"Ăn cắp" thời gian đợi tàu!

MINH ĐỨC 15/08/2013 08:01

“Tàu đến trễ, mong quý khách thông cảm, yên tâm đợi tàu” là điệp khúc quá quen thuộc mà hành khách nghe được ở nhiều nhà ga. Có lẽ vì tàu thường xuyên trễ nải và phải chứng kiến sự than phiền của hành khách nên các nhà ga đã nảy ra ý tưởng xoa dịu bằng cách “ăn cắp” thời gian đợi tàu?

Khó có thể tính hết được sự lãng phí từ “thời gian chết” của nhiều người phải mệt mỏi ngồi đợi tàu hỏa. Thật khó chấp nhận, một hành khách đi tuyến đường ngắn, chỉ mất 4 tiếng tàu chạy nhưng phải đợi đến 2 – 3 tiếng đồng hồ trên nhà ga vì tàu đến trễ. Nhu cầu đi lại giờ đây đã tăng cao. Cùng với sự phát triển của dịch vụ vận chuyển bằng ô tô (vốn nhiều rủi ro) đã thu hút một lượng lớn hành khách sử dụng thì phương tiện tàu hỏa được nhiều người lựa chọn. Ngành đường sắt thời gian qua cũng rất nỗ lực cải thiện thời gian chạy tàu, nhưng dường như thời gian đợi tàu vẫn giữ nguyên như cũ, thậm chí còn rề rà hơn trước vì áp lực tăng chuyến, tránh tàu, sự cố… Nhiều hành khách còn nói vui, nếu thường xuyên trễ tàu sao không lùi thời gian bán vé lại để nhiều người khỏi cảnh rồng rắn mệt nhoài tại sân ga?

Nhưng xét cho cùng, tàu đến trễ không phải tại lỗi của nhà ga. Nhiều hành khách trút giận vào các nhân viên nhà ga kể cũng tội bởi họ đâu muốn thế, và thậm chí chẳng biết vì sao tàu trễ. Phải thường xuyên thông báo xin lỗi hành khách nhưng có lẽ nhiều nhân viên sân ga cảm thấy “ngượng” vì phải xin lỗi mỗi ngày, và nhất là lỗi không phải do đơn vị mình gây ra. Và có lẽ cũng vì các lý do này mà nhiều nhà ga đã nghĩ ra cách “xoa dịu” hành khách đợi tàu, ví như ga Tam Kỳ. Vừa qua, theo lịch trình, tàu SE1 từ Hà Nội đi TP.Hồ Chí Minh đến ga Tam Kỳ lúc 12 giờ nhưng vì trễ nên nhà ga thông báo “quý khách thông cảm, yên tâm chờ tàu đến 1 giờ 30 phút”. Dù rất ngán ngẩm nhưng nhiều hành khách vẫn cố chờ đợi, nhưng đến 1 giờ 30 phút thì nhà ga lại thông báo “quý khách thông cảm chờ đến 14 giờ 20”. Tàu SE1 là loại phương tiện “xịn” nhất của ngành đường sắt Việt Nam (xét về sự đầu tư phương tiện, ưu tiên chạy trên đường ray, giá cả dịch vụ…) mà trễ đến 2 giờ 20 phút thì rất khó chấp nhận. Nhưng điều mà nhiều hành khách không thể chấp nhận là cách giải thích của nhân viên nhà ga: phải thông báo làm 2 lần trễ tàu như vậy để khách thấy “nhẹ nhàng” hơn, “yên tâm” đợi tàu. Có lẽ kiểu “ăn cắp” thời gian này là ý tưởng nảy sinh từ thực tế thường xuyên trễ nải của ngành đường sắt. Trong khi đó hành khách bức xúc vì cho rằng nhà ga không “thật thà”, nếu thông báo một lần họ sẽ chủ động thời gian, không phải ngồi ì ở đây.

Thời gian đợi tàu cũng có thể xem là một thứ “của cải” không nên lãng phí, vì vậy những “mất mát” xuất phát tự sự thiếu trung thực như kiểu vừa nói cũng có thể bị xem là hành vi “ăn cắp”!

MINH ĐỨC

MINH ĐỨC