Cân nhắc kỹ khi vay tín chấp
Cẩn trọng với các điều khoản từ ngân hàng đưa ra, là lời khuyên bổ ích của các chuyên gia tài chính đối với những người đến ngân hàng vay tín chấp.
Tiếp thị “ngọt ngào”
Nhân viên ngân hàng làm thủ tục cho vay (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: N.P |
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng khi tìm đầu ra cho đồng vốn thì việc vay vốn tín chấp của nhiều người đã trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ rầm rộ quảng cáo, đủ cách thức tiếp thị, từ tờ rơi đến những lời mời khá dễ chịu; chỉ cần một cuộc điện thoại hay mở lời đầu tiên là các ngân hàng đã nhanh chóng cho nhân viên kinh doanh tiếp cận khách hàng cá nhân với những lời chỉ dẫn cụ thể. Có ngân hàng còn “yêu cầu” hay nhắc nhở khách hàng đã nhận hồ sơ vay mà chậm đến hay “quên” gặp nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vay. Thậm chí có ngân hàng sẵn sàng “yêu cầu” khách hàng ký lại hồ sơ để được nhận lãi suất hạ hơn dù trước đó đã nộp hồ sơ vay cho ngân hàng với lãi suất cao hơn. Hầu hết các ngân hàng đều cho phép người vay với hạn mức tín dụng cao mà không cần thế chấp tài sản. Thủ tục vay nhanh, gọn. Chỉ cần một bộ hồ sơ điền thu nhập, bảng lương, xác nhận công tác, giấy chứng minh… là đã có thể được chấp thuận. Khách hàng có thể vay món vay gấp 3 lần lương hay thu nhập lên tới cả 150 triệu đồng và ngân hàng có thể giải ngân chỉ sau 30 phút khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ… Điều này đã kéo rất nhiều người làm công ăn lương ở các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp “hăm hở” đến ngân hàng. Tuy nhiên, có một điều mà ít khách hàng hiểu là tại sao các ngân hàng khi cho vay tín chấp đều “không khuyến khích” người vay trả trước hạn, bởi thời hạn vay càng dài, người vay càng phải trả thêm lãi và có thể cả lãi suất tăng theo từng thời điểm kinh doanh của ngân hàng theo thị trường… dù vẫn biết giao dịch tài chính này cũng vẫn luôn là kiểu “thuận mua, vừa bán”!
Hiện nay, các ngân hàng thường áp dụng cách tính lãi suất dựa trên dư nợ thực tế và dựa trên dư nợ ban đầu đối với cho vay tín chấp. Mới nhìn vào bảng lãi suất, nhiều người vay lầm tưởng dựa vào dư nợ ban đầu sẽ có mức lãi suất thấp hơn và sẽ trả ít tiền lãi hơn. Nhưng thực tế tính toán thì tổng số tiền lãi phải trả cao hơn rất nhiều với phương thức trả lãi dựa trên dư nợ thực tế. Nhân viên tín dụng luôn “làm đúng” theo các quy định của ngân hàng, còn người vay thì ít biết đến sự “lắt léo” của những con số “dễ chịu” này nên nhận luôn cả sự bất lợi về phía mình. Phát hiện ra đang trả nợ nhiều một cách vô lý thì mọi chuyện cũng đã rồi. Theo cách tính dư nợ ban đầu, ví dụ, nếu vay 20 triệu đồng trong vòng 10 tháng với lãi suất 1%/tháng thì người vay phải trả một khoản cố định là 2 triệu đồng, cộng lãi 200.000 đồng. Còn nếu trả lãi dựa trên dư nợ giảm dần, nếu lãi suất ví dụ là 1,15%/ tháng thì tổng số tiền phải trả của khách hàng sau 10 tháng sẽ ít hơn rất nhiều. Theo cách tính này, tháng đầu tiên, người vay trả 2 triệu đồng tiền gốc, cộng với 230.000 tiền lãi (20 triệu đồng x 1,15%), tháng thứ hai cũng trả 2 triệu đồng tiền gốc nhưng tiền lãi chỉ phải tính trên dư nợ thực tế (18 triệu đồng x 1,15%) và giảm dần theo lãi gốc đã trả…
Cân nhắc trước khi vay
Theo nhiều chuyên gia tài chính, hầu hết cán bộ tín dụng hay ngân hàng đều biết rõ là khi đưa ra mức lãi suất phải hấp dẫn so với các ngân hàng khác hay theo thị trường hiện tại thì mới có thể nhanh chóng thu hút được lớp khách hàng có thu nhập khá (khoảng từ 7 - 10 triệu đồng/tháng). Nếu đưa ra món vay theo dư nợ giảm dần thì sẽ khó có thể thu hút khách hàng bởi người vay sẽ nhìn vào mức lãi suất theo kỳ hạn và số tiền phải trả trong từng tháng mà cân nhắc có nên vay tiêu dùng hay không? Trên thực tế, mức trần huy động ngắn hạn đã là 7%/năm, còn huy động trung hay dài hạn có thể cao hơn nhiều theo thỏa thuận giữa người gửi và ngân hàng, nên mức cho vay đầu ra lãi suất thấp quá thì chẳng lẽ ngân hàng chịu lỗ, chưa kể các khoản phụ phí khác khi quản lý dòng tiền tín chấp này. |
Hiện có đến hai phương thức vay tín chấp ở các ngân hàng, nhưng dường như nhiều ngân hàng chỉ áp dụng cách tính lãi trên dư nợ ban đầu với lãi suất công bố đương nhiên thấp hơn nhiều so với lãi suất vay dựa trên dư nợ thực tế giảm dần để có đủ độ hấp dẫn người vay và được lợi nhiều hơn. Nhiều khách hàng không đủ thời gian để khảo sát hoặc không biết phải chọn ngân hàng nào có mức lãi suất thấp hơn nên sẽ dễ dàng “xin” hồ sơ vay trong lúc cần tiền. Theo nhiều chuyên gia tài chính, các ngân hàng rất khéo khi tung ra các gói sản phẩm tiêu dùng hấp dẫn, các mức lãi suất đẹp mắt, xuôi tai. Vấn đề là khách hàng nên nghiên cứu kỹ hợp đồng. Nếu mình không tuân thủ các điều khoản trong đó thì lãi suất không dừng ở mức 10,2%/ năm hay 11%/ năm, mà có thể lên đến 15% hoặc 17%/ năm (lãi suất tùy theo mức công bố của từng ngân hàng). Theo một giám đốc ngân hàng có trụ sở tại Tam Kỳ, khi đi vay tiền ngân hàng, khách hàng nên lưu ý những yếu tố cơ bản tạo ra lãi suất cho vay là gì. Bởi lãi suất cho vay phải dựa trên lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. Nếu lãi suất huy động khoảng 7%/ năm thì lãi suất cho vay không thể là 9%/ năm được vì cho vay luôn kèm theo yếu tố rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro và chi phí quản lý.
Theo cách tính trả trên dư nợ ban đầu hay mức lãi cho vay đang được các ngân hàng áp dụng hiện nay không phải là chuyện để “chê trách”. Bởi việc Ngân hàng Nhà nước công bố mức trần huy động là 7%/ năm và các ngân hàng có thể tăng lãi suất huy động từ 9%, 11% hoặc có thể cao hơn nữa thì cũng dễ dàng hiểu một điều rằng đã có một thời huy động quá cao chưa thể “bù lỗ chi phí” thì cho vay tăng hay tìm cách để sinh lợi từ đồng vốn đưa ra thị trường, dù chỉ khách hàng cá nhân cũng là điều dễ hiểu. Một giám đốc ngân hàng có mặt lâu đời tại Quảng Nam nói, giá cả của từng sản phẩm dịch vụ đều phải được xây dựng trên cơ sở cân bằng thu nhập rủi ro, bảo đảm an toàn cho hoạt động. Chi phí quản lý các khoản vay gần như tương đồng trong khi các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ hơn các khoản vay của doanh nghiệp, thời hạn dài hơn nên lãi suất cũng sẽ cao hơn. Nhiều người cũng cho rằng, còn một kênh khác cũng không kém phần tiện ích cho người tiêu dùng cần tiền để sử dụng chi tiêu hợp lý, đó là làm “hồ sơ” thấu chi ở các ngân hàng. Chỉ cần khách hàng có tài khoản do cơ quan chi lương hay tổng thu nhập qua ngân hàng nào thì có thể thấu chi tại ngân hàng đó. Tùy theo khả năng của mỗi ngân hàng, người vay thấu chi sẽ được “cung cấp” tiền trong tài khoản sử dụng từ 3 - 5 tháng tiền lương, thu nhập. Lãi suất thấu chi chỉ được tính trên số dư thực tế sử dụng, chứ không phải toàn bộ số dư tiền mà ngân hàng cho phép thấu chi.
Thay lời kết
Khi nhu cầu của người dân tăng cao cộng với việc trả lương cho người lao động thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng đang được đẩy mạnh, khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển thì nợ tiêu dùng là chuyện bình thường. Song, một điều cần nói tới là các ngân hàng nên tư vấn cho khách hàng vay tín chấp kỹ hơn, rằng khi vay theo dư nợ ban đầu hay theo dư nợ giảm dần sẽ được lợi hơn, khoản trả nào thích hợp hơn. Điều ấy, chắc chắn sẽ tạo dựng được mối quan hệ lâu dài và cũng có nhiều khả năng tránh được những rủi ro tiềm ẩn cho các ngân hàng. Từ một phía khác, các chuyên gia tài chính cũng có lời khuyên cụ thể, khá bổ ích cho người đi vay: nếu không vì nhu cầu sử dụng chi tiêu quá bức thiết thì chưa vội đến ngân hàng làm gì. Còn nếu quá cần phải vay thì cũng nên cần nghiên cứu, khảo sát nhiều ngân hàng, tính toán phương thức, kỳ hạn vay hợp lý… trước khi đặt bút ký vay tiền tín chấp… trong mọi thời điểm, dù thủ tục có dễ, nhanh và gọn!
NHẬT PHONG