Săn ong vò vẽ
Ong vò vẽ rất hung dữ. Khi tổ bị xâm hại, chúng thường tấn công đến cùng. Khi bị nhiều con chích cùng một lúc, nọc độc vò vẽ có thể gây chết người. Tuy nhiên, ở vùng đồi núi Quảng Nam, nhiều người vẫn “nghiện” săn ong vò vẽ để lấy nhộng.
Ban ngày đi “câu”
Ong vò vẽ thường bắt đầu xây tổ vào khoảng đầu mùa hạ và sẽ bỏ tổ bay đi vào cuối mùa thu. Tùy theo địa hình mà ong vò vẽ đóng tổ trên cao hay dưới thấp. Chúng làm tổ bất cứ nơi đâu, trên cây, dưới bụi rậm, trụ điện và có khi đóng cả trên vách hay trần nhà. Tổ vò vẽ có nhiều hình thù khác nhau tùy theo vị trí mà nó làm tổ.
Đốt tổ ong vò vẽ lấy nhộng. |
Vò vẽ cực kỳ hung dữ, khi có đối phương xâm phạm đến tổ, chúng túa ra và cùng tấn công. Nhiều trường hợp, trẻ em đi chăn trâu, người lớn đi lên rừng nếu vô tình va nhằm tổ của nó thì nhất định sẽ bị chích. Nhẹ thì mặt mũi chân tay sưng vù, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm là vậy nhưng những người chuyên đi đốt ong vẫn có cách tìm ra tổ của chúng để lấy nhộng. Ông Alăng Muôn một thợ “săn” vò vẽ có tiếng ở thôn Tống Cói (xã Ba, Đông Giang) cho chúng tôi biết, muốn tìm ra tổ vò vẽ phải dùng hình thức “câu” ong. Dụng cụ “câu” vò vẽ gồm một cần dài khoảng 1,5m và sợi chỉ mảnh dài độ một gang tay. Khi “câu”, một đầu sợi chỉ buộc mảnh giấy nhỏ màu trắng và mỏng, đầu dây kia cột một con mồi là ruồi hoặc châu chấu nhỏ. Sau đó vắt hờ đoạn dây chỉ vào đầu cần câu.
Vò vẽ thường tìm mồi ở gần khu vực có tổ của chúng. Vì vậy khi thấy ong vò vẽ bay đi tìm mồi thì đưa cần câu có gắn con mồi qua lại chập chờn trước mắt chúng. Thấy mồi, vò vẽ liền chụp lấy bay về tổ, mang sợi dây theo đi. Người “câu” chỉ việc theo mảnh giấy bay phất phơ mà lần ra tổ ong. Khi phát hiện ra tổ ong vò vẽ, phải chú ý quan sát tìm cho được cửa ra vào của chúng, đợi đến tối sẽ đốt tổ ong để lấy nhộng.
Ban đêm lấy tổ
Như đã hẹn trước, tôi được ông Alăng Muôn cho đi theo để tận mắt xem cảnh đốt tổ ong vò vẽ mình mới tìm được. Dụng cụ để đốt ong gồm một bó đuốc làm từ thân nứa nhỏ chẻ dọc, phơi khô, bó lại vừa tay cầm; một con rựa cán dài thật bén; đèn pin và bao tải để đựng tổ ong.
Với loài ong vò vẽ, từ nhộng đến ong con, ong trưởng thành đều có thể chế biến thành món ăn. Nhộng và ong con đem chiên giòn, xào lăn, nấu cháo là món ăn rất giàu đạm. Ong trưởng thành thường dùng để ngâm rượu có tác dụng trị nhức mỏi lưng, đau xương khớp... Sau khi đem tổ ong về, người ta tách các tầng ra, trên đó chi chít những ô hình lục giác được bịt bằng lớp màng mỏng trong mỗi ô có chứa nhộng hoặc ong con. Bóc lớp màng và trút vào thau nhựa, nhặt ong con riêng, còn nhộng được ngâm trong nước sôi vài phút cho săn lại và ngắt cuối thân nhộng lấy ruột màu đen bỏ đi sau đó có thể chế biến các món ăn tùy thích. Món khoái khẩu của người dân nơi đây là xào nhộng ong vò vẽ với thân chuối rừng thái mỏng. Món này khi ăn có vị béo ngọt của nhộng ong, chát chát của chuối rừng. |
Trời chập choạng tối chúng tôi lên đường. Lội qua một con suối rồi men theo lối đi của một đồi chè, đến một bãi đất trống. Ông Muôn soi pin về phía một bụi chè và cho biết nơi đó có tổ ong khá to. Ông nhắc: “Ban đêm chúng chui hết vào trong tổ rồi, đi đến sát tổ chúng cũng được nhưng cẩn thận không được làm động tổ, nguy hiểm lắm!”.
Ông soi đèn pin và tiến sát tổ ong vò vẽ đóng trên một bụi chè khá thấp để xác định lại miệng tổ ong, tôi mon men bò theo tranh thủ dùng máy ảnh ghi hình. Chọn vị trí phù hợp, ông châm lửa bó đuốc và đưa ngay vào miệng tổ ong. Tiếng ù... ù... phát ra từ trong tổ vò vẽ. Bầy ong đồng loạt bay ra bị lửa thiêu trụi cánh rơi xuống đen cả mặt đất. Trong khi ông đốt tổ, con trai lớn của ông đứng phía sau cầm nhành cây phòng thủ lỡ có con thoát được bay ra ngoài.
Tiếng ù ù trong tổ ong bắt đầu lịm dần rồi không nghe thấy nữa. Ông cười hà... hà... và bảo vợ bật đèn pin lên. Ông cầm cây rựa cán dài chặt một nhát vào gốc, cây chè mang theo tổ vò vẽ ngã xuống. Con trai ông bước vào nhẹ nhàng bê tổ ong đưa ra bãi đất trống. Phá lớp vỏ bên ngoài, tổ ong hiện ra gồm nhiều tầng xếp chồng lên nhau trông rất đẹp. Gỡ từng tầng đầy nhộng bỏ vào bao tải và chúng tôi quay về.
Nguy cơ cháy rừng Ông Alăng Muôn gọi đứa con trai và bảo chìa lưng ra chỉ cho chúng tôi những vết cắn bị lún sâu còn mưng mủ trong lần đốt ong hồi tuần trước. Ông kể: “Lần đó gặp tổ ong vò vẽ to bằng cái thúng 3 ang (thúng dùng để đựng thóc, mỗi ang là 30 chục lon - NV). Tổ ong có đến 3, 4 cửa ra vào. Do không quan sát cẩn thận từ trước nên khi nổi lửa đốt ong thoát ra quá đông, tấn công tới tấp. Lúc đó mạnh ai nấy băng rừng mà chạy. Lần đó con ông bị chích 3 vết, đã dùng bài thuốc gia truyền chữa mà mặt mũi vẫn sưng to, đau nhức suốt đêm hôm đó. Đến ngày sau mới hết đau nhức nhưng vết cắn vẫn sưng và còn bưng mủ. Nhưng cái đáng lo nhất của việc đốt ong vò vẽ lấy nhộng là gây ra nguy cơ cháy rừng. Mùa đốt ong vò vẽ thường vào mùa nắng nóng, gió mạnh, lửa dùng để đốt ong có thể cháy lây lan nếu không kịp thời dập tắt. Khi được hỏi về việc này những người chuyên đốt ong đều nói “phải chú ý chứ”. Tuy nhiên không thể không đề phòng nguy cơ cháy rừng. Chẳng hạn như trường hợp đã kể ở trên, lỡ đốt tổ nhưng không kiểm soát được, khi ong bay ra đốt thì mạnh ai nấy chạy, nếu người cầm đuốc cũng quăng đuốc bỏ chạy hoặc dùng đuốc quơ tứ tung để xua ong thì hậu quả thật khôn lường. Mặt khác, việc đốt ong lại vào ban đêm, khó có thể kiểm soát không để cho ngọn lửa bén vào lá khô ở xung quanh tổ ong, nếu gặp gió mạnh nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. |
NGUYỄN CƯỜNG - THÁI XUÂN