Chắp cánh cho du lịch Đà Nẵng

NGUYỄN THANH BÌNH 03/08/2013 09:03

Hơn 10 năm qua, ngành du lịch TP.Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc, trở  thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhưng đến nay, “thành phố đáng sống” này vẫn đang loay hoay tìm một sản phẩm lưu niệm đặc trưng mang hình bóng của mình.

Được và chưa được

Đà Nẵng là cửa ngõ vào miền Trung và đang là tiêu điểm được giới đầu tư  trong và ngoài nước chú ý. Nằm giữa 3 di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn), Đà Nẵng có ưu thế cho việc đón tiếp, phục vụ, trung chuyển khách du lịch cả miền Trung  và Tây Nguyên. Cả dải  ven  biển từ bán đảo Sơn Trà đến Non Nước (Ngũ Hành Sơn) đã biến thành “Con đường  5 sao” chạy đến Hội An khiến cho hàng triệu du khách thích thú đến đây hằng năm để tắm biển, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cáp treo Bà Nà với 4 kỷ lục thế giới hấp dẫn khách  khắp bốn phương...

Đường hoa xuân Đà Nẵng.                                                                                    Ảnh: THANH BÌNH
Đường hoa xuân Đà Nẵng. Ảnh: THANH BÌNH

Đáng ghi nhận những nỗ lực tích cực của TP.Đà Nẵng trong việc xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tổ chức thành công các sự kiện đặc sắc như cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (6 lần), cuộc thi dù bay quốc tế... Thế nhưng, việc đơn giản nhất là làm ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng của thành phố đến nay  vẫn còn lúng túng.

Nếu như Hội An sản phẩm lưu niệm có đèn lồng và hàng may mặc, Huế có nón bài thơ và áo dài tím, Bến Tre có các sản phẩm chế tác tinh xảo từ dừa... thì Đà Nẵng có sản phẩm gì lưu  niệm cho du khách? Lâu nay, du khách đến Đà Nẵng tham quan cảnh đẹp, ngắm pháo hoa, đi cáp treo Bà Nà, nghỉ dưỡng ven biển... và khi rời đi, họ không có trong tay một vài món hàng lưu niệm của một thành phố “an bình, đáng sống” bên sông Hàn thơ mộng này. Còn nhớ, cuối năm 2012 UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định số 55 về  “Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố”. Và đến nay, đã có 8 đơn vị được thành phố phê duyệt tham gia chương trình. Thế nhưng, trong  hàng trăm sản phẩm của 8 doanh nghiệp được đem ra trưng bày vào tháng 5 vừa qua, có rất ít sản phẩm thực sự mang dấu ấn riêng về Đà  Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố - Phùng Tấn Viết chia sẻ rằng, từ nhiều năm nay ta cứ  nói nhiều về việc tìm đầu ra cho sản phẩm vì thiếu vốn và mặt bằng. Thế nhưng, khi thành phố đã tạo điều kiện về vốn vay và mặt bằng thì ai là người đứng ra làm,  ai là người cung ứng vẫn là một vấn đề  hết sức nan giải. Trong hướng đi mới cho ngành du lịch, doanh nghiệp cần tìm ra những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.

Cáp treo Bà Nà hấp dẫn du khách.
Cáp treo Bà Nà hấp dẫn du khách.

Hướng đi mới

Những con số ấn tượng
Đến nay, Đà Nẵng có 60 dự án đầu tư về du lịch đang triển khai với tổng số vốn hơn 4 tỷ USD; trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD. Hiện có 14 dự án ven biển chất lượng cao đã đưa vào sử dụng như Khu  nghỉ dưỡng InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn hơn 100 triệu USD tại bán đảo Sơn Trà; Khách sạn Furama - đột phá đầu tiên từ năm 1997, biểu tượng của du lịch Đà Nẵng và khu vực miền Trung; Khu Hyatt Regency Danang Resort and Spa diện tích 20ha trên bãi biển Non Nước là khách sạn thứ 2 của Tập đoàn Hyatt  tại Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều khách sạn lớn tại trung tâm TP.Đà Nẵng đi vào hoạt động như Novotel, Mercure, Riverside...
Nếu như năm 2004 Đà Nẵng mới có 90 khách sạn với  2.810 phòng, đến đầu năm 2013 đã có 351 khách sạn với tổng số gần 11.300 phòng; trong đó, có 12 khách sạn 4 - 5 sao (khoảng 3.000 phòng). Năm 2004, thành phố đón 650 nghìn lượt khách thì năm 2013 dự kiến đón 3 triệu lượt khách (trong đó khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế). Tốc độ tăng trưởng thu nhập ngành du lịch trong 10 năm qua là 24% (814 tỷ đồng năm 2004 và năm 2013 dự kiến khoảng 6.500 tỷ đồng). Bên cạnh đó, 14 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đã góp  phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khai thác khách quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng ngày một nhiều hơn. Nếu năm 2004  mới chỉ có 67 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành (trong đó có 42 lữ hành  quốc tế), đến hết quý II - 2013 đã có tới 134 đơn vị (trong đó có 81 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XX đã xác định: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn và là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả nước. Do đó, việc phát triển du lịch Đà Nẵng trước hết phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố và quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, liên kết chặt chẽ với du lịch miền Trung - Tây nguyên và cả nước. Trong đó, phát triển theo 3 hướng chính: du lịch biển, nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo (du lịch MICE).

Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cấp, phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng hình thành sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao mà chỉ Đà Nẵng mới có. “Đà Nẵng có hơn 300 khách sạn hạng từ 1 - 5 sao. Chỉ cần mỗi khách sạn sử dụng một sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ làng đá Non Nước thôi cũng giúp doanh nghiệp quảng bá được sản phẩm, định vị thương hiệu ngay trên sân nhà” - một chủ cơ sở đá Non Nước chia sẻ. Một vấn đề cấp thiết khác là nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng thành trung tâm du lịch của miền Trung - Tây Nguyên giống như vai trò của du lịch TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ. Thành phố cũng cần xem xét việc đưa lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành sự kiện du lịch quốc gia hằng năm, mời thêm các nước trong khu vực ASEAN tham dự. Đồng thời, xây dựng các tổ chức lữ hành thật mạnh, thật hiệu quả, biến Đà Nẵng thành trung tâm phân phối khách du lịch cho cả miền Trung - Tây Nguyên. Đây là một thế mạnh không phải địa phương nào cũng có nhưng tiếc rằng Đà Nẵng chưa phát huy được bao nhiêu. Cùng với biên bản phát triển du lịch đã ký kết giữa 9 tỉnh thành trong vùng duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận), cần cụ thể hóa các hoạt động liên kết dựa trên lợi ích toàn vùng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến với khu vực này.

NGUYỄN THANH BÌNH

NGUYỄN THANH BÌNH