Ánh lửa thời hoa đỏ
Câu chuyện về 6 nữ thanh niên xung phong (TNXP) ngày đêm tải thương, tải đạn trên tuyến sông Bung mãi còn vang vọng. Tên tuổi và chiến công vẻ vang của họ đã gắn liền với núi sông, được tạc thành tượng đài bất tử nơi đền Tưởng niệm Trường An (Đại Lộc). Với họ, những năm tháng chiến trường mãi là ánh lửa thời hoa đỏ.
Vượt sông Bung
Những năm 1966 - 1969, tại Mặt trận 4 Quảng Đà (Quân khu 5), chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Như bao người trẻ tuổi, các cô gái TNXP tuổi mười tám, đôi mươi Phạm Thị Ánh, Trần Thị Mai, Hồ Thị Tám, Ngô Thị Mười, Trà Thị Bảy và Trần Thị Kim Liên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Các cô được phân công cùng một tiểu đội (thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn Đông Sơn) với nhiệm vụ tải thương, tải đạn trên tuyến sông Bung, khu vực Thạnh Mỹ, Bến Giằng về khu vực đầu nguồn Vu Gia thuộc Thác Cạn, Ba Tớt (Đại Sơn, Đại Lộc). Đây là vùng sông nước hiểm trở với 9 thác ghềnh, hai bên là núi thẳm với toàn cây rù rì, dây leo, vách núi, hang đá. Trên tuyến sông này, thác Cần Xoay (tục danh) luôn là mối hiểm họa cho ghe thuyền qua lại, bởi nếu ai non kinh nghiệm, cả người và ghe thuyền rất dễ bị hút vào xoáy nước. Trên tuyến này, ban ngày địch thường phục kích, ban đêm chúng rọi đèn pha sáng lóa cả mặt sông. Tiểu đội 6 cô gái sông Bung được trang bị 3 chiếc thuyền nan. Hằng ngày, đội thuyền của 6 cô phải vượt qua đoạn sông hiểm yếu từ khu vực Thạnh Mỹ, Bến Giằng, qua Đá Trắng, Đá Đen, 9 thác ghềnh, về đầu nguồn Vu Gia nơi đơn vị tập kết.
Cựu nữ TNXP Hồ Thị Tám (phải) cùng gia đình. Ảnh: B.L |
Cô Phạm Thị Ánh, một trong những nữ TNXP thời ấy cho hay, sáu chị em với 3 chiếc thuyền nan, mỗi thuyền hằng ngày phải vận chuyển 5 tạ hàng. Cứ 4 - 5 giờ chiều xuất bến, thuyền nào thuyền nấy chở đầy hàng; khi về chở gạo và thương binh, phải tới 4 - 5 giờ sáng hôm sau mới về tới điểm tập kết. Những hôm gặp mưa to, gió lớn hay bị phục kích, cả đội nhịn đói, nhịn rét ngâm mình trong nước, có đoạn phải vừa kéo thuyền, vừa níu chặt bờ cây, bụi cỏ ven sườn núi để đi. Nhiều năm xuôi ngược, các cô thuộc nằm lòng từng vị trí con thác, từng mỏm đá và xử trí khéo léo khi qua xoáy nước. “Khổ cực là vậy nhưng chúng tôi vẫn vui, vẫn ca hát. Đói lòng, củ sắn củ khoai cũng chia đôi. Có lần, địch chặn đường tiếp tế, cả đơn vị nhịn đói suốt 6 - 7 ngày trời, phải ăn trái sung sống rồi tới sung luộc không muối, ăn ốc đá, cải tàu bay. Sau lần đó, mỗi khi Mai (cô Trần Thị Mai) nhìn thấy trái sung là rùng mình” - cô Ánh kể.
Những khoảnh khắc tử - sinh
Ba năm trên tuyến sông này, ranh giới giữa sự sống - cái chết rất mong manh. Một đêm, thuyền của cô Ánh và cô Trà Thị Bảy vừa đi được 10 phút thì bị phục kích, sau trái điểm, địch từ trên đồi bắn xuống xối xả. “Trên thuyền có 2 thương binh, do không quen địa hình hiểm trở, lại gặp phục kích, nên tự ý rời thuyền. Sau loạt đạn, khi cho thuyền đi, tôi thuyết phục 2 thương binh: Các đồng chí ở yên vị trí. Chúng tôi đảm bảo đưa các đồng chí về tới nơi an toàn. Nếu các đồng chí xảy ra mệnh hệ gì, chúng tôi chịu trách nhiệm với cấp trên. Thế rồi các anh xin lỗi chúng tôi và lên thuyền đi tiếp” - cô Ánh nhớ lại.
Mấy chục năm rồi, cựu TNXP Hồ Thị Tám vẫn không quên phút giây sinh tử ở chiến trường. Lần đó, tiểu đội thuyền nan của các cô cùng nhiều thuyền nan khác được điều động tiếp ứng hàng cho mặt trận Khâm Đức. Đoàn người dừng lại nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm. Vừa ăn xong cũng là lúc máy bay giặc ập đến. Trong gang tấc, Đại đội phó Trần Trò chỉ kịp ra lệnh cho cô Tám và một vài đồng đội khác sang ngách hầm kiên cố trú ẩn. Cô Tám vừa chạy tới ngách bên này thì bom địch cũng vừa dội xuống, đồng chí Thời, đồng chí Xảo hy sinh tại chỗ, còn cô bị thương bê bết máu, may vết thương không ảnh hưởng tính mạng.
Câu chuyện về Tiểu đội trưởng Trần Thị Kim Liên khiến nhiều người nể phục bởi sự gan dạ, mưu trí của cô gái trẻ. Cô Ánh - khi đó là tiểu đội phó kể lại, một lần vượt sông, đội cô bị pháo kích. Để thuyền nương theo dòng, ai nấy xác định dù có hy sinh cũng vững vàng, không nao núng. Cô Liên bị trúng mảnh, bị thương ở bụng, cánh tay và chân, máu chảy đầm đìa, chỉ kịp sơ cứu, băng bó tạm thời. Bọn địch liên tục dội pháo, tình thế rất nguy, cô Liên lệnh cho cô Ánh và đồng đội dìu thương binh tìm hang trú ẩn, một mình một thuyền đánh lạc hướng địch rồi mưu trí dìm thuyền, bơi vào bờ. Bọn địch không thấy tăm hơi, rút đi. Lần ấy, cả đội và toàn bộ thương binh qua cơn “thập tử nhất sinh”.
Mãi mãi tuổi đôi mươi
Hòa bình lập lại, trở về từ chiến trường, trong những nữ TNXP ngày ấy có người lấy được tấm chồng, nhưng có người lặng lẽ để tuổi xuân trôi qua, như trường hợp cô Mười, cô Ánh. Từ gian khó, họ vừa tất tả lo cuộc mưu sinh, lo phụng dưỡng cha mẹ già, trăm bề vất vả. Cô Hồ Thị Tám nên duyên và có 5 đứa con cùng ông Trần Văn Hướng, vốn là sinh viên miền Bắc tình nguyện vào Nam. Từ khi Hội Cựu TNXP huyện Đại Lộc thành lập tới nay, cô Tám luôn là thành viên nòng cốt của Ban Chấp hành huyện hội. Cô Phạm Thị Ánh trở về với mảnh đất Đại Hồng tiêu điều, xác xơ bởi chiến tranh, gánh vác gia đình, đến khi nhìn lại tuổi xuân đã đi qua. Suốt 10 năm (2000 - 2010), cô Ánh luôn là thành viên nòng cốt của hội phụ nữ xã, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Sau ngày chiến tranh kết thúc, cô Mai đã mất tại nông trường chè vì cơn sốt rét rừng. Cô Liên, cô Bảy theo chồng, mỗi người một phương…
Thỉnh thoảng, có dịp hội ngộ cùng đồng đội, những cựu TNXP như sống lại những ngày nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tuổi đã 70, mỗi khi nắng gió trở trời, di chứng của chiến tranh hành hạ, nhưng khi kể về những ngày ở chiến trường, ánh mắt cựu nữ TNXP Hồ Thị Tám lại rạng ngời. Trong sâu thẳm đó là ánh lửa về một thời hoa đỏ. Nơi ấy, tình đồng chí đồng đội thiêng liêng đã sưởi ấm con người, họ sống và chiến đấu bằng tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ. Mấy chục năm rồi các cô vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ trong bài thơ “Người con gái cứu thương” mà nhà thơ Tố Hữu có lần đi công tác qua đây đã tự tay chép tặng. Đó là bài thơ ca ngợi những người nữ cứu thương nơi tuyến sông thượng nguồn này.
Câu chuyện 6 cô gái Sông Bung dường như đã đi vào huyền thoại. Tên tuổi họ đã gắn với tên sông, tên núi. Tuyến sông Bung xuôi ngược đã in đậm bàn chân nhỏ bé của các cô gái tuổi 20 ngày ấy.
BÍCH LIÊN