Tiếp sức ước mơ

SONG ANH 19/08/2013 08:20

Tin Nguyễn Thanh Thảo được nhận Tặng thưởng của Quỹ “Ươm mầm tài năng đất Quảng” do Báo Quảng Nam tổ chức như cơn mưa làm xanh tươi lại khuôn mặt khô héo của người cha. Ông nói, vậy là hành trang vào đại học của con mình đã được san sẻ…

  • Trao thưởng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng 2013
Nguyễn Thanh Thảo.Ảnh: SONG ANH
Nguyễn Thanh Thảo.Ảnh: SONG ANH

Từ trong khó nghèo

Đôi mắt sáng, ánh nhìn cương nghị của cô gái 18 tuổi Nguyễn Thanh Thảo (thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc, Nông Sơn) tạo cảm giác tin cậy với người đối diện. “Em thích nghề báo, muốn được chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn bằng chính ngòi bút của mình” - Thảo nói. Và để minh chứng, Thảo khoe những bài viết đã từng được đăng tải. Giọng văn chân chất, tình cảm thu hút người đọc. Cũng từ chất văn sẵn có này mà cha mẹ đã quyết định cho em vào học trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay khi em trúng tuyển.

Từ trường làng đến trường tỉnh của Thảo cũng là một hành trình lắm gian nan. Ánh mắt người cha, đôi tay chai sần của mẹ và cái ôm thật chặt của 2 đứa em nhỏ… Tất cả kỳ vọng đều đặt vào Thảo. “Vào trường chuyên, Thảo sẽ có nền tảng và xuất phát điểm tốt hơn để thực hiện mơ ước của mình” - ông Nguyễn Văn Thi, ba Thảo nói. Là nói vậy nhưng khi con gói ghém hành lý để “ngày mai vào Tam Kỳ”, ông Thi và vợ cứ ra vào không yên “không biết đủ tiền cho con ra học trường tỉnh”. Nhưng một Nguyễn Thanh Thảo bản lĩnh trong văn chương đã không làm ba mẹ bận lòng nhiều. Hình ảnh mẹ dắt tay em lạ lẫm xuống trường tỉnh 3 năm trước càng khiến Thảo nuôi thêm nghị lực và quyết tâm. “Nếu không học hành tử tế, đời con rồi cũng như ba mẹ, ngước mặt lên là núi thấy rừng, cúi mặt xuống là quần quật với đất cằn”, lời dặn dò của ba được Thảo khắc thật sâu vào lòng, rồi lại viết vào mỗi cuốn vở, như cách tự dặn mình không được lơ là việc học hành.

Từ ngày con vào trường chuyên, đôi tay bà Huỳnh Thị Hảo, mẹ Thảo, thêm những vết chai sần. Nguồn thu của gia đình ba thế hệ 6 miệng ăn dựa vào rẫy keo lá tràm ông Thi trồng dưới chân đèo Le. Hai vợ chồng từ ngày đó quần quật làm nhiều hơn để dành dụm cho con.  Ông Thi vào rừng nhiều hơn, ngoài chăm rẫy keo còn kiếm thêm vài bó củi chở chợ chiều tích thêm vài đồng gửi tiền sách cho con với một mong ước, khó nghèo không làm chùn ước mơ của con. Khi có chế độ hỗ trợ cho học sinh trường chuyên, ông vẫn dành trích ra 1 triệu đồng trong tổng thu nhập gia đình, lúc nào con cần thêm sách vở thì có sẵn chứ không phải chạy vạy như năm trước.

Chạm vào mơ ước

Khó khăn không làm chùn bước, nỗi cơ cực không ngăn được đam mê với văn chương của cô học trò nhỏ. “Từ lúc học lớp 5, em đã là đầu bếp chính của cả nhà. Mẹ bày em đi chợ vài lần, rồi em tự đi chợ về nấu ăn cho ba mẹ, bà nội và 2 em. Ngày em đi học trường chuyên, ba mẹ đi rẫy nhiều hơn, vậy là cậu em trai thứ 2 thay vị trí của em” - Thảo hóm hỉnh nói. Ngay từ những năm học cấp 1, cô bé này đã tỏ rõ năng khiếu viết báo. Một người anh trong làng thấy khả năng của em, đã bày em cách viết bài cộng tác báo Nhi Đồng, Thiếu niên Tiền phong. Cứ đều đều tuần nào em cũng đạp xe ra bưu điện xã, gửi đi bản thảo chép tay. Thảo “nổi tiếng” trong làng từ đó.

Đến những hội thơ Nguyên tiêu hằng năm do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức luôn có sự góp mặt của giọng thơ trẻ Nguyễn Thanh Thảo. Thời gian học THPT, em cũng có khá nhiều tác phẩm đăng tải trên các báo Hoa học trò, Áo Trắng. Đây chính là tiền đề để em bắt nhịp với công việc báo chí năng động.

Đoạt giải Ba quốc gia kỳ thi Học sinh giỏi toàn quốc, được tuyển thẳng vào đại học, với Nguyễn Thanh Thảo, vậy là điều ước thành nhà báo ngày nhỏ đã có cơ hội thực hiện. Em đăng ký vào Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Hành trình đến với ước mơ còn dài, sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng chừng như dự lường được điều đó, dù chưa đến ngày nhập học, em đã tự nguyện tham gia các tổ chức xã hội do Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. “Em nghĩ, nhà trường sẽ dạy em cách làm tin, viết bài một cách khoa học, còn chính bản thân em phải đi tìm cơ hội cho mình” - Thảo chia sẻ.

Khi biết mình được nhận Tặng thưởng của Quỹ “Ươm mầm tài năng đất Quảng”, Nguyễn Thanh Thảo không giấu được niềm vui. Em cho biết số tiền này sẽ dành để nộp học phí, còn lại dành dụm thêm để mua một chiếc máy vi tính để bàn. Còn ông Nguyễn Văn Thi thì phần nào vơi bớt nỗi lo. Nét mặt người cha đầy tự hào, ông tin con gái mình thật sự là một tài năng nhỏ, sẽ biết tự nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình…

SONG ANH

SONG ANH