Siết chặt kinh doanh vận tải
Hôm nay 3.9, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các doanh nghiệp vận tải mở hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) trong hoạt động vận tải. Đây là đợt cao điểm để ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT).
Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đang bộc lộ nhiều yếu kém.Ảnh: CÔNG TÚ |
Nhiều biện pháp
Tám tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 157 vụ TNGT, làm chết 131 người và bị thương 124 người. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT giảm 21 vụ, giảm 26 người chết và 23 người bị thương. Tuy nhiên, số người chết vẫn còn ở mức cao, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải”, ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: “Ban đã xây dựng kế hoạch cụ thể và sẽ áp dụng vào thực tế thời gian đến. Yêu cầu cao nhất đặt ra là làm sao phải vừa kiềm chế, kéo giảm TNGT trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ”.
Thực thi nội dung các giải pháp, mỗi ngành và mỗi đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất. Theo đó, Sở GTVT sẽ chủ trì và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa để tham mưu hoàn thiện các quy định. Ngành chức năng hoàn thiện và trình UBND tỉnh công bố quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt công cộng, quy hoạch vận tải taxi, quy định về lập điểm đón, trả khách dọc hành trình tuyến vận tải hành khách cố định… Ngoài ra, thực hiện thí điểm tích hợp các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để tiến hành giám sát, phân tích, đánh giá xử lý vi phạm quản lý chất lượng dịch vụ và bảo đảm ATGT.
Tại hội nghị triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào chiều nay (3.9), Ban ATGT tỉnh và các doanh nghiệp vận tải sẽ tiến hành ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế TNGT trong hoạt động vận tải. Đồng thời, Ban cũng sẽ công bố thể lệ và kế hoạch tổ chức giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ nhất năm 2013, do Ủy ban ATGT quốc gia phát động. |
Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ngoài việc yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam phải sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, ngành GTVT cũng sẽ rà soát, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, có phương án xử lý những nơi nào có nhiều lái xe gây TNGT từ năm 2013. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, đẩy mạnh hiện đại hóa trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng nhiệm vụ thời kỳ mới.
Phát huy thiết bị giám sát hành trình
Từ ngày 15.7 đến 20.8 năm nay, Thanh tra GTVT Quảng Nam đã tiến hành thanh tra việc lắp đặt thiết bị GSHT đối với 101/568 xe của 16/70 đơn vị KDVT hành khách trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng phát hiện đa số các đơn vị lắp đặt chưa đúng quy định của Bộ GTVT như thiết bị không có thông tin về lái xe, không chính xác về tên lái xe, không báo trạng thái hoạt động… Kiểm tra trên website về thiết bị GSHT của 179 phương tiện đã lắp đặt thì có 15 xe không có thông tin, 51 xe không có thông tin về lái xe, 16 xe không có thời gian làm việc của tài xế, 20 xe không có số lần và thời gian đóng - mở cửa, 4 xe không có tốc độ vận hành, 16 phương tiện không có hành trình xe chạy. Phần lớn thiết bị đã kiểm tra không lưu dữ liệu tối thiểu theo quy định.
Chánh Thanh tra GTVT - ông Võ Quang Lâm cho biết, một số đơn vị KDVT chưa ý thức đầy đủ trong việc chấp hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về trang bị, vận hành thiết bị GSHT, thậm chí có trường hợp trang bị chỉ nhằm đối phó lực lượng chức năng. Đối với ô tô được lắp “hộp đen”, tài xế cũng không biết cách sử dụng, thậm chí không biết được lắp đặt ở vị trí nào trên xe. Cạnh đó, hệ thống GSHT chưa đồng bộ và vận hành thiếu ổn định, gây khó khăn khi kiểm tra. Các “hộp đen” đều sử dụng sim mạng viễn thông nên khi ô tô lưu thông qua vùng không phủ sóng hoặc sóng yếu thì máy chủ không nhận được thông tin hành trình của xe. Nhiều trường hợp lắp đặt tùy tiện, ẩn giấu trên xe do chưa quy định cụ thể vị trí. Thiết bị GSHT chỉ cho biết thông tin quá tốc độ đường bộ ngoài khu vực đông dân cư chung cho tất cả các loại ô tô vận tải hành khách, còn khi tham gia trong khu vực đông dân cư thì lại không có thông tin về tốc độ. Hiện có khoảng 10 nhà cung cấp lắp đặt cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh, thế nhưng hầu hết thiết bị này chưa đạt chuẩn theo thông số quy định của Bộ GTVT.
Có thể nói, việc khai thác thông tin từ thiết bị GSHT của xe tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện tham gia KDVT trong quản lý, kịp thời chấn chỉnh vi phạm từ phía lái xe nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao thương hiệu, hiệu quả hoạt động. Quy định trang bị hệ thống GSHT đối với KDVT khách và xe container là chủ trương đúng đắn cần được nhân rộng và hoàn thiện đối với loại hình KDVT khác. Tuy nhiên, ông Võ Quang Lâm đề xuất, Bộ GTVT cần tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 71/2012/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”. Theo đó, phải xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không lắp đặt GSHT với chủ thể là chủ đơn vị KDVT; xử phạt đơn vị cung cấp thiết bị không đúng quy chuẩn quy định; áp dụng xử phạt vi phạm hành chính qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị GSHT của xe ô tô…
CÔNG TÚ