Hoang mang vì thực phẩm bẩn

THẢO DÂN 16/08/2013 09:06

Tiếp nối các thông tin về màng bọc thực phẩm chứa chất DEHA làm rối loạn hệ thống nội tiết, gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam và dậy thì sớm ở nữ; bún chứa chất huỳnh quang; trà bẩn, cà phê trộn hóa chất..., thông tin về sữa nhiễm khuẩn (Báo Quảng Nam cuối tuần số ra ngày 10 và 11.8 đã nêu) lại một lần nữa dấy lên và làm tăng thêm lo ngại về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trước đó, đã có những cảnh báo về việc nhiều loại thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày cũng thiếu an toàn, như gạo chứa chất bảo quản, rau có dư lượng thuốc trừ sâu, cá ướp u rê, heo ăn thuốc tăng trưởng cho thịt siêu nạc, trái cây chín ép nhờ hóa chất, giá được ngâm trong hóa chất... Xâu chuỗi các sự việc này, có cảm giác như mọi đồ ăn, thức uống liên quan tới đời sống con người đều có khả năng mất an toàn. Nhiều bà mẹ trẻ nói với nhau nửa đùa nửa thật nhưng xem ra rất chua chát rằng: không biết làm sao bảo vệ con em mình trước thực phẩm kém an toàn vì sữa công thức bị nhiễm bẩn đã đành, ngay cả sữa mẹ cũng bị nhiễm bẩn vì mọi đồ ăn, thức uống của mẹ cũng bị nhiễm bẩn, như vậy làm sao có “sữa mẹ sạch” cho con bú!

Để tự bảo vệ mình, nhiều người đã có sáng kiến trồng rau an toàn; nếu không có đất, tự trồng trong thùng xốp. Nhưng đó là đối với những gia đình có điều kiện, và chỉ có thể sản xuất được rau mà thôi; còn đối với các sản phẩm khác như gạo, thịt, cá, tôm… thì chịu. Với phương châm “hạn chế thực phẩm bẩn chừng nào tốt chừng nấy”, nhiều người tự mua cà phê hột về rang xay và pha chế, thay vì uống trà nay chuyển sang uống chè xanh (nhưng ai dám chắc chè xanh không phun thuốc trừ sâu?); thay vì ăn gạo thơm, nay ăn gạo quê. Nhiều gia đình chọn giải pháp nấu ăn ngày ba bữa tại nhà thay vì ra hàng quán ăn điểm tâm như trước…

Trước một “rừng” thực phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, làm thế nào để chọn lựa được thực phẩm an toàn thực là một chuyện không dễ. Đã có bao lời kêu gọi, nào hãy là người tiêu dùng thông thái, hãy chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng đáng tin cậy, hãy là người bán hàng có lương tâm… Các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng cũng tăng cường hướng dẫn cách phân biệt thực phẩm có bảo quản bằng hóa chất, cách lựa chọn thực phẩm tươi sạch. Nhưng thực phẩm nhiễm bẩn quá nhiều nên người tiêu dùng dù thông thái đến mấy cũng “bó tay”; người bán hàng dù có lương tâm đến mấy cũng không thể nào chọn bán toàn thực phẩm sạch.

Thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng và tìm cách để tự bảo vệ mình. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc; nếu không, người tiêu dùng sẽ tiếp tục rơi vào cảnh vừa ăn vừa lo...

THẢO DÂN

THẢO DÂN