Cho vay ưu đãi tại các huyện nghèo: Hiệu quả cao
Các chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai có hiệu quả tại Tây Giang, Phước Sơn và Nam Trà My.
Ông Võ Hồng Sơn (thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My) tiếp khách trong căn nhà gỗ khang trang - đây là thành quả có được bắt đầu từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ số tiền vay 5 triệu đồng năm 2009 (lãi suất 0%), ông Sơn đã nuôi cá, heo, bò và giờ đây với mô hình vườn ao chuồng, gia đình ông đã có được nguồn thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/năm. Còn bà Hồ Thị Thắm (Phước Hiệp, Phước Sơn) hay ông Briu Pố (Tây Giang) trở thành điển hình để đồng bào noi theo với mong ước thoát nghèo cũng nhờ vào vốn vay ưu đãi của ngân hàng này.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Quảng Nam, khởi động triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ từ năm 2009, các chương trình tín dụng ưu đãi đã được phòng giao dịch tại Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang triển khai hiệu quả. Hàng chục mô hình giảm nghèo được nhân rộng. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam nói tại 3 huyện này có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng cách tự cung, tự cấp, dựa vào núi rừng. Nhận thức về cơ hội thoát nghèo cũng như cách thức làm ăn rất hạn chế. Vì vậy, để Nghị quyết 30a đi vào cuộc sống, cán bộ ngân hàng đã “khăn gói” lên đường xuống cơ sở, nắm bắt nhu cầu vay và sử dụng vốn của người dân. Hiện tại đã có 32/32 xã của 3 huyện nghèo thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã. Tính đến cuối tháng 6.2013 đã có 14.991 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng dư nợ hơn 227,7 tỷ đồng. Hiện tại, với chính sách huy động tiết kiệm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều hộ nghèo đã biết tích lũy tiền gửi tiết kiệm, vay vốn để kinh doanh, xuất khẩu lao động… Trong 4 năm qua, tại 3 huyện này đã được đầu tư xây dựng 291 công trình hạ tầng với tổng kinh phí 328 tỷ đồng, giao hơn 21.000ha rừng… và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 4,45%.
Theo ông Lam, để nguồn vốn vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị quyết 30a thật sự mang lại hiệu quả cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, lồng ghép chương trình tín dụng với các đề án phát triển kinh tế của địa phương. Các chương trình khuyến nông, lâm, ngư và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo một cách đồng bộ. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp đồng bộ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn bà con lập hồ sơ vay vốn, nhằm chuyển tải vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tăng cường quản lý kiểm tra đối chiếu nợ, giúp bà con sử dụng vốn đúng mục đích. “Dân cần hiểu các chủ trương chính sách của Nhà nước dành cho huyện nghèo để thực hiện đúng và hiệu quả. Nhà nước cũng cần nâng mức cho vay 5 triệu đồng/hộ như hiện nay lên 10 - 15 triệu/hộ để bà con đủ vốn cho việc sản xuất” - ông Lam nói.
LAM HÙNG LÊ