Kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2013 : Nhiều gam màu sáng

XUÂN PHÚ 30/08/2013 10:57

(QNO) - Ngày 29.8, UBND tỉnh dành thời gian cả ngày để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2013, triển khai nhiệm vụ tháng 9; tập trung bàn các biện pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư xây dựng, thanh toán khối lượng tạm ứng vốn đầu tư qua các năm. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh chủ trì phiên họp.

Chuyển biến tích cực

Bức tranh chung về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2013, được UBND tỉnh nhận định là có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, lượng hàng tồn kho giảm đáng kể ở một số mặt hàng; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn có chuyển biến tích cực; tình hình tai nạn giao thông giảm. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tốt hơn so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh phát biểu tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Cụ thể, trong 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2012. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ hơn 19,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 tăng mạnh, bình quân 8 tháng đầu năm chỉ số giá tăng 7,09% so cùng kỳ (cả nước tăng 6,9%). Xuất khẩu 8 tháng đầu năm gần 377 triệu USD, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2012, bằng 63,5% kế hoạch. Nhập khẩu 8 tháng đầu năm trên 420 triệu USD, tăng hơn 48% so cùng kỳ, chiếm gần 77% kế hoạch. Tổng lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh gần 2,5 triệu lượt, tăng 31,6% so cùng kỳ, bằng 83% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp năm nay nhìn chung tăng khá. Đến thời điểm hiện tại, nông dân toàn tỉnh đang tập trung đẩy nhanh việc thu hoạch lúa hè thu, năng suất ước đạt 53-54 tạ/ha. Tính đến tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 4.187 tỷ đồng, đạt gần 62% dự toán năm 2013. Trong đó, thu nội địa hơn 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng hơn 65% dự toán năm; thu xuất nhập khẩu hơn 1 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 66,2% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương hơn 6.840 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm.

Trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng, tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được trên 1.674 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ. Trong đó, tỉnh quản lý thực hiện 645 tỷ đồng, huyện quản lý 889 tỷ đồng, xã quản lý thực hiện gần 140 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt tỷ lệ 65% kế hoạch vốn 2013. Trong đó nguồn vốn trong cân đối và nguồn khác giải ngân được 61%; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 79%; nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 59%; nguồn hỗ trợ theo mục tiêu là 59%.

Khai thác đất khó khăn làm cho nguồn thu giảm đáng kể
Khai thác đất khó khăn làm cho nguồn thu giảm đáng kể

Khó khăn còn nhiều

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013, các cấp, các ngành cần tập trung tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát. Chỉ đạo thu hoạch nhanh vụ hè thu; chuẩn bị các điều kiện để triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2013 trong mùa mưa đến; triển khai các phương án phòng, chống lụt bão năm 2013.

Tiếp tục giải quyết, xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 A, đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, các dự án trọng điểm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai... Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, thúc đẩy tiến độ thi công để hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình, đảm bảo chất lượng, an toàn trong mùa mưa bão. Rà soát các công trình đã bố trí vốn nhưng đến nay chưa triển khai, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn cho các công trình đã có khối lượng và có khả năng hoàn thành; thực hiện kịp thời việc giải ngân và hoàn ứng các nguồn vốn xây dựng cơ bản..

Đồng chí Lê Phước Thanh cũng lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2013 là đẩy mạnh các biện pháp thu ngân sách nhằm hạn chế hụt thu ngân sách. Đồng thời, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, kiên quyết không chi phát sinh ngoài dự toán.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thừa nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh  tháng 8 bắt đầu khó khăn trở lại sau khi vừa có dấu hiệu dần phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với tháng trước; chỉ số sử dụng lao động, chỉ số hàng tồn kho có cải thiện nhưng không đáng kể, tập trung ở một số ngành nghề như chế biến thực phẩm, ô tô, sản xuất giường tủ bàn ghế; còn lại đa số các nhóm sản phẩm khác chỉ số tồn kho vẫn tăng. Một trong những khó khăn nữa là thu ngân sách. Dù 8 tháng qua thu ngân sách thực hiện khá so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với dự toán năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn, cho vay theo thỏa thuận vẫn còn ở mức cao; dư nợ tín dụng không tăng.  Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, dự báo tình hình thu ngân sách năm nay sẽ tiếp tục hụt thu khoảng 150 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện nợ hơn 2 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng.

Về tình hình giải ngân vốn ngân sách năm 2013, theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến cuối tháng 8, cả tỉnh đã giải ngân hơn 2.967 tỷ đồng, tỷ lệ 68%; trong đó ngân sách tỉnh giải ngân 58%, các huyện, thành phố 72%, các xã, phường 71%. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều dự án của nhiều địa phương, ngành tỷ lệ giải ngân đạt quá thấp chỉ dưới 30%. Đáng chú ý, không ít dự án chưa giải ngân được đồng nào; trong đó có 9 dự án với tổng vốn 26 tỷ đồng của nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, 49 dự án với tổng vốn hơn 30 tỷ đồng của nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng về số dư tạm ứng các dự án từ kế hoạch năm 2010 trở về trước đến nay là 181 tỷ đồng, trong đó của các hợp đồng hết hiệu lực là hơn 88 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai với hơn 75 tỷ đồng, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước 43 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gần 32 tỷ đồng với các dự án như bến số 3 cảng Kỳ Hà, khu dân cư Tam Quang, dự án nạo vét khẩn cấp sông Trường Giang. Hiện nay, Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ một số nhà thầu không có khả năng hoặc không hợp tác hoàn trả số tiền tạm ứng ngân sách nhà nước sang cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật như công ty TNHH Minh Phú, Công ty 789 Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH MTV xây dựng Quảng Nam.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để  giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và hoàn ứng khối lượng đã tạm ứng. Trong tháng 10 các chủ đầu tư phải rà soát tình hình giải ngân của từng công trình, nếu không có khả năng giải ngân trong năm 2013 thì tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điêu chuyển vốn sang các dự án khác có nhu cầu, tránh tình trạng “mất” vốn.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ