Ước mơ con nhà nghèo
Ước mơ tưởng chừng đơn giản “Mong sớm ra trường và xin được việc làm để giúp đỡ mẹ bớt khó nghèo”, nhưng là cả một chặng đường dài nhọc nhằn đối với cô sinh viên khoa Sư phạm Toán khóa 11 trường Đại học Quảng Nam - Phan Thị Hồng Nhân.
|
Sau giờ ở trường, về nhà sinh viên Phan Thị Hồng Nhân trở thành nông dân. Ảnh: X.PHÚ |
Vượt khó, học giỏi
Có lẽ cuộc sống của Phan Thị Hồng Nhân cùng gia đình sẽ không cơ cực nếu như ba Nhân - trụ cột của gia đình còn sống. Cả thôn Hòa Bình (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) bây giờ vẫn còn nhớ chuyện người đàn ông bị nước lũ cuốn trôi 3 năm trước khi đang trên đường đi làm về. Họ nhớ bởi sau tai nạn mấy ngày mới tìm được thi thể ba Nhân - ông Phan Đình Phùng (SN 1968). Họ nhớ bởi đứa con trai đầu của người đàn ông này còn chưa tan niềm vui đậu vào trường Đại học Quy Nhơn. Và không ai ở thôn Hòa Bình có thể quên hình ảnh của 3 đứa trẻ tìm ba trong dòng nước lũ.
Ngày trước, dù đất đai canh tác không nhiều nhưng cuộc sống của hai vợ chồng nuôi 3 đứa con không đến nỗi túng thiếu. Kể từ ngày chồng mất, bà Hồ Thị Hạnh - mẹ Hồng Nhân oằn thêm những gánh nặng, một mình quần quật làm lụng nuôi con. Hồng Nhân còn nhớ như in niềm vui trộn lẫn nỗi lo trên khuôn mặt mẹ khi một năm sau đó Nhân trúng tuyển đại học. Hình ảnh của mẹ dưới trưa nắng cháy giữa ruộng đồng đã “quyết định” thay Nhân lựa chọn ngành học. Nhân thi đỗ cả 2 nguyện vọng sư phạm Toán và á khoa sư phạm Sinh trường Đại học Quảng Nam. Hồng Nhân chia sẻ :“Ước mơ trở thành cô giáo chỉ là một phần trong quyết định chọn ngành để thi đại học của mình. Điều quan trọng nhất là học ngành sư phạm đỡ cho mẹ khoản tiền học phí. Hơn nữa, học ở trường Đại học Quảng Nam gần nhà, ít tốn kém và còn được về nhà hằng ngày để phụ giúp gia đình bởi mẹ ốm yếu không làm việc nặng nhọc được”.
Dường như càng khó khăn, Hồng Nhân càng quyết tâm học tập và học giỏi. Hai năm ở giảng đường đại học, dù môi trường học tập khác với thời ở trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) nhưng Nhân đều để lại ấn tượng mạnh với kết quả cuối năm đạt loại giỏi. Những giải thưởng sinh viên cứ liên tiếp đến với Nhân, tiêu biểu nhất là kỳ thi Olympic Toán học cấp quốc gia năm 2013. Kỳ thi có gần 1 nghìn sinh viên đến từ các trường đại học trong cả nước tham gia, nhưng nữ sinh viên trường Đại học Quảng Nam đã xuất sắc giành giải nhì. Với thành tích này, Hồng Nhân đã được Hội Toán học Việt Nam tặng Bằng khen. Ngoài ra, Nhân cũng bắt đầu làm quen với công tác nghiên cứu khoa học. Tại hội thảo Toán - Công nghệ thông tin, lý thuyết và ứng dụng được tổ chức trong năm học 2012 - 2013, đề tài nghiên cứu khoa học “Một số ứng dụng của định lý Sylow” của Hồng Nhân đã được Hội đồng khoa học trường Đại học Quảng Nam đánh giá cao.
Sinh viên - nông dân
Điều gây xúc động cho tôi khi tiếp xúc với cô sinh viên tài năng này là hình ảnh của một “nông dân” chăm chỉ. “Đi học về, bỏ sách vở xuống là hắn chạy ngay ra đồng làm. Mà cũng nhờ có nó chứ không thì chẳng biết ai làm” - bà Hạnh nói về đứa con gái của mình. Bà nội của Hồng Nhân cũng thở dài: “Tội nghiệp con bé! Ba mất sớm, mẹ đau ốm, nhà lại nghèo nên đi học thiếu trước hụt sau. Hắn đi học thì thôi, chứ ở nhà là tất bật đủ thứ việc. Chừng nớ tuổi đầu rồi mà không khi mô thấy làm đẹp, mà cũng đâu có thời gian và tiền bạc để làm đẹp như bạn bè”. Anh trai đi học xa, mẹ thường xuyên đau ốm, cô gái chưa tròn 20 tuổi này trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả nhà. Nhân là tấm gương cho em út, là người bạn tin cậy của mẹ và bà.
Nhà có 2 sào ruộng, một ít diện tích đất trồng hoa màu, tất cả đều nhờ vào bàn tay chăm sóc của cô nông dân nhỏ nhắn Phan Thị Hồng Nhân. “Cắt lúa, nhổ cỏ bắp, hái đậu là “chuyện nhỏ” thôi. Đến cả những công việc lâu nay chỉ dành cho đàn ông là cày ruộng, em vẫn làm được. Con nhà nông mà” - Hồng Nhân nói. Theo lời Nhân kể, cô có một người bạn rất “trung thành” từ hồi còn học phổ thông. Ấy là chiếc xe đạp mỗi ngày 45 phút theo cùng từ Phú Ninh xuống Tam Kỳ đi học. Mọi khó khăn không thể ngăn cản ý chí và nỗ lực học tập của cô sinh viên con nhà nghèo này. Nhờ học lực xếp loại giỏi nên Nhân được nhận học bổng của nhà trường cấp mỗi học kỳ 1,8 triệu đồng.
Biết mình được trao thưởng “Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng” năm 2013 của Báo Quảng Nam, Hồng Nhân và mẹ rất vui mừng. “Giải thưởng này sẽ giúp em có điều kiện hơn trong học tập thời gian tới. Mong muốn lớn nhất của em là sớm hoàn thành chương trình đại học để ra trường, tìm kiếm việc làm, giúp đỡ mẹ trả nợ và nuôi em ăn học” - Nhân chia sẻ.
XUÂN PHÚ