Giải thể một ngôi trường
Trong khi nhiều xã vùng cao ở
Bỏ hoang
Những năm gần đây, huyện Bắc Trà My huy động mọi nguồn lực, kể cả vận động tài trợ để thực hiện mục tiêu từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất dạy và học. Mỗi trường học được xây kiên cố tại đây là mong ước cháy bỏng của thầy cô, phụ huynh và học trò miền cao. Năm 2006, theo chủ trương của UBND tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở cho học sinh bán trú cụm xã. Từ sự hỗ trợ của dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” (CBRIP), trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân (đóng chân trong vùng động đất thuộc xã Trà Tân – Bắc Trà My) gồm 13 phòng được xây dựng khá khang trang, kiên cố trị giá hàng tỷ đồng. Năm học 2006-2007, nhà trường đã thu hút hàng trăm học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn đến học theo hình thức bán trú. Năm đầu tiên thành lập trường, không thể nào diễn tả hết cảm xúc vui sướng của học trò nghèo nơi đây khi được học tập trong môi trường khá đủ đầy cơ sở vật chất, có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống. Thế nhưng, những năm học tiếp sau đó, nhà trường gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh, học sinh không còn “thiết tha” với ngôi trường này nữa. Đến năm học 2012-2013, trường vỏn vẹn chỉ còn 4 lớp học. Những nỗ lực thu hút học sinh đến trường học gần như bất thành, vì thế mà năm học mới 2013-2014 trường đã chính thức đóng cửa.
Trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân chính thức đóng cửa. Ảnh: H.P |
Thầy giáo Bùi Viết Anh, trước đây là nhân viên thư viện của trường giờ được phân công đến công tác tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Trà Tân) ngậm ngùi: “Bao năm gắn bó với trường cũ, giờ chuyển đến trường mới buồn lắm chứ. Trước đây, nhà tôi ở đối diện cổng trường, giờ đi dạy xa hơn 8 cây số nên khó khăn hơn nhiều. Điều xót xa hơn nữa là mỗi ngày nhìn thấy trường bỏ hoang, hư hỏng qua thời gian”. Theo thầy Anh, nhiều mảng tường, cửa kính bị nứt, hư hỏng do một phần bị ảnh hưởng của động đất; thêm nữa là vì không có người trông nom, bảo quản tài sản nên công trình xuống cấp rất nhanh. Nhìn vào ánh mắt thoáng buồn của thầy Anh trước cổng trường khóa chặt, tôi phần nào hiểu được tâm trạng xót xa khi một ngôi trường vừa mới khai sinh ra đã nhanh chóng “khai tử”.
Xóa trường vì… không còn phù hợp
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân – ông Lê Rô cho biết, địa phương có 28 học sinh theo học ở trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân. Trường giải thể, các em phải về trường THCS Lý Tự Trọng – xã Trà Tân học tập cách đó 3 cây số. Khổ nỗi là học sinh đồng bào Ca Dong dù được nhận tiền hỗ trợ theo chế độ, nhưng không có chỗ ở bán trú, phải đi - về hết sức bất tiện, do hiện tại trường theo mô hình bán trú đóng trên địa bàn xã đã giải thể. “Đến thời điểm này, 100% học sinh tiểu học của xã đã ra lớp, còn khoảng 3 - 4 học sinh bậc THCS chưa chịu nhập học, chúng tôi đang vận động” – ông Rô thông tin.
Ngày 22.7.2013, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn ký quyết định giải thể trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân sau hơn 6 năm hoạt động. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.8.2013. |
Nhiều năm lặn lội ở vùng đất được mệnh danh “cao sơn ngọc quế”, tôi biết rằng, việc vận động các em đến lớp là một hành trình đầy gian khó. Bởi thế mà chủ trương xây trường bán trú cụm xã, hỗ trợ tiền ăn cho học trò dân tộc thiểu số nghèo hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Vậy hà cớ gì phải dứt bỏ trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân? Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng GDĐT huyện Bắc Trà My giải thích: “Trước đây vì tranh thủ nguồn vốn của dự án CBRIP tài trợ nên địa phương xây dựng trường học theo mô hình bán trú cụm xã tại Trà Tân. Bây giờ, các trường học trên địa bàn các xã có con em đồng bào dân tộc thiểu số đều phải thực hiện mô hình bán trú, nên các em đăng ký học trường của địa phương mình. Do đó, mô hình của trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân không còn phù hợp với thực tiễn và mục tiêu giáo dục phải duy trì tuyển sinh lâu dài. Số học sinh theo học trường “teo” dần, đây là lý do địa phương chính thức tuyên bố giải thể trường trước khi vào năm học mới”. Về phương án sắp xếp luân chuyển giáo viên, thầy Tùng cho biết hầu hết cán bộ giáo viên, nhân viên của trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân sẽ bố trí điều chuyển về các trường lân cận. Mọi chế độ chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đều thực hiện đúng quy định. “Riêng khu ở nội trú, ăn uống, các trường phải khẩn trương triển khai sớm để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh” – thầy Tùng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi giải thể trường THCS bán trú cụm xã Chu Huy Mân, nhà trường có 23 cán bộ giáo viên, nhân viên, năm học cuối cùng chỉ có 4 lớp học. Nghịch cảnh ở chỗ, hiện tại ở nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Trà My tồn tại hàng chục phòng học tạm theo kiểu tranh tre, tường gỗ mái tôn dột nát, phải nhọc nhằn lắm các thầy cô mới đưa các trò đến lớp. Việc “xóa sổ” một ngôi trường xây tốn kém tiền tỷ trên vùng đất nghèo khó đã cho thấy một sự thật buồn về câu chuyện lãng phí đầu tư xây dựng.
HỮU PHÚC