chu Lai trên diện tích 1.600ha. Hiện đã hoàn thành trục đường chính từ quốc lộ 1 đến khu vực dự án để nhà đầu tư C&N Vina triển khai dự án đầu tư Khu công nghiệp Tam Anh (một trong những hợp phần của dự án Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Việt – Hàn Chu Lai), với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD trên 200ha (giai đoạn 1). Đặc biệt, Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng với Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam về nghiên cứu (dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2013) tính khả thi sân bay Chu Lai từ vốn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ để hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế. Ông Lê Thành Ân - nguyên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cam kết sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, có khả năng tài chính và kinh nghiệm đầu tư vào dự án này khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, để cung cấp cho các doanh nghiêp thuộc 80 mạng lưới khắp Hoa Kỳ.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học - giáo dục - tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nhờ sự cam kết và tính chủ động cao của lãnh đạo tỉnh trong kế hoạch phát triển bền vững chính là cơ hội để Quảng Nam tiếp cận vốn từ 60 quỹ, 20 cơ chế tài chính, doanh nghiệp FDI đang theo đuổi tăng trưởng xanh để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách hỗ trợ phát triển khu vực miền Trung ngày càng gia tăng…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG