Xanh thắm vùng biên

PHƯƠNG GIANG 08/08/2013 08:17

Trải dọc hành trình từ A Vương ngược lên khu 7, giữa ngút ngàn xanh của núi rừng là những bản làng với sân gươl vàng ươm màu lúa mới, với đường ô tô lên “cổng trời” qua cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm… Về với Tây Giang hôm nay, là về với một vùng cao đầy hương sắc sau hành trình 10 năm tái lập và xây dựng.

Ruộng bậc thang Chuôr ở xã A Xan. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Một góc trung tâm hành chính huyện Tây Giang. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

“Tây Bắc” ở vùng biên

Bây giờ, về với 4 xã vùng cao của Tây Giang, trái ngược với những ám ảnh đầy gian khó của một khu 7 hơn 10 năm về trước, cánh đồng lúa nước A Xan trải dài giữa thung lũng, minh chứng cho những đổi thay của vùng biên. Có hơn 868ha lúa nước 2 vụ, hơn 1.120ha lúa rẫy mỗi năm trong tổng diện tích gieo trồng gần 3.609ha là một nỗ lực lớn của Tây Giang trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Không còn thiếu đói, hạt gạo trở thành hàng hóa, thay thế tư duy manh mún tự cung tự cấp, chuyện áp dụng kỹ thuật canh tác, làm thủy lợi phổ biến đến tận những bản làng giáp biên. Già làng Bhling Đáp, người “chinh phục cổng trời” để dẫn nước về ruộng ở khu 7 ngày nào, chia sẻ: “Bây giờ ở đâu cũng có ruộng bậc thang, có cây lúa nước. Đồng bào vùng cao biết đưa nước về ruộng, biết dùng phân bón, có nơi còn sắm cả máy cày. Đến mùa lúa về kín sân, chật gươl, không còn đói nữa”.

Ở độ cao trung bình hơn 1.000m, cây lúa cứ thế phủ xanh những thung lũng giữa đại ngàn. Có những cánh đồng bậc thang rộng hàng chục héc ta, nhấp nhô như một “Tây Bắc” ở vùng biên, trở thành một “đặc sản” níu chân du khách mỗi dịp ngược núi. Con đường lên cửa khẩu đã khai thông, các ngôi làng tái định cư trên những ngọn đồi bát úp càng tô thêm vẻ đẹp cho vùng biên trong thời kỳ xây dựng và phát triển. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bhling Mia nói: “Từ muôn vàn gian khó của những ngày đầu tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Giang đã nỗ lực vươn lên, quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, chủ trương phát triển diện tích trồng lúa đã giúp cây lúa bám rễ, giúp dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng cao”.

Ruộng bậc thang Chuôr ở xã A Xan. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Ruộng bậc thang Chuôr ở xã A Xan. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Phát huy lợi thế về nông - lâm nghiệp, hàng loạt mô hình mới được triển khai dần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống lạc hậu. Chủ trương đầu tư san ủi mặt bằng, sắp xếp lại khu dân cư, dồn điền phân đất, mở rộng đất sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng được áp dụng, tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm của huyện là 4.358 tấn, bình quân lương thực đạt 352,34kg/người/năm. Nhiều mô hình sản xuất mới như: trồng ba kích, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, đậu phụng, bắp, nuôi ếch, nuôi heo cỏ bản địa, nuôi bò tập trung… đã và đang được đầu tư, nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hàng năm hơn 10%, xóa dần hình ảnh khốn khó của vùng cao hơn 10 năm về trước…

Vững bước đi lên

Qua 10 năm tái lập, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện Tây Giang chuyển dịch theo tỷ lệ: nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,58%; công nghiệp, xây dựng: 32,02%; dịch vụ: 40,39%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2003 là 1,4 triệu đồng, đến năm 2013 đạt 10,2 triệu đồng; số hộ nghèo giảm còn 58,25% (năm 2012). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17,25%; so với năm đầu tái lập, giá trị sản xuất tăng gấp 8 lần...

Mười năm trước, gia đình ông Bling Hiêr (thôn A Rớt, xã A Nông) còn là hộ nghèo, cái đói vẫn dai dẳng ám ảnh trong mỗi mùa giáp hạt. Từ ngày tái lập huyện, các chương trình, dự án hỗ trợ người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế được triển khai, ông Hiêr cũng là một trong số nhiều hộ được hưởng lợi. Từ nguồn vốn hỗ trợ, ông Hiêr bắt đầu phát triển chăn nuôi bò theo mô hình chuồng trại. Từ những con bò giống đầu tiên, ông gầy dựng nên đàn bò hơn 100 con, ngoài ra còn canh tác thêm 5 sào lúa chủ động nước tưới cho cả vụ đông xuân và hè thu, mỗi năm cho gần 400 tạ thóc. Hưởng ứng chủ trương trồng cây cao su, ông mạnh dạn nhận trồng hơn 3,5ha, đến nay đã được 4 năm tuổi. Từ cảnh thiếu ăn, ông đã trở thành triệu phú với nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Trước kia bà con quen làm vừa đủ ăn, không để dành, đàn ông chỉ biết uống rượu, không chịu làm lụng. Giờ nghe theo Đảng, theo Nhà nước, làm để dư, để bán, để sắm sửa ti vi, xe máy. Dân làng ai cũng đã có ham muốn làm giàu” - ông Hiêr chia sẻ.

Cùng dựng gươl làng ở thôn Pơr’ning (xã Lăng).
Cùng dựng gươl làng ở thôn Pơr’ning (xã Lăng).

Không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, hỗ trợ người dân thoát nghèo, hàng loạt chương trình đầu tư, xây dựng nông thôn mới cũng đã tích cực góp phần thay đổi diện mạo của Tây Giang hôm nay. Từ năm 2003 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển trên toàn huyện đạt hơn 2.218 tỷ đồng; 66/70 thôn có đường ô tô đi được vào mùa nắng; quy hoạch, sắp xếp, bố trí tái định cư tại 61 điểm trên toàn huyện; điện lưới quốc gia, điện lưới từ các nhà máy thủy điện nhỏ và điện thủy luân dần đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Song hành với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, công tác giáo dục, y tế, bảo tồn và phát triển văn hóa được quan tâm đặc biệt. Ở một địa bàn đặc thù với hơn 90% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất còn khó khăn thiếu thốn, nhưng với sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả, sự đóng góp tích cực của quần chúng nhân dân, tốc độ phát triển của huyện tiếp tục được duy trì, dần khẳng định và nâng cao vị thế của Tây Giang ở khu vực miền núi của tỉnh”.

Huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển Tây Giang theo định hướng toàn diện, sớm xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu của Tây Giang qua hơn 10 năm tái lập, xây dựng và trưởng thành. Về Tây Giang hôm nay, thăm những ngôi làng mới, thăm cánh đồng Chuôr, nghe đại ngàn trở mình trong âm vang tiếng cồng chiêng mừng những mùa lúa mới, mừng những ấm no…

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG