Vùng kinh tế động lực

NAM KHA 17/08/2013 09:41

Dù chỉ thành công trong vai trò của một khu công nghiệp, nhưng câu chuyện Chu Lai vẫn đáng được nhìn nhận như là một trong những động lực phát triển trong vòng 10 năm qua, dọn đường cho các dự án lớn đầu tư vào Quảng Nam.

Động lực phát triển

“Mưu sự” xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới… bất thành. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đã thừa nhận rằng những việc đã thực hiện trong vòng 10 năm qua vẫn hoàn toàn mang tính chất địa phương, tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, kể cả không có chính sách gì đột phá cho khu thương mại tự do dù được đánh giá là “mô hình mới, động lực mới” nên chưa thể triển khai trên thực tế. Nói một cách khác, chính cơ chế ưu đãi đầu tư hiện nay đang áp dụng tại Chu Lai chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Cơ chế, chính sách, mô hình vẫn là cái gốc của mọi vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển của KKTM Chu Lai. “Mỗi năm chỉ còn được phân bổ vài chục tỷ đồng đầu tư thay vì 400 - 500 tỷ đồng như trước đã khiến Chu Lai không đủ nguồn để bố trí vốn cho các công trình thi công dở dang. Từ năm 2006 đến nay, nhiều công trình buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Kết quả thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI vào KKTM Chu Lai đạt tỷ lệ thấp như hiện nay là điều không tránh khỏi và đã được nhận thấy trước” - ông Đỗ Xuân Diện, Phó ban Quản lý KKTM Chu Lai nói.

Phân xưởng lắp ráp ô tô bus của Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phân xưởng lắp ráp ô tô bus của Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tuy phải thừa nhận là sự thành công của Chu Lai trong vòng 10 năm qua vẫn chỉ ở mức một khu công nghiệp hơn là thành công trong vai trò một KKTM trên bình diện quốc gia như mong đợi, nhưng Chu Lai vẫn được đánh giá là hiệu quả số 1 trong 15 khu kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam. Hình ảnh Chu Lai vẫn còn khá nhiều sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Không một nhà đầu tư hay đoàn ngoại giao của nước ngoài đến Quảng Nam lại không yêu cầu chính quyền sở tại đưa đến tham quan khu kinh tế đã được giới thiệu rộng rãi này. Việc chưa thể gia tăng đầu tư vào khu vực này chưa hẳn do những khiếm khuyết về phía bản thân khu kinh tế, mà cũng không loại trừ ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến các nhà đầu tư dè dặt trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng. Hiện tại, chỉ có 89 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,514 tỷ USD/8.809,468ha (21 dự án đầu tư nước ngoài FDI với gần 187 triệu USD/188,60ha), trong đó có 62 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 783 triệu USD... thì các dự án tại Chu Lai vẫn đóng góp hơn một nửa nguồn thu ngân sách Quảng Nam, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, phần lớn là lao động địa phương.

Cảng Tam Hiệp đang được xúc tiến xây dựng.
Cảng Tam Hiệp đang được xúc tiến xây dựng.

 Quảng Nam sẽ chẳng bao giờ “buông” một khu kinh tế đang có tiềm lực, cơ hội lẫn kỳ vọng của người Quảng Nam trong nhiều năm qua. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng thừa nhận do cơ chế thay đổi liên tục nên Quảng Nam tự lực không nổi. Ngân sách tỉnh không có tiền để lo. Tận dụng mọi nguồn cũng không thấm vào đâu so với yêu cầu. “Nhưng, vẫn phải kiên trì xây dựng KKTM trở thành một vùng kinh tế động lực ở phía đông, từ nam sông Thu. Chu Lai vẫn là chuyện của Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Cầu Cửa Đại đang gấp rút thi công.Ảnh: TRỊNH DŨNG
Cầu Cửa Đại đang gấp rút thi công.Ảnh: TRỊNH DŨNG

Ước vọng Chu Lai

Cảng Kỳ Hà buổi chiều khá vắng vẻ. Giám đốc Võ Phước Long vừa đi Quảng Ngãi “thu nợ” về nói tình hình xuất nhập khẩu mấy tháng qua ảm đạm nhiều hơn các năm trước. Lượng hàng qua cảng chủ yếu vẫn là kính nổi, dăm gỗ… Nếu như những năm trước, lượng hàng xuất, nhập khẩu qua cảng cùng kỳ khoảng 250 ngàn tấn hàng với doanh thu khoảng 12 tỷ đồng thì năm nay mới chỉ khoảng 150 ngàn tấn hàng với tổng doanh thu 7,2 tỷ đồng. Nguyên nhân được tính đến là suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp giảm năng lực sản xuất hàng hóa và nhập các loại nguyên, phụ liệu, thiết bị ít dần đi. Ông Long nói xuất, nhập khẩu ở Chu Lai lâu nay cũng trông chờ vào Trường Hải, kính nổi, dăm gỗ… bởi sức lực của các doanh nghiệp thu hút vào không lớn. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng nếu như kinh tế phục hồi và chính quyền đã thực sự chuyển hướng lựa chọn nhà đầu tư chất lượng thì chắc chắn lượng hàng hóa qua cảng sẽ ngày càng khởi sắc hơn.

Theo Ban Quản lý KKTM Chu Lai, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của KKTM Chu Lai sẽ chiếm khoảng 38%, xuất khẩu 100 triệu USD, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 50.000 người. Cơ sở để đưa ra chỉ tiêu này là trông đợi vào các dự án cầu Cửa Đại, nạo vét cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp và các dự án sản xuất ô tô hay các sản phẩm công nghiệp đang đầu tư tại Chu Lai mấy năm qua như Kính nổi Chu Lai, Sản xuất soda, Du lịch Cát Vàng Chu Lai với tổng số vốn đầu tư mỗi dự án trên 10 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến một số dự án mang tầm quốc gia đang được xúc tiến đầu tư vào khu vực này trong năm 2013 và 2014 như dự án chất thải, nước thải môi trường đô thị từ nguồn ODA (Đức) dự kiến vào tháng 8.2013, Khu liên hợp công nghiệp, đô thị Việt Hàn – Chu Lai, dự án đầu tư phát triển sân bay Chu Lai… Và ngay trong ngày kỷ niệm 10 năm, Nhà máy sản xuất nước giải khát Number One Chu Lai sẽ khởi công tại Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD.

Ước vọng phát triển Chu Lai trở thành mối quan tâm nhiều nhất của các cấp chính quyền. Việc “lọt” vào danh sách 5 KKTM trọng điểm quốc gia ưu tiên đầu tư từ năm 2013-2015 là cơ hội để khu kinh tế này xúc tiến thêm những dự án động lực. Ông Phạm Ân - Chánh Văn phòng Ban Quản lý KKTM Chu Lai nói giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Tam Anh (một trong những hợp phần của dự án Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Việt – Hàn Chu Lai), với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD trên 200ha (giai đoạn 1) đã được cấp cho C&N Vina. Hiện đường trục chính từ quốc lộ 1 đến khu vực dự án đang được thi công xây dựng. Dự kiến tháng 8.2013 sẽ hoàn thành để nhà đầu tư triển khai dự án. Dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai – Trường Hải đã được chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng thiết yếu và các ưu đãi cần thiết… đầu tư tại Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp (11,092ha) với tổng vốn đăng ký 2.643 tỷ đồng. Thủ tướng đã cho phép dự án này thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và chấp thuận cho phép chỉ định thầu với một số gói thầu từ nhà cung cấp Hyundai. Phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã thống nhất ký hợp đồng tín dụng và Trường Hải đang thương thảo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, chính quyền sẽ tiếp tục phân cấp cho Chu Lai, tập trung đầu tư từng dự án cụ thể trong khả năng ngân sách; kết nối giao thông đường bộ, biển, hàng không, tháo gỡ cơ chế, tạo mặt bằng sạch, tìm vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, “kéo” doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, các dự án lớn...

NAM KHA

NAM KHA