Trên những ngôi làng mới
Sáu mươi hai mái gươl ở 62 thôn, làng vùng biên
Tây Giang là một trong những địa phương phát huy tốt hiệu quả tính cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Dưới mái gươl
Cùng với bao biến động thăng trầm của thời gian, mái gươl vẫn sừng sững giữa làng như điểm tựa của đồng bào vùng cao Tây Giang. Riêng với Pơr’ning, ngôi làng độc đáo và đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng, gươl như “mảnh hồn làng” gắn kết những người con sống trong làng bản, lưu dấu những câu chuyện, những buồn vui và cả những đổi thay. Còn nhớ, mùa mưa năm 2011, cả làng Pơr’ning rời rẫy, rời “duông” (nhà dựng trên rẫy) để về làng chung sức dựng gươl. Người trẻ lấy gỗ, hái lá cọ hoặc lá cây mây về lợp mái; người lớn đan lá, đẽo cột, đục mộng... Công đoạn khó nhất là điêu khắc những họa tiết được giao cho những già làng đảm nhiệm. Mừng lễ dựng gươl, bản Pơr’ning mở hội, như báo công với trời đất, khẳng định sự tồn tại của làng. Già làng C’lâu Nâm chia sẻ: “Ở Pơr’ning, hay bất cứ ngôi làng nào khác của người Cơ Tu, đã lập làng là phải có gươl, phải có ngôi nhà chung cho làng để hội họp, để mừng công, là biểu tượng của tình đoàn kết”.
“Văn hóa của người Cơ Tu, của vùng cao Tây Giang là văn hóa làng bản, văn hóa cộng đồng. Sức mạnh cộng đồng là sức mạnh lâu bền nhất, vững vàng nhất để từ đó có thể xây dựng, phát triển mà vẫn bảo tồn được bản sắc của dân tộc, bản sắc của làng bản vùng cao. Nói như thế, bởi ở Tây Giang, mái gươl vẫn sừng sững giữa buôn làng, bởi tín ngưỡng cộng đồng đã và sẽ tiếp tục là nội lực dồi dào đưa vùng cao đi lên”. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Briu Liếc |
Suốt hành trình 10 năm tái lập, nhờ phát huy hiệu quả tính cộng đồng, huy động sự chung tay của từng người, của từng làng bản, những đổi thay đáng mừng của vùng biên hôm nay đều in dấu những đóng góp của bà con. Chỉ tính riêng 62 điểm tái định cư trên địa bàn huyện, người dân đã tình nguyện hiến đất, vườn tược, di dời nhà cửa mà không đòi hỏi bồi thường. “Nhờ sự góp sức của cộng đồng, nhờ phát huy được tinh thần ý thức của làng bản mà hàng loạt công tác xây dựng, phát triển địa phương, trong đó có việc tái định cư đạt được nhiều thành quả tích cực. Có thể nói, tính cộng đồng là một trong những nguồn sức mạnh lớn nhất để địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội” - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Bhling Mia nói.
Chung sức xây nông thôn mới
Không chỉ phát huy tính cộng đồng trong việc tái định cư, mở đất lập làng, công tác bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa và xây dựng nông thôn mới tại Tây Giang cũng trở thành một trong những điểm sáng nhờ huy động được sức dân. Tính riêng công tác xây dựng nông thôn mới, người dân toàn huyện đã đóng góp hàng chục tỷ đồng. Đến nay, với sự chung sức của toàn dân xã A Nông đã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trong việc hiến đất, hiến nhà xây dựng khu tái định cư, xây dựng trường học được biểu dương. Trong sản xuất và phát triển kinh tế, bà con cũng chủ động hỗ trợ nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu như trao tặng bò giống ở xã Ga Ry, hỗ trợ nhau phát triển diện tích cây cao su, mô hình ươm trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh ở xã Ch’Ơm.
Ông Alăng Nhắp, tấm gương về việc trao tặng bò giống cho bà con ở thôn Da Ding (xã Ga Ry), chia sẻ: “Đem bò giống cho bà con trong làng là để họ có cái tài sản làm vốn, từ một con thành hai, ba con, rồi sau ni có được đàn bò, đỡ khổ cực hơn”. Ông Hồ Đắc Vinh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Tây Giang cho biết: “Nhờ tinh thần tự giác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nhiều gia đình được tạo điều kiện để nhân rộng đàn gia súc, tăng diện tích canh tác… Song song với đó, nhiều mô hình sản xuất cho cộng đồng như nuôi cá tầm, trồng rau sạch, trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh… đã phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong việc phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu”. Cũng theo ông Vinh, với đặc thù đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới ở vùng cao này. Cộng đồng làng tiếp tục là điểm tựa trong công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa bản địa. Những lễ hội truyền thống được duy trì, những phong tục đẹp được nhân rộng, biểu dương. Song song đó, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua yêu nước được khéo léo lồng ghép, mang lại hiệu quả tích cực.
THÀNH CÔNG