Ghi ở Nam Lào - Bài 1 : Vào "cửa ngõ" đông - tây
Cao nguyên Boloven ôm ấp các tỉnh Nam Lào nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây mùa này càng trở nên xinh đẹp bởi sự hòa hợp của đất trời, núi sông. Trên dải đất rộng lớn, bằng phẳng này, hai bên đường rực rỡ sắc hoa chăm-pa và rợp bóng cây xanh. Một thoáng qua Attapeu, Saravane, Sê Kông, Champasak, Savanakhet... cảm nhận nhịp sống ở đất nước triệu voi trôi chầm chậm, thanh bình đến lạ...
Một góc đường phố ở La Mạn, Sê Kông.Ảnh: H.PHÚC |
BÀI 1: VÀO "CỬA NGÕ" ĐÔNG - TÂY
Đất đai màu mỡ, có dòng sông Mê Kông thơ mộng vắt qua, lại nằm ở cửa ngõ của “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia, các tỉnh Nam Lào hội đủ lợi thế để phát triển kinh tế, song thực tế không như kỳ vọng...
Nhật ký hành trình
Hơn 11 giờ trưa, xe dừng lại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để làm thủ tục xuất cảnh. Trong khu kiểm soát liên hợp cửa khẩu, xuất hiện tốp người bán hàng rong rao đổi tiền kíp của Lào. Ăn cơm tại một nhà hàng ở biên giới Phù Cưa - Lào cách đó chưa đầy 100m mà thấy mọi thứ đã thay đổi; chủ quán, nhân viên phục vụ đều nói tiếng Lào.
Cơn mưa rào mang theo ngọn gió se se lạnh. Dọc theo tuyến đường 18B, từ cửa khẩu Bờ Y qua địa phận tỉnh Attapeu, trải dài là những khu rừng khộp, rừng dầu long khô, rừng cao su bạt ngàn. Thi thoảng ẩn hiện những ngôi nhà sàn của nhân dân các bộ tộc Lào. Mùa này, bản làng nào ở Lào cũng thấy hình ảnh phụ nữ, trẻ em tụ tập hàn huyên trong nhà chẳng khác gì đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng ở Quảng Nam. Vào trung tâm huyện La Mạn thuộc tỉnh Sê Kông, tiếng nhạc xập xình phát ra từ các điểm kinh doanh ăn uống. Nhà không số, phố không tên. Thị dân bản địa Lào, cả người Việt đều sống co cụm ở khu vực trung tâm, giống như thị trấn, thị tứ của ta. Bao quanh những ngôi chùa là mái thếp vàng với kích cỡ to, nhỏ khác nhau, làm nơi người Lào đặt tro cốt sau khi đã hỏa thiêu thi thể người chết. Bên Lào không có mồ mả, bởi họ quan niệm dành đất cho người sống ở ý nghĩa hơn là xây những nghĩa trang.
...Mưa chiều bất chợt xối xả trút xuống trung tâm huyện La Mạn rồi ngưng hẳn. Trời quang mây tạnh. Phố cũng ra dáng hơn. Lũ trẻ trần truồng, tóc tai bù xù lon ton chạy ra đường nô đùa. Thi thoảng xuất hiện vài người đàn bà gùi hàng lặng lẽ rời phố. Hình ảnh này gợi cho tôi nhớ đến những phụ nữ Giẻ Triêng ở miền sơn cước Phước Sơn.
Chợ trung tâm La Mạn. |
Rời La Mạn, chúng tôi đến Paksé, thủ phủ của tỉnh Champasak. Nhìn trên bản đồ, Paksé như doi đất nhô ra được che chắn bởi dòng sông Sedon ở phía bắc và Mê Kông phía nam. Một dãy nhà hàng, quán xá mọc lên đông đúc ven sông Mê Kông ở Paksé. Phía bên kia bờ, là những ngọn núi lô nhô của đất nước Thái Lan. Cá là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người dân bản địa. Tại Paksé, người dân ít nuôi cá nước ngọt, mà thường sử dụng thuyền máy (giống như vỏ lải ở Nam Bộ, Việt Nam) làm phương tiện đánh bắt. Cá sau khi khai thác ở sông được nuôi thả trong các lồng bè, vì thế các nhà hàng nổi ven sông luôn có nguồn cá tươi, ngon.
Từ “thành phố cửa sông” Paksé, men theo sông Mê Kông, chạy gần 200km là đến tỉnh Savanakhet. Không sầm uất như Paksé, nhưng Savanakhet có vị trí địa lý thuận lợi, phát triển nhiều loại dịch vụ vui chơi giải trí như mở sòng bạc, quán bar... Cầu Hữu Nghị đã đưa vào sử dụng nối tỉnh này với tỉnh Mukdahan của Thái Lan và Quảng Trị của Việt Nam qua đường 9 Nam Lào thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây. Khách sạn Daosavanh mà chúng tôi nghỉ ngơi nhìn ra sông, từ đây có thể nhìn rõ một phần bờ cõi của xứ sở chùa vàng...
Mở đường biên
Muốn phát triển “tam giác” Việt Nam - Lào - Campuchia đòi hỏi phải đầu tư mạnh hơn nữa Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ở 4 tỉnh Nam Lào đã, đang thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đến làm ăn. Thế nhưng, so với các vùng khác, Nam Lào vẫn còn nghèo, đặc biệt là tỉnh Sê Kông. Tuyến quốc lộ 16B nếu mở rộng đầu tư nâng cấp (đoạn Sê Kông đến cửa khẩu Đắc Tà Oóc - Nam Giang) sẽ trở thành con đường ngắn nhất của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây nối từ Đông Bắc Thái Lan với Nam Lào - Bắc Campuchia với các cảng biển Đà Nẵng - Kỳ Hà - Dung Quất của Việt Nam. Sông Sê Kông (một chi lưu của sông Mê Kông) chảy qua Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Nơi đây, Lào đã và đang triển khai nhiều dự án thủy điện như Xê Ka Mán 3 và Xê Ka Mán 4, Sê Kông 4 và Sê Kông 5, Đắk Y Mơn, Lụi Lăm Phăn...
Ẩm thực ở Lào. |
Tỉnh Sê Kông được tách ra từ tỉnh Salavan vào năm 1984, với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 4 huyện Đắc Chưng, Kà Lừm, La Mạn và Thà Teng. Đây là địa phương nghèo nhất nước Lào, trong tổng số 228 bản của tỉnh thì có 133 bản thuộc diện nghèo; cả nước Lào có 19.073 hộ nghèo thì riêng Sê Kông đã chiếm gần 22% với 4.122 hộ nghèo.
Gần đây, Quảng Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để giúp đỡ tỉnh bạn Sê Kông phát triển hạ tầng. Dự án xây dựng hạ tầng khu kiểm soát cửa khẩu Đắc Tà Oóc nằm bên phía bạn với chi phí điều chỉnh phê duyệt lên đến gần 50 tỷ VNĐ đến nay vẫn chưa triển khai do vướng về thủ tục chuyển vốn. Do vậy, con đường thông thương hàng hóa, trao đổi buôn bán qua lại nơi đây còn tắc trách, Hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa thể liên kết xuyên suốt. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cam kết, bằng mọi cách, đến năm 2014 tới, dự án phải khởi công với kỳ vọng lớn lao sẽ cởi trói cho khu vực biên giới suốt thời gian dài “ngủ quên”. Ông Khăm Phởi Bút Đa Viêng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông cho biết, khi trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu được đầu tư bài bản, người dân vùng biên giới sẽ có cơ hội thoát nghèo, việc trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cung - cầu hàng hóa hai chiều sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng, khi khai mở đường biên, các doanh nghiệp của Việt Nam, kể cả các nước khác sẽ không ngần ngại đến Lào đầu tư phát triển thủy điện, du lịch, khai khoáng, trồng cao su, cũng như nhiều lĩnh vực khác.
_______________
Bài 2: Nghe và thấy
TRẦN HỮU PHÚC