Kiểm soát chặt rừng phòng hộ

TRẦN HỮU 09/08/2013 09:16

Nhiều chính sách, quy định chặt chẽ của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng (BVR) đã kịp thời “cứu sống” nhiều cánh rừng phòng hộ ở miền núi. Nhờ vậy, người dân được hưởng lợi và có trách nhiệm giữ rừng hơn.

Giao rừng cho cộng đồng

Chưa có thống kê chính thức nào của ngành chức năng về lượng cây rừng mà người dân đã nhận khoán bảo vệ, nhưng thực tế là nơi nào rừng có chủ thì ít hoặc không xảy ra tình trạng phá rừng. Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực đến rừng Quảng Nam. Giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy trước đây, nhưng vì sao phải dừng lại, không tiếp tục triển khai? Có phải mô hình giao đất giao rừng thí điểm ở một số địa phương trong tỉnh không đáng để nhân rộng? Hoàn toàn không phải vậy, bởi lý do chính là nhiều nơi giao đất rừng tràn lan, dù đã làm chủ rừng trên giấy tờ nhưng người dân, cộng đồng dân cư chẳng biết khoảnh rừng của mình nằm ở vị trí nào. Cũng là hình thức giao rừng cho dân giữ, nhưng chính sách chi trả DVMTR đã thực thi đồng bộ, bước đầu đem lại kết quả như mong đợi.

Lực lượng kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ việc đưa người và phương tiện trái phép vào rừng phòng hộ. Ảnh: T.H
Lực lượng kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ việc đưa người và phương tiện trái phép vào rừng phòng hộ. Ảnh: T.H

Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương – ông Vũ Phúc Thịnh, thành công lớn nhất trong khâu BVR phòng hộ nơi đây là việc giao rừng có địa chỉ rõ ràng, có nơi còn đánh dấu thứ tự cây trồng. Việc giữ rừng gắn với nồi cơm bát gạo của đồng bào dân tộc thiểu số nên họ không thể lơ là được. “Năm 2012, thời điểm trước khi giao khoán BVR, địa bàn xã Ma Cooih (Đông Giang) xảy ra 27 vụ phá rừng quy mô lớn, nhưng sau khi giao khoán BVR đến nay không xảy ra vụ phá rừng nào” - ông Thịnh cho biết.

Động thái gần đây nhất là UBND tỉnh đã công bố 6 chủ đầu tư thủy điện đã dây dưa không chịu ký hợp đồng ủy thác, chậm chi trả DVMTR. Theo tính toán, bình quân mỗi năm, nguồn thu từ DVMTR khoảng 50 tỷ đồng, trong đó 85% khoản thu chi trực tiếp đến đối tượng nhận khoán BVR.  Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ bảo vệ - phát triển rừng cho biết: “Từ ngày có văn bản hướng dẫn chi tiết của Trung ương, chúng tôi tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ địa phương giao khoán trên thực địa, có hợp đồng cụ thể về diện tích, ranh giới, hiện trạng rừng giàu - nghèo. Cách làm này tốn nhiều thời gian lẫn tiền bạc nhưng hiệu quả, nhất là cộng đồng dân cư xem rừng Nhà nước như của mình, đồng tiền chi trả đúng mục đích, đúng đối tượng”. Theo ông Đức, điểm khác biệt trong chính sách chi trả ở Quảng Nam so với các địa phương khác là giao rừng cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư, hạn chế giao khoán rừng cho hộ gia đình. Cuộc chiến chống lâm tặc đòi hỏi phải tập trung sức mạnh của cộng đồng dân cư.

Ngăn chặn xâm nhập rừng trái phép

Sau 2 năm triển khai, có 7 lưu vực thủy điện thuộc diện phải chi trả DVMTR với tổng diện tích 316.000ha (trong đó diện tích có rừng 182.000ha). Đó là các lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung (thuộc huyện Đông Giang và Tây Giang); thủy điện Khe Diên (thuộc huyện Đại Lộc và Nông Sơn), thủy điện Sông Tranh 2 – Trà Linh 3 – Tà Vi (thuộc huyện Nam Trà My và Bắc Trà My), lưu vực thủy điện và nhà máy cung cấp nước sinh hoạt Phú Ninh (thuộc huyện Núi Thành và Phú Ninh), lưu vực thủy điện An Điềm 1 – An Điềm 2 (thuộc huyện Đông Giang và Đại Lộc), lưu vực thủy điện Đăk My 4 (thuộc huyện Phước Sơn), thủy điện Sông Kôn 2 (huyện Đông Giang). Năm 2014, dự kiến có 270.000ha rừng tự nhiên nằm trong các lưu vực trên được chi trả DVMTR.

Nhằm quản lý chặt các khu rừng cấm, đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh ký quyết định quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có quy định sẽ xử phạt nặng nếu tổ chức, cá nhân đưa người, phương tiện vào rừng để thi công các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp mà không có giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng của UBND cấp huyện, hoặc có giấy chứng nhận mà không thực hiện đúng cam kết, hoặc xâm hại đến tài nguyên rừng, khoáng sản... Năm 2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý những đối tượng sử dụng lửa trong và gần rừng phải đăng ký đầy đủ về thời gian, địa điểm, diện tích, loại thực bì cần đốt với trưởng thôn, lực lượng hợp đồng BVR và phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ những biện pháp cứng rắn này mà tình trạng sử dụng lửa vô tội vạ trong khu vực “rừng cấm” đã giảm đáng kể. Điển hình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 3 điểm phát lửa rừng tại TP.Hội An, các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên nhưng chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại Quế Sơn với diện tích thiệt hại 0,1ha.

Tính đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các huyện huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc, Thăng Bình, Đông Giang cắm 129 biển báo cấm tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, dù đã tăng cường lực lượng kiểm soát ở các “điểm nóng” phá rừng, nhưng tồn tại nổi cộm gần đây là tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp (đất không có rừng) chưa được ngăn ngừa, xử lý dứt điểm. Hầu hết các vụ việc lấn chiếm đất rừng được ngành kiểm lâm, chủ rừng chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo luật định nhưng có dấu hiệu “chìm xuồng”, không được thực thi pháp luật nghiêm túc nên đối tượng bất chấp vi phạm. “Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nặng những vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, mạnh dạn chặt bỏ những cây cối trồng trái phép, hoặc tịch thu những tài sản trên đất lấn chiếm bất hợp pháp” – ông Tuấn nói.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU