Nụ cười da cam

ANH TRÂM 09/08/2013 08:28

Những số phận da cam luôn là câu chuyện cảm động đong đầy nước mắt, nhưng chính nụ cười da cam lại khiến cho người khác phải bật khóc nhiều hơn…

Lớp học da cam ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam.Ảnh: ANH TRÂM
Lớp học da cam ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam.Ảnh: ANH TRÂM

1. Trời còn thương, cho em khuôn mặt xinh đẹp, nụ cười làm người đối diện phải nao lòng và cái đầu thông minh. Ngoại trừ những thứ đó, toàn bộ cơ thể em đều bị chất độc da cam/dioxin tàn phá. Suốt 10 năm nay, câu chuyện về em Trương Thị Thương (thôn Đông Phước, xã Đại Hồng, Đại Lộc) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi dịp kỷ niệm, ngày thảm họa da cam Việt Nam (10.8). Thỉnh thoảng, hình ảnh cô bé tật nguyền lọt thỏm trong giỏ xe đạp của mẹ đến trường xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia như chưa bao giờ là cũ. Cũng như cái cách mà em sở hữu nụ cười tươi như đóa hoa rực rỡ, câu chuyện em kể về bản thân mình không ai muốn lược bỏ dòng nào:

“Em chỉ cao 0,7m. Nhưng không phải vì thế mà em từ bỏ số phận của mình. Em chấp nhận hoàn cảnh và không ngừng mơ ước. Đối với em, được đến trường là một điều vô cùng lớn lao. Nhớ lại lần đầu tiên mẹ đưa đến lớp bằng chiếc xe đạp cồng kềnh bởi 2 chiếc giỏ mà mẹ chở sữa đi bán hàng ngày. Mẹ đặt em ngồi vào trong chiếc giỏ ấy để đưa đến trường. Ngày ấy nhà trường không chấp nhận vì sợ em làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Lúc ấy em mặc cảm lắm, nhưng em không khóc. Em muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, nếu bạn không nhận được một điều kỳ diệu, hãy tự mình trở thành một điều kỳ diệu.  Em có được như ngày hôm nay không chỉ do sự nỗ lực của bản thân mà phần lớn là sự giúp đỡ của gia đình và xã hội. Bây giờ khi đã là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ba em vẫn cùng em đi học. Khi đến trường, ba bế em lên tận lầu 3. Chắc có lẽ mọi người sẽ thắc mắc vì sao người đi học cùng em không phải là mẹ mà là ba đúng không? Vẫn biết mọi chuyện sinh hoạt của con gái rất cần bàn tay mẹ chăm sóc nhưng vì hoàn cảnh, ba em không thể lao động nặng.  Mọi thứ đều được dồn cho mẹ. Chiếc xe đạp cồng kềnh với giỏ sữa ở 2 bên, em lọt ở giữa ngày nào giờ thêm một giỏ sữa nữa. Em được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đại Lộc tặng một chiếc xe lăn điện, và đối với em nó trở thành một phương tiện giúp ba đỡ vất vả phần nào. Dẫu biết rằng những người khuyết tật, những số phận không may mắn như chúng ta sẽ trải qua biết bao khó khăn, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc hay từ bỏ số phận. Em chỉ muốn nói rằng: Hãy cười thật tươi sẽ thấy cuộc đời thật đẹp”.

“Từ khi làm công tác hội, mỗi hoàn cảnh da cam chúng tôi tìm đến là một số phận đớn đau không ngôn từ nào có thể diễn tả được. Đến nhà của họ, nhất là với thế hệ thứ 2, thứ 3, nhìn thấy nụ cười của họ tự nhiên chúng tôi lại muốn bật khóc. Cũng bởi vì nó quá hồn nhiên. Như chuyện tình “Đôi đũa lệch trời so nên bằng” của chị Trần Thị Xuân Thu và anh Nguyễn Văn Trung (Tam Phước, Phú Ninh), em Nguyễn Thị Thúy Phương (Hội An), anh Võ Văn Châu (Tam Kỳ)… tất cả đã cho chúng ta một nghị lực. Và họ truyền cho chúng ta nụ cười”.
(Ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ)

2. Cùng lứa tuổi với Trương Thị Thương, A Đạo (SN 1990) là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn. Trời ban cho em tiếng hát cao vút nên hiện tại em vừa làm vừa học tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương của NSND Trương Tường Vi. A Đạo kể: “Trước đây, nhiều lúc em rất thất vọng vì mọi thứ xung quanh đều là trở ngại, muốn buông xuôi tất cả. Mọi thông tin bên ngoài em chỉ nghe qua đài và ti vi rồi tự sáng tác những khúc nhạc mà mình yêu thích để giảm bớt thời gian vô bổ. Từ khi được Trung tâm Nghệ thuật tình thương của NSND Tường Vi đón nhận đến nay được 3 năm, em nhận ra mình vẫn còn có ích và thấy cuộc đời thật đáng sống”. Tiếng hát của A Đạo cứ như một cậu bé sống ở xứ thảo nguyên khô cằn, cao vút tận mây xanh. Theo đoàn nghệ thuật đi lưu diễn khắp nơi, niềm vui của cậu bé da cam này là mang đến cho thính giả những câu chuyện đời bằng tiếng hát. “Tuy em không thể nhìn thấy mọi người cười, nhưng em luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương đang ở xung quanh mình. Và em cũng biết, em có nụ cười thật đẹp” - A Đạo hồn nhiên nói.

Phải khi đến “Lớp học da cam” của quản giáo Nguyễn Văn Quang ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin mới thấy những “nụ cười da cam” có ý nghĩa biết bao nhiêu. Thầy giáo đi bằng đôi nạng gỗ, khập khiễng đứng giữa lớp học bắt nhịp bài hát “Nối vòng tay lớn”. Ở 6 dãy bàn đôi, học trò trong đồng phục áo màu da cam vỗ tay theo nhịp bài hát. Có em câm điếc thấy không khí lớp học tưng bừng cũng vỗ tay, nhoẻn miệng cười rạng rỡ. “Thầy” Nguyễn Văn Quang nói: “Tôi cũng là học viên của trung tâm, được tạo điều kiện học nghề may và làm hương. Riêng đối với “lớp học da cam”, tôi phụ trách làm quản giáo, tập cho các em những bài hát, xếp trật tự mỗi giờ học, đón và trả các em mỗi ngày về với gia đình. Tôi may mắn hơn các em ở đây là đầu óc minh mẫn, nên được dạy cho các em mỗi ngày, nhìn thấy các em cười đùa là mọi đau khổ, bệnh tật đều tan biến”.

ANH TRÂM

ANH TRÂM