Về làng di dân

Ghi chép của THANH MINH 30/08/2013 08:14

Thôn 16, xã Ealê (huyện Easúp, tỉnh Đắc Lắc) - nơi hàng trăm hộ dân quê Thăng Bình định cư gần 15 năm nay nằm lọt thỏm giữa cao nguyên giáp biên giới Campuchia. Mảnh đất cằn cỗi, lởm chởm bụi rậm xưa giờ đang dần hồi sinh từng ngày.  

Dấu vết di cư

Tây Nguyên đang mùa mưa. Con đường từ TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) về huyện vùng biên Easúp ướt sũng, băng qua những thảo nguyên xanh um, nối tiếp những vạt nương rẫy lưa thưa cỏ bởi đã bước qua mùa thu hoạch. Đây đó còn trơ ra nhiều vạt đồi đất đỏ quạch, lốm nhốm gốc cây đen cháy còn lại trên các mảnh đất vừa được khai phá. Gần 70km đường này trước đây chủ yếu là đường rừng mà bây giờ chỉ thấy dấu vết của những thân gỗ đang mục nát trên mấy vạt đất đỏ au, thi thoảng mới có một khoảnh rừng khộp sót lại, co ro sau đợt mưa chiều.

Dân kinh tế mới Thăng Bình thu hiệu quả kinh tế cao từ các đồng đất trồng đậu phụng.Ảnh: MINH ĐỨC
Dân kinh tế mới Thăng Bình thu hiệu quả kinh tế cao từ các đồng đất trồng đậu phụng.Ảnh: MINH ĐỨC

Đại ngàn Tây Nguyên đang thu hẹp để dành đất cho con người. Ở huyện Easúp này, vài năm trở lại đây nhiều người ngỡ ngàng trước làn sóng di dân tự do. Người ta tính đến chuyện tách huyện vì dân số tăng lên đột ngột, vì những làng mới, xóm mới bỗng dưng mọc lên sát vùng giáp biên và nằm sâu trong rừng. Dân di cư tự do vẫn chưa thôi “nhảy dù” xuống vùng đất này, rừng dần bị cào bằng thành nương rẫy và “rỗng ruột” do kế mưu sinh mới của dân di cư tự do: nghề làm rừng. Tôi cứ tiếc nuối những khu rừng dầu đổ lá đỏ cháy vào mùa khô men theo con đường này cách đây chừng mươi năm trước. Đường về Easúp ngày xưa cứ như lối mòn trong rừng, qua những buôn làng người Ê Đê bản địa, qua xứ voi Bản Đôn đầy vẻ bí ẩn, cuộn trào bên dòng Sêrêpốk…

 Nhưng nơi tôi đến không có nhiều dấu vết về sức “khai phá” mãnh liệt của con người, vùng đất này dường như đại ngàn đã dành sẵn cho họ và có lẽ vì đất đai không màu mỡ, hoặc chỉ là vùng đồng bằng cỏ cháy, đầy gốc lồ ô nên người bản địa không ngó ngàng tới? Thôn 16 (xã Ealê), nơi hàng trăm hộ dân gốc Thăng Bình định cư gần 15 năm nay là một thung lũng bazan pha sỏi. Từ đây chỉ đi khoảng 30km nữa sẽ đến vùng giáp biên Campuchia, là vùng đất mà nhiều người thường gọi “làng Thăng Bình” hay làng kinh tế mới. Dân cư quanh vùng có đủ mọi miền, từ đồng bào Tày, Nùng… vùng Tây Bắc xa xôi đến dân kênh rạch Tây Nam Bộ di cư lên đây xen lẫn với người Ê Đê, Xê Đăng bản địa. Hôm tôi lọt vào “làng Thăng Bình”, bỗng chốc bị kẹt cứng vì đường sá tứ phía trở nên dẻo quẹo đất đỏ sau một trận mưa, chiếc xe bán tải của chúng tôi tiến thoái bất thành, phải nhờ đến những khúc gỗ bìa của bà con trải xuống mới có thể thoát được. Nhiều lưu dân ở đây cho biết, lúc mới đến, vùng này đã là bình địa, đất đai khô khốc, lởm chởm những vạt lồ ô. Còn bây giờ, trước mắt tôi là những đồng đất đậu phụng, mía, bắp, bông vải, lúa nước…, và thuốc lá đang là cây công nghiệp đem lại thu nhập khá cho nhiều người.

Anh Trình Ngọc Tư (bìa phải) cùng các đồng hương kể chuyện về những ngày đầu lập nghiệp.
Anh Trình Ngọc Tư (bìa phải) cùng các đồng hương kể chuyện về những ngày đầu lập nghiệp.

Dựng nghiệp

Anh Trình Ngọc Tư – Trưởng thôn 16 (xã Ealê) vẫn chưa quên những ngày đầu di dân vào đây. Trước lúc lên đường, anh là Phó Bí thư Đoàn xã Bình Nam (huyện Thăng Bình), Trưởng thôn Vịnh Giang (xã Bình Nam). Ở quê anh sau sông trước biển, đất cứ hẹp dần, nghề nông chẳng xong, biển cũng chẳng khá giả gì. “Tôi nhớ như in, vào ngày 29.12.1999 (22 tháng 11 âm lịch), đúng 100 hộ dân với 434 nhân khẩu của xã Bình Nam được Nhà nước tổ chức di dân đến vùng này. Xe đưa đến nơi, mỗi hộ ban đầu được cấp 1.000m2 đất nhà ở, 4.000m2 đất sản xuất cây ngắn ngày 1 vụ, huyện Thăng Bình hỗ trợ mỗi hộ 1 sườn nhà chở từ Quảng Nam vào, cung cấp lương thực 6 tháng… Nhưng lúc đầu ai cũng ngán vì đất đai quá cằn cỗi, lại dính cục khi gặp mưa nên việc khai phá, đào gốc le (lồ ô) rất vất vả. Thung lũng này thỉnh thoảng có những cơn gió xoáy thông thốc, lều dựng tạm bợ thường xuyên bốc lên, bay vào rừng…” – anh Tư kể.

Ông Đặng Phú Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ealê cho biết, toàn xã hiện có 2.500 hộ dân với 11.758 nhân khẩu, trong đó dân di cư tự do chiếm khoảng 45%. Ealê là xã mô hình điểm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm (năm 2012). Riêng thôn 16 gần đây nhiều người dân thu hiệu quả kinh tế cao nhờ trồng bắp, thuốc lá và đặc biệt là lúa 2 vụ. “Thôn 16 hiện còn khoảng 7 hộ nghèo, người dân thôn 16 đặc biệt không xâm hại rừng. Đây là một trong số những làng di dân đạt hiệu quả cao” – ông Bình cho biết.

Ngày mới vào, tuy hết giữ chức trưởng thôn nhưng anh Tư cũng đóng vai trò đầu tàu ổn định cuộc sống của bà con ở vùng đất mới. Vì quá khó khăn, nhớ quê, không quen với kiểu sản xuất nương rẫy… nên nhiều người có ý định quay về. Anh Tư vận động, rồi tập hợp thanh niên tổ chức dựng nhà cho nhiều gia đình. Anh nói: “Không thể kể hết những gian khổ lúc mới vào. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trước khi di dân nên đến đây không có nhiều tiền mặt để lo liệu cho cuộc sống ban đầu. Trong khi đó thời tiết khắc nghiệt nên nhiều người nản chí, một số bỏ cuộc. Riêng tôi đến ngày 28 tháng chạp mới dựng được nhà tạm vách ván, nền đất… rồi cúng tất niên, cũng là dâng chút lễ mọn định cư ở đất mới. Lúc đó khổ đến nỗi mua nhúm đinh để về đóng ván cũng phải tính toán… Lúc mới vào đây địa phương vận động tiếp tục làm trưởng thôn nhưng mình nói thiệt phải dành thời gian lo ổn định cuộc sống nên nghỉ mấy năm”.

“Ổn rồi!”

Bây giờ Trưởng thôn Trình Ngọc Tư có thể thong thả lo cho bà con đồng hương đang có cuộc sống ổn định tại cao nguyên này. Trong căn nhà cấp 4 khang trang mới xây của anh, nhiều nông dân gốc Vịnh Giang, Phương Tân (xã Bình Nam) đang tụ họp “giải mỏi” sau một ngày lăn lộn trên các đồng đất bằng món cá hố khô từ quê nhà gửi vào. Ông Trịnh Minh Công (gốc thôn Phương Tân) lấm lem bùn đất, khuôn mặt toát vẻ u sầu sau những câu chuyện gợi lại ký ức của những ngày đầu lập nghiệp. Ông hớp một ngụm rượu như để xua tan cảm xúc buồn xa xứ bỗng chốc thoáng qua rồi nói với giọng thản nhiên: “Được cái là những người ở lại đây ai cũng chí thú làm ăn. Mới đầu khổ lắm nhưng hồi mới vô đến chừ dân mình không ai màng đến chuyện phá rừng lấy đất làm rẫy hay bán gỗ kiếm tiền. Đất nghèo thì mình cải thiện, trồng cây phù hợp mà đặc biệt là tích lũy ruộng lúa nước. Nhờ rứa mà cuộc sống ổn định dần”. Ông Công bây giờ đã có gần 1ha lúa nước 2 vụ, 6 sào đất rẫy, chăn nuôi trâu bò… đủ trang trải cuộc sống.

Anh Tư cho biết chuyện tích lũy lúa nước cũng là “thời cơ” của “làng Thăng Bình”. Trước đây lúa nước chỉ được sản xuất 1 vụ, lại không hiệu quả nên người dân bản địa và dân ở các vùng miền khác di cư đến đây bán dần, người “làng Thăng Bình” dành dụm mua lại để mở rộng diện tích sản xuất. Cái may mắn là sau đó ít năm Nhà nước đầu tư xây đập thủy lợi Easúp thượng, nước về dào dạt, người dân bắt đầu sản xuất lúa 2 vụ cho năng suất cao (trung bình 7 tấn/ha). Hiện thôn 16 - “làng Thăng Bình” có hơn 100 hộ dân (do tách nhân khẩu thêm), bình quân mỗi hộ có khoảng 1,2ha đất sản xuất. Ngoài ra hiện có 45 hộ trồng cây thuốc lá với tổng diện tích hàng chục héc ta, mỗi năm lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. “Đường sá tuy còn khó khăn, chưa bê tông hóa như quê mình nhưng được cái là bằng phẳng, trường học cũng gần, nói chung bà con mình giờ đã có cuộc sống ổn định. Gần 15 năm di cư mà xây dựng được như rứa là mừng rồi, chừ nhớ quê là chạy xuống huyện, leo lên xe ngủ giấc sáng mai tới Hà Lam” – anh Tư nói, giọng bình an như tán rừng vừa trút hết những đợt nước nặng trĩu khi cơn mưa chiều im bặt.

Tây Nguyên mùa mưa, đêm xuống nhanh hơn và thăm thẳm, tôi đang miên man về nỗi thắc thỏm của đại ngàn, về vùng đất tôi qua đang cựa mình hồi sinh…

Ghi chép của THANH MINH

Ghi chép của THANH MINH