Phú Ninh: Khó khăn trong sàng lọc trước sinh, sơ sinh

KIM THẠCH 23/08/2013 09:01

Do chưa có trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên việc phát hiện trẻ bị dị tật bẩm sinh ở huyện Phú Ninh gặp nhiều khó khăn.

Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Phú Ninh hiện có hơn 300 trẻ em bị khuyết tật, trong đó rất nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh. Thực tế, số bà mẹ mang thai đến kiểm tra thai định kỳ tại các trạm y tế khá cao nhưng hầu như bỏ qua thời kỳ sàng lọc, can thiệp và phát hiện sớm đối với các dị tật thai nhi. Theo nhận định của các bác sĩ chuyên ngành, “một số bệnh nếu phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh có thể giúp cho trẻ phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ. Can thiệp, điều trị bệnh ở giai đoạn bào thai và sơ sinh có thể giảm thiểu những tác hại về dị tật bẩm sinh ở trẻ”.

Theo quy định, trẻ em mới sinh ra trong 24 giờ phải lấy máu ngay, mỗi lần phải lấy đủ 3 giọt đúng nơi gót chân của trẻ. Định kỳ 2 lần/1 tháng sẽ tiến hành lấy máu đầu ngón tay ở tất cả phụ nữ mang thai từ tuần thứ 11-13 tại khoa Sản - Trung tâm Y tế huyện để bảo quản và đảm bảo thời gian gửi mẫu đến Trung tâm Sàng lọc miền Trung (Huế) xét nghiệm, chẩn đoán nhằm loại bỏ những thai nhi mắc các dị dạng không thể phục hồi, phát hiện sớm thai nhi có nguy cơ cao để dự phòng.

Vì vậy, tháng 8.2012, đề án “Nâng cao chất lượng dân số qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm dị tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” đã được triển khai thí điểm ở 6 xã, gồm: Tam Thành, Tam An, Tam Đàn, Tam Thái, Tam Đại và Tam Dân. Khi bắt đầu triển khai chương trình, Phú Ninh chưa tiến hành lấy máu vì Trung tâm Y tế huyện không đủ điều kiện, chỉ tổng hợp số liệu từ số phụ nữ sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 39 ca sàng lọc sơ sinh (lấy mẫu gót chân của trẻ), trong đó có 4 mẫu có nguy cơ cao do thiếu men G6PD (thiếu G6PD gây biến chứng vàng da, dẫn đến bệnh lý về não có thể gây tử vong, hay biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động). Hiện đã có 11 xã, thị trấn triển khai chương trình này.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trạm y tế địa phương cho biết, công tác sàng lọc sơ sinh và trước sinh gặp nhiều khó khăn trong việc vận động gia đình. Ông Hà Văn Lựu - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ Phú Ninh cho biết, để nâng cao chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ và đối tượng liên quan.

KIM THẠCH

KIM THẠCH