An toàn giao thông đường thủy: Cần chế tài đủ mạnh
UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động của các phương tiện thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ, buộc ngừng hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, UBND các xã, thị trấn liên quan rà soát, kiểm tra các phương tiện thủy nội địa hoạt động trên địa bàn. Có biện pháp kiên quyết buộc ngừng hoạt động các phương tiện và người điều khiển phương tiện không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; không cho phương tiện xuất bến khi trên phương tiện vẫn còn khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Trên thực tế, Thanh tra GTVT không thể túc trực thường xuyên ở các bến. |
Mùa mưa bão đang đến gần, việc UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động của phương tiện thủy nội địa là rất cần thiết. Song, vấn đề mà dư luận đang quan tâm là các bên liên quan sẽ thực thi bằng cách nào, hiệu quả đến đâu? Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 22 bến thuyền được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (chưa kể các bến tự phát). Trong khi đó, lực lượng chức năng - đặc biệt là Thanh tra GTVT không đủ quân số thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở các bến. Do vậy mới xuất hiện tình trạng chủ, người lái phương tiện vừa bị nhắc nhở, xử phạt xong đã vi phạm lại ngay sau khi người thực thi công vụ rút đi. Thế nên, chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc sâu sát thực hiện. Thực tế, nhiều địa phương vẫn thờ ơ với sự an toàn tại các bến đò, thiếu các biện pháp để “thực thi hóa” các chỉ đạo về an toàn giao thông đường thủy trong lúc chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
SÁU CÒI