Cách mạng tháng Tám (1945) ở Quảng Nam: Nhạy bén chớp thời cơ
Những năm 1939 - 1944, do bị thực dân Pháp liên tiếp khủng bố nên Đảng bộ Quảng Nam trải qua 3 lần bể vỡ nặng. Tuy nhiên, sau mỗi lần tổn thất như vậy, Đảng bộ lại thể hiện một sự bền bỉ trong việc gầy dựng tổ chức cơ sở đảng, thực lực cách mạng tại địa phương.
Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Bền bỉ xây dựng thực lực
Lần bể vỡ đầu tiên vào cuối năm 1939. Lúc này, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nắm được chủ trương chuyển hướng hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy tuy có chỉ thị cho một số đảng viên thoát ly, nhưng do thiếu khẩn trương, lại lúng túng khi phải chuyển phương thức hoạt động nên phong trào cách mạng bị vỡ nặng. Toàn bộ Ban Tỉnh ủy bị bắt. Cả tỉnh chỉ còn 1 huyện ủy viên và 2 chi bộ ở phủ Tam Kỳ, một số ít đảng viên ở huyện Duy Xuyên. Những đảng viên không bị địch bắt và chi bộ không bị vỡ phải tự xoay xở hoạt động. Họ tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí cốt cán của Đảng bộ còn ở trong nhà lao tỉnh và nhà lao Hội An để được hướng dẫn gầy dựng lại phong trào bên ngoài. Đến tháng 1.1940, Phủ ủy Tam Kỳ lập lại. Nhờ hoạt động tích cực của Phủ ủy, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam lập lại vào tháng 3.1940 và liên lạc được với phái viên của Xứ ủy Trung kỳ, nhận được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Từ đây Đảng bộ đẩy mạnh mọi mặt hoạt động. Cho đến cuối năm 1940, hệ thống tổ chức của Đảng bộ đã khôi phục lại ở các phủ, huyện đồng bằng. Các tổ chức quần chúng cũng tăng nhanh.
Phong trào vừa mới được nhen nhóm thì tháng 11.1940 Đảng bộ lại bị mất liên lạc với Xứ ủy. Tỉnh ủy phải cử người ra Huế tìm, nhưng Xứ ủy đã bị vỡ nên phải đi luôn ra Bắc tìm gặp Trung ương Đảng. Theo chỉ thị của trung ương, Xứ ủy Trung kỳ được lập lại, chọn Quảng Nam làm địa bàn đứng chân hoạt động. Từ khi nhận được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, phong trào cách mạng ở Quảng Nam phát triển rất nhanh cả về tổ chức đảng và tổ chức quần chúng, với khoảng 230 đảng viên và khoảng 5 nghìn hội viên cứu quốc. Đảng bộ còn cử 20 đảng viên thoát ly hoạt động vào giúp các tỉnh cực nam Trung kỳ do Tỉnh ủy trực tiếp quản lý.
Năm 1942, bị thực dân Pháp 2 lần khủng bố, có đến 942 đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt. Tỉnh ủy chỉ còn 2 tỉnh ủy viên phải tạm lánh vào các tỉnh phía Nam hoạt động. Lúc này toàn bộ Ban Xứ ủy Trung kỳ cũng bị bể vỡ, và đây là lần bể vỡ kéo dài nhất của Xứ ủy, phải mãi đến sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mới lập lại được. Bắt đầu từ đây, Đảng bộ phải tự động công tác. Tuy nhiên, phong trào cách mạng ở Quảng Nam chỉ tạm lắng xuống trong 3 tháng. Sau đó, 2 tỉnh ủy viên hoạt động tại các tỉnh cực nam Trung Bộ quay về gầy dựng lại thực lực cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng được lập lại, Thành ủy Hội An được củng cố. Một số huyện lập được Ủy ban vận động Việt Minh. Số hội viên cứu quốc tăng nhanh, có mặt trong nhiều giới, nhiều thành phần nhân dân.
Nhận định tình hình thế giới đang có những chuyển biến mới, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động ra khắp các tỉnh Trung kỳ, hướng vào chuẩn bị tổng khởi nghĩa thì bị địch mở tiếp đợt khủng bố kéo dài từ tháng 4.1943 đến đầu năm 1944. Hơn 500 đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Toàn bộ Ban Tỉnh ủy bị bắt, Thành ủy Đà Nẵng và Thành ủy Hội An cũng bị bể vỡ. Sở Mật thám Pháp coi như “đã phá hoại hoàn toàn tổ chức Đảng Cộng sản ở Quảng Nam” và cho rằng “cần có nhiều thời gian thì cộng sản mới tổ chức lại được chi bộ”. Thế nhưng phong trào cách mạng của tỉnh chỉ tạm lắng xuống trong những tháng cuối năm 1943. Lúc này, ở Hội An chỉ còn lại 1 thành ủy viên vẫn tiếp tục hoạt động, móc nối với các thành ủy viên trong lao Hội An để khôi phục phong trào bên ngoài, lập lại Thành ủy lâm thời Hội An.
Nhạy bén chớp thời cơ
Tháng 3.1944, có 2 đảng viên tù chính trị Buôn Ma Thuột trên đường bị giải đi an trí tìm cách trốn thoát về Quảng Nam khôi phục phong trào ở các huyện phía nam của tỉnh, sau đó bắt liên lạc với Thành ủy Hội An lập lại Tỉnh ủy lâm thời vào tháng 9.1944. Tỉnh ủy lên kế hoạch khẩn trương gầy dựng lại tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể cứu quốc của quần chúng ở các phủ, huyện; xây dựng cơ sở ở miền núi vùng giáp ranh với các tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên để tạo thế liên hoàn căn cứ địa khi khởi nghĩa vũ trang, phân công cán bộ xây dựng cơ sở gần các cơ quan đầu não của địch để kịp thời ứng phó những diễn biến mới. Nhất là sau ngày 9.3.1945, hàng trăm đảng viên và quần chúng trung kiên cách mạng được ra tù trở về nhanh chóng bước vào hoạt động. Tù chính trị liên hệ đến đâu các tổ chức quần chúng cũ hưởng ứng đến đó. Đến trước ngày tổng khởi nghĩa, Ban Tỉnh ủy đã tăng lên 15 ủy viên, lập lại được 5 phủ, huyện ủy, 19 chi bộ, kết nạp lại các đảng viên bị đứt nối tổ chức, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh lên 180 người, là tỉnh có Ban Tỉnh ủy và số đảng viên nhiều nhất trong số các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và thuộc vào hàng đảng bộ có nhiều đảng viên trong Cách mạng Tháng Tám của cả nước. Các huyện thị đều đã xây dựng được các Ủy ban vận động cứu quốc hoặc Ủy ban vận động Việt Minh. Nhiều nơi Ủy ban cứu quốc lập xuống cấp tổng, xã. Đến trước ngày tổng khởi nghĩa, số quần chúng cứu quốc ước tính có đến 20 vạn.
Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu của Ngô Văn Minh |
Trên cơ sở lực lượng chính trị đã xây dựng, Tỉnh ủy đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Đội du kích Vũ Hùng của Tam Kỳ được xây dựng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh. Đến tháng 7 đã phát triển lên được 200 đội viên. Đến đầu tháng 8 nhiều phủ, huyện đã lập được ban tự vệ, có lực lượng tự vệ trung kiên ở huyện, xã. Nhiều xã lập được một trung đội trở lên. Trong đó, thành phố Hội An có khoảng 1.000, Đà Nẵng có tới 1.500 đội viên tự vệ. Tỉnh ủy còn cử cán bộ đi giúp các tỉnh phía Nam đẩy phong trào cùng lên.
Ngày 15.8.1945, Tỉnh ủy đang họp bàn kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa mọi mặt cho chuẩn bị khởi nghĩa thì nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Căn cứ vào thời cơ khởi nghĩa trong bản Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12.3.1945, Tỉnh ủy quyết định không chờ đợi các nơi và lệnh của Trung ương, lập tức thành lập ngay Ủy ban bạo động (Ủy ban khởi nghĩa), gấp rút huy động toàn dân kịp thời bạo động giành chính quyền. Đêm 17.8, do nhận thấy tình hình biến chuyển thuận lợi, Thường trực Ủy ban bạo động báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa ngay. Lệnh khởi nghĩa được phát đi trong đêm, nhấn mạnh: “Vận mạng lịch sử của cả dân tộc ta ngàn năm có một, toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy hy sinh vì Tổ quốc, xông vào chiếm lĩnh tòa công sứ, tỉnh đường, các phủ huyện đường, các đồn binh, công thự..., bắt bọn bù nhìn tay sai và bảo an binh đầu hàng nạp khí giới cho cách mạng, diệt trừ bọn Việt gian phản quốc, giành toàn thắng về tay nhân dân”. Chỉ trong ngày và đêm 18.8 cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở 6 phủ, huyện trong tỉnh.
Thắng lợi trên cho thấy, chính nhờ có sự bền bỉ xây dựng thực lực và nhạy bén chớp thời cơ nên Quảng Nam trở thành một trong 6 tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất trong toàn quốc, khi chưa có lệnh của Trung ương.
PGS-TS. Ngô Văn Minh