Mua sắm trước ngày nhập học

CHIÊU THỤC ANH 03/08/2013 13:07

Càng gần đến ngày nhập học, ngoài sách vở, dụng cụ học tập đã được chuẩn bị tương đối sớm, còn khá nhiều thứ cần được các bậc phụ huynh chi tiêu như đồng phục học sinh, xe đạp…

Phong phú đồng phục học sinh

Còn mươi ngày nữa là tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh chính thức bước vào năm học mới. Đây cũng là thời gian cao điểm của tất cả tiệm nhận may đồng phục học sinh để kịp ngày cho khách hàng nhí đến trường. Chị Bùi Thị Bích Nhung (tiệm may Nhung Hà, đường Phan Bội Châu), chia sẻ: “Mấy hôm nay, chị em trong tiệm phải làm việc đến 21, 22  giờ mới nghỉ, đồng thời không nhận hàng nữa nếu khách yêu cầu giao trước ngày 12.8”. Tiệm may của chị Nhung nhận may các loại đồng phục dành cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 (trừ đồng phục áo dài). Giá của một bộ đồng phục cấp tiểu học hiện nay thường dao động từ 200.000 - 240.000 đồng/bộ, cấp THCS từ 250.000 - 280.000 đồng/bộ, đồng phục cấp THPT của nam sinh cũng chỉ nhích hơn 20.000 đồng. Vải may đồng phục cho các em nhỏ cấp tiểu học, THCS và nam sinh cấp THPT thường là các loại vải ka-tê, vải xô... dễ thấm mồ hôi, thoáng mát, có giá khoảng 35.000 đồng/m.

Thị trường xe đạp điện trước năm học mới nhộn nhịp tại các huyện.Ảnh: THỤC ANH
Thị trường xe đạp điện trước năm học mới nhộn nhịp tại các huyện.Ảnh: THỤC ANH

Đồng phục học sinh cấp tiểu học tuy có giá thấp nhất nhưng phụ huynh phải mua sắm số lượng nhiều do các em đang ở độ tuổi hiếu động. Chị Trần Thị Xuân Lan (đường Nguyễn Văn Trỗi, Tân Thạnh) nói: “Con trai tôi năm nay vào lớp 2 trường Nguyễn Văn Trỗi và phải chuẩn bị cho cháu 4 bộ để tiện thay, giặt giũ”. Trường hợp giống chị Lan phải tốn kém tiền may đồng phục cho con nhỏ không phải là hiếm. Tuy nhiên, theo chủ tiệm may Nhung Hà, những người có đời sống và mức thu nhập khá mới đầu tư quần áo đồng phục cho con nhiều như vậy, còn những người có mức sống trung bình chỉ may 2 bộ đồng phục vào mỗi đầu năm học và tận dụng quần áo cũ.

Với nữ sinh cấp THPT, vải may áo dài cũng phong phú không kém. Nếu những năm trước vải áo dài dành cho các em chỉ đơn giản bằng chất liệu gấm, phi thì vài năm trở lại đây còn có lenci, voan, lụa… Theo chủ cửa hàng vải Trang Châu (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ), năm nay các em nữ sinh có xu hướng chọn vải theo hoa văn, chất liệu, chủ yếu là lenci của Thái Tuấn vì thấm hút mồ hôi nhanh, giúp các em thoải mái khi di chuyển. Giá của mỗi bộ vải áo dài học sinh dao động từ 160.000 - 290.000 đồng/bộ.

Xe đạp điện: tăng sức mua vùng lân cận

Bà Bùi Hạnh Thu - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh - Saigon Co.op cho biết, năm nay Saigon Co.op tiếp tục được thành phố giao chuẩn bị nguồn hàng bình ổn đối với 2 nhóm mặt hàng gồm đồng phục học sinh và tập vở. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trên cả nước đều bán đầy đủ các mặt hàng bình ổn phục vụ mùa khai trường của các doanh nghiệp trong chương trình. Cụ thể, đối với đồng phục học sinh, năm nay Saigon Co.op sẽ đưa ra thị trường với lượng hàng dự kiến là 60.000 bộ và tập học sinh là 1,5 triệu quyển. So với năm ngoái, hàng nhãn riêng của Saigon Co.op đối với tập học sinh tăng 27% và đồng phục học sinh tăng 46%.
Đối với xe đạp điện, gần đây đã xuất hiện hàng không chính hãng và phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc. Chất lượng xe đạp điện giả rất kém ở 3 bộ phận quan trọng: ắc quy (hoặc pin), động cơ và bộ điều khiển. Theo đó, cách nhận biết xe đạp điện thật thường dập nổi thương hiệu của nhà sản xuất trên động cơ (ở mayơ bánh sau xe). Những xe giả hiện nay phần lớn không có. Xe thật đều có phiếu tiêu chuẩn chất lượng, trên mỗi dòng ghi các thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất. Người tiêu dùng nên tham khảo các mẫu xe chính hãng thông qua các trang web trước khi đi mua xe.T.B(tổng hợp)

Trên thị trường hiện nay, các thương hiệu xe đạp điện như Asama, Yamaha, Honda, HKBike… với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và màu sắc khác nhau đang được ưa chuộng. Các mẫu xe ngày càng được thiết kế gọn, nhẹ, tiện dụng với chỗ để chân rộng, giỏ đựng đồ phía trước phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Hiện dòng xe đạp điện Honda, Yamaha giá 8,5 đến 11 triệu đồng/chiếc, xe Dragon giá 7,3 - 8,2 triệu đồng/chiếc, Hitasa giá 7,2 triệu đồng/chiếc. Theo chị Nguyễn Thị Ân - chủ cửa hàng bán xe đạp Quốc Ân (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ), xe đạp, xe đạp điện thường tiêu thụ mạnh nhất vào đầu và cuối năm học, riêng năm nay sức mua giảm. Mọi năm, thời điểm gần khai giảng mỗi ngày chị Ân bán 10 chiếc thì năm nay chỉ bán nhiều nhất 3 chiếc. “Thị trường xe đạp, xe đạp điện trên địa bàn TP.Tam Kỳ ế ẩm nhưng các địa phương khác trong tỉnh thì sức mua tăng đáng kể. Đại lý ở các huyện vẫn thường xuyên lấy hàng từ cửa hàng của tôi, do tôi đang phân phối độc quyền các dòng xe đạp, xe đạp điện” - chị Ân cho biết thêm. Cô Nguyễn Thị Liễu - chủ cửa hàng xe đạp, xe đạp điện Liễu tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) cho hay: “Mặc dù giá trị của xe đạp điện tương đối lớn nhưng do Tiên Phước là thị trường mới nên sức mua tốt. Thêm nữa, học trò Tiên Phước thường đi học xa, việc lựa chọn mua xe đạp điện làm phương tiện đi lại cho con tính ra có hiệu quả kinh tế cao hơn. Có xe đạp điện con cái đi học trưa về nhà ăn cơm, quản lý giờ giấc tốt hơn”.

Điều lo ngại của các chủ tiệm xe đạp điện là nếu hàng bán chậm, tồn kho thì các thiết bị, bình ắc quy sẽ nhanh xuống cấp, phải tốn chi phí bảo dưỡng, thay mới. Sức mua xe đạp năm nay cũng rơi vào tình trạng hàng chạy chậm trên toàn tỉnh. Giá của mỗi chiếc xe đạp ở mức giá 1,5 - 1,9 triệu đồng. Bà Trần Thị Thu (chủ tiệm xe Thu, đường Phan Châu Trinh) cho biết: “Mọi năm, thợ lắp ráp xe đạp làm việc không kịp nhưng năm nay gần như ngồi chơi không. Chúng tôi đang trông chờ vào tâm lý khách hàng đợi gần ngày nhập học, mong chờ giá xuống thấp để đến mua xe cho con nhập học”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH