Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới
(QNO) - Ngày 7.8, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc “Tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”; “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Các đồng chí Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh và lãnh đạo 18 huyện, thành phố tham dự hội nghị.
Quang cảnh hội nghị sáng 7.8 |
Phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải khẳng định, trong những năm qua công tác dân vận đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, trong thời gian qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được phát huy tích cực, tổ chức nhiều phong trào quần chúng thiết thực và đạt kết quả tốt như: Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, vận động đồng bào tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo... đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn một số hạn chế: Hiệu quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa cao. Trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận chưa thực sự đồng bộ và rõ nét. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác dân vận, chưa quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí cán bộ làm công tác dân vận. Hoạt động của Mặt trận, đoàn thể các cấp có nhiều nội dung chưa phù hợp với tình hình hiện nay; cách thức tập hợp quần chúng còn nhiều hạn chế; việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả cao. Một số chính sách chậm triển khai, tổ chức thực hiện chưa tốt, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết như việc tái định cư cho nhân dân vùng triển khai dự án thuỷ điện, việc giải quyết chế độ chính sách không đúng quy định, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Đổi mới công tác dân vận
Để làm tốt công tác dân vận trong thời gian đến, cấp cấp ủy đảng phải tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức Đảng; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, phát huy nội lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Vận động, tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đưa Quảng Nam phát triển đạt mức khá ở khu vực miền Trung, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Các đơn vị quân đội luôn làm tốt công tác dân vận, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.. |
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Dung, để tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp các ngành phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận; quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tạo động lực để các tầng lớp nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thường xuyên sâu sát với cơ sở. Các cơ quan nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết, giám sát và kiểm tra việc thực hiện”- bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận, các cấp ủy đảng phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng để công tác dân vận sớm đi vào cuộc sống, có hiệu quả thiết thực. Cả hệ thống chính trị phải xác định công tác vận động và chăm lo lợi ích cho nhân dân là một trong những nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình; có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời góp làm tốt công tác dân vận, gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng Quảng Nam ngày càng phát triển về mọi mặt.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Đồng chí đề nghị các cấp chính quyền cần thay đổi phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Để mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Đặc biệt chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ đảng viên phải là những tấm gương tận tụy trong công việc, gương mẫu trong đạo đức lối sống. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ sách nhiễu, quan liêu, gây phiền hà cho dân. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, đủ trình độ, năng lực để công tác dân vận của Đảng gần dân.
XUÂN NGHĨA