Khảo sát, tuyển chức danh Phó hiệu trưởng bậc tiểu học ở Tam Kỳ: Một cách làm hay

HOÀNG LY 16/08/2013 08:21

Nhiều cô giáo tiểu học trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã trải qua kỳ nghỉ hè bận rộn ôn luyện để dự tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng. Cuộc khảo sát chỉ là một khâu nhỏ của việc tuyển chọn cán bộ giáo dục bậc tiểu học nhưng là cách làm hay của ngành giáo dục thành phố.

Nhiều giáo viên bậc học mầm non, tiểu học, THCS của TP.Tam Kỳ đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: D.HOÀNG
Nhiều giáo viên bậc học mầm non, tiểu học, THCS của TP.Tam Kỳ đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: D.HOÀNG

Tự sát hạch

Cô giáo Lê Thị Lan Hương (trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, phường Hòa Hương) có gần 10 năm công tác tại nhiều trường tiểu học của TP.Tam Kỳ. Theo yêu cầu của đơn vị, nhiều thời điểm, cô giáo Hương phải đảm nhận một số vị trí công việc không thuộc chuyên môn của mình nhưng đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đầu kỳ nghỉ hè này, nhận được thông báo khảo sát, tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng của Phòng GDĐT thành phố, nhận thấy bản thân đáp ứng các điều kiện và được lãnh đạo trường động viên, cô giáo Lan Hương quyết định nộp đơn dự kỳ khảo sát. Cùng dự kỳ thi khảo sát này, còn có 9 đồng nghiệp nữa nên cô Lan cũng rất lo lắng, dành nhiều thời gian chuẩn bị kiến thức, bài giảng bởi hình thức khảo sát xem ra không nhẹ chút nào.

Với phần giới thiệu về ngôi trường mình công tác hoặc một chuyên đề, sáng kiến tự chọn, các cô giáo không chỉ trình bày ngắn gọn, súc tích bằng bài trình chiếu PowerPoint (ứng dụng trình diễn do hãng Microsoft phát triển) mà còn thể hiện bằng tiếng Anh trước ban giám khảo. Nhiều cô giáo cho biết, vốn ngoại ngữ “cất kỹ” đã lâu nay mới có dịp mang ra dùng, tuy vất vả với khâu viết, luyện nói nhưng rất thú vị.

Đối tượng dự khảo sát là tổ trưởng chuyển môn, cán bộ dự nguồn chức danh Phó Hiệu trưởng, có ít nhất 5 năm công tác liên tục tại trường tiểu học công lập; giáo viên đã kinh qua công tác quản lý ở trường tiểu học công lập (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) ít nhất 3 năm liên tục; đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ được quy định đối với Phó Hiệu trưởng trường tiểu học…

Theo Trưởng phòng GDĐT TP.Tam Kỳ - Trần Ngọc Sơn, nội dung khảo sát được chuẩn bị khá chu đáo, và đề “mở” đã để lại nhiều bất ngờ với người dự khảo sát. Những tình huống “khi tôi là phó hiệu trưởng” đã được đặt ra với nhiều cô giáo mà phần đông mới chỉ đảm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn: “Nếu anh/chị là phó hiệu trưởng, khi hiệu trưởng xao nhãng công việc, giao phó hầu hết nhiệm vụ cho cấp dưới, anh chị phải giải quyết như thế nào?”; hoặc “Nếu được đề bạt phó hiệu trưởng, anh/chị không được nhiều đồng nghiệp ủng hộ, cách ứng xử của anh/chị?”… Những tình huống “sát” như vậy đã gợi mở nhiều hướng tư duy, cách xử thế khéo léo, được ban giám khảo đánh giá chất lượng… Ngoài ra, phần thi viết về tìm hiểu các văn bản quan trọng của ngành, hay phỏng vấn với nội dung liên quan đến công tác quản lý, dạy học, nội dung chương trình, phương pháp dạy học… trở thành những phần thi khó đối với nhiều giáo viên. Mười cô giáo cùng tham gia cuộc khảo sát, kết quả có 4 cô giáo trúng tuyển.

Theo dõi, động viên 3 giáo viên của trường dự khảo sát, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường An Sơn) - Nguyễn Thị Thanh Hữu cho biết, dư âm của cuộc khảo sát lan rộng trong nhiều giáo viên của trường và đồng nghiệp ở các trường khác. Các cô giáo tâm sự, đây là cuộc khảo sát thực sự bổ ích, nhiều lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng đã được chính các giáo viên nhìn nhận lại và tự bổ sung. Được mời làm giám khảo cuộc khảo sát, cô giáo Nguyễn Phượng Linh (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ trường THCS Lê Hồng Phong) cho biết, nhiều “thí sinh” đã rất chăm chút cho bài nói tiếng Anh của mình, thể hiện rất thành công trước ban giám khảo; tuy nhiên, cũng có cô giáo còn “ôm” nhiều nội dung, xây dựng đề tài “quy mô” nên hơi quá sức mình.

Cách làm hay

Theo ông Trần Ngọc Sơn, kết quả của cuộc khảo sát là một trong nhiều kênh (bên cạnh công tác lấy phiếu tín nhiệm ở Phòng GDĐT và nhà trường, xét nhu cầu các địa phương về cán bộ quản lý…) để đánh giá chất lượng, tuyển chọn người tài bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Đây là cách làm mới, thay đổi tư duy trong công tác tổ chức và bổ nhiệm cán bộ, lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học một cách công khai, chính xác, có chất lượng. Qua đó, ngành giáo dục Tam Kỳ sẽ có thêm đội ngũ quản lý có phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng, có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ… đáp ứng yêu cầu của ngành và xã hội.

Việc khảo sát, thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng như vừa nêu đã được UBND TP.Tam Kỳ thống nhất cao trước đó, giao Phòng GDĐT thực hiện. Năm 2012 phòng đã khảo sát, tuyển chọn và bổ nhiệm 2 giáo viên bậc học mầm non. “Với cách làm cũ, ngành có thể bỏ sót nhân tài do họ thiếu một số điều kiện theo quy định. Còn với cách làm này, ngoài hồ sơ thể hiện rõ quá trình công tác, năng lực thực tiễn của giáo viên còn được thể hiện công khai trước hội đồng để nhận xét, đánh giá” - Phó Trưởng phòng GDĐT Tam Kỳ - Bùi Tấn Nhã cho biết.

Với cách làm nêu trên, Tam Kỳ là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện việc khảo sát, thi tuyển chức danh quản lý giáo dục bậc học mầm non, tiểu học và sắp đến là THCS. Đây là cách làm cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của Thành ủy Tam Kỳ về đổi mới công tác cán bộ. Được biết, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu tìm hiểu, học tập cách làm này của ngành giáo dục Tam Kỳ.

HOÀNG LY

HOÀNG LY