Một nhiệm vụ đặc biệt

LÊ ĐÔNG 03/08/2013 08:18

Nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết điểm xuyết về sứ mệnh của ông đối với sự kiện thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam; đặc biệt là vai trò của ông trong kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ - sau này là Chủ tịch MTDTGP miền Nam.

Trong thời gian họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II), đồng chí Lê Duẩn đã trao đổi với đồng chí Võ Chí Công: “Cách mạng miền Nam cần lập Mặt trận sớm, rộng rãi để tập hợp các tầng lớp nhân dân chống Mỹ. Người đứng đầu Mặt trận phải là người trí thức có tiếng tăm, tiêu biểu nhưng vững vàng”. Đồng thời, ông giới thiệu với đồng chí Võ Chí Công một người: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có văn phòng luật sư ở Sài Gòn, đã từng lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Sài Gòn, nên bị chúng bắt đày đi an trí nhiều năm ở Lai Châu. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh được thả về Sài Gòn. Dưới chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, anh lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất nước nhà và cũng là luật sư bào chữa cho những cán bộ cách mạng trước tòa án của địch. Do đó, bọn Diệm đưa anh Thọ và một số nhân sĩ yêu nước ở Sài Gòn ra quản thúc ở Củng Sơn, Phú Yên”.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, năm 2012.Ảnh: Lê Đông
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, năm 2012.Ảnh: Lê Đông

Trở về khu 5, với cương vị Bí thư Khu ủy, bên cạnh trách nhiệm lãnh đạo nhân dân toàn khu 5 chuyển hướng cách mạng miền Nam theo tinh thần Nghị quyết 15, đồng chí Võ Chí Công còn nhận lãnh một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, khó khăn và phức tạp khác: lãnh đạo việc giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Ba lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Ngày 20.12.1960, MTDTGP miền Nam Việt Nam được thành lập, do đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Tổng Thư ký, chức vụ Chủ tịch Mặt trận vẫn còn trống. Do đó, nhiệm vụ giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ càng trở nên cấp bách. Vì sự nghiệp chung của cách mạng, thực hiện một chiến lược quan trọng của Đảng, trước khi vào nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã  bàn với đồng chí Tư Khiêm, Thường vụ Khu ủy 5 vào làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, bàn kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ với 2 phương án: Một là dùng đặc công và đơn vị bộ binh đánh vào Củng Sơn đưa luật sư Thọ ra. Hai là, bí mật ban đêm thâm nhập giải thoát đưa ra căn cứ của ta. Phương án đưa ra là thế, nhưng để thực hiện, phải trải qua 3 lần mới giải thoát được luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 10.5.1961. Lúc này luật sư đang điều trị ở nhà thương Tuy Hòa. Vấn đề đặt ra là phải tìm được người đáng tin cậy, đồng thời tìm cái cớ đến nhà thương gặp luật sư mà phải làm sao để được ông tin là người của cách mạng. Theo kế hoạch, sau khi bàn và được sự thống nhất của luật sư Thọ, ta cử người đem xe đạp đến nhà thương, sau đó ông sẽ đi xe đạp theo xe của cơ sở đến chùa Núi Cam, ở đó có đặc công, trung đội bảo vệ đưa lên căn cứ Tỉnh ủy Phú Yên. Tuy nhiên trên đường đưa xe đến nhà thương thì bị phát hiện, cơ sở của ta bị địch bắt, kế hoạch giải thoát thất bại.

Lần thứ hai, nhân lúc đi vào Trung ương Cục, đồng chí Võ Chí Công ghé vào Phú Yên để bàn chỉ đạo và thống nhất phương án giải thoát luật sư Thọ. Để giúp Tỉnh ủy Phú Yên, Khu ủy 5 sẽ chi viện một số cán bộ đặc công, quân báo và bộ đội, thành lập đơn vị đặc nhiệm để thực hiện kế hoạch, với tên gọi “kế hoạch anh Thọ”. Phương án đưa ra là dùng lực lượng quân sự tập kích bất ngờ vào chi khu quân sự Củng Sơn, làm chủ quận lỵ, đưa luật sư ra ngoài. Đêm 19.6.1961, ta tiến công làm chủ quận lỵ, một tổ đặc công theo chân cơ sở đến nơi ở đưa luật sư đi, thì xuất hiện tình huống bất ngờ: vào lúc 18 giờ chiều, địch đã đưa luật sư về Tuy Hòa.

Lần thứ ba, vào tối 30.10.1961, lúc này luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang ở Tuy Hòa. Theo kế hoạch, ông sẽ đi xe đạp ra mộ bà Du Ký, ở đó có một đơn vị đặc công chờ đón. Lần này kế hoạch đơn giản nhưng đạt kết quả, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát và đưa về căn cứ an toàn. Việc giải thoát thành công luật sư Nguyễn Hữu Thọ có ý nghĩa lịch sử, thể hiện sự chỉ đạo quyết đoán, nhạy bén của Khu ủy 5, Tỉnh ủy Phú Yên, trong đó có vai trò của đồng chí Võ Chí Công. Từ đây, Mặt trận có được người lãnh đạo đầy tài năng, đức độ, đủ sức nhận lấy ngọn cờ hiệu triệu nhân dân thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Bước ngoặt của cách mạng miền Nam

Từ ngày 16.2 đến 3.3.1962, tại vùng Kà Tum, Tây Ninh, Đại hội MTDTGP miền Nam lần thứ nhất được tổ chức với sự có mặt của đông đảo đại biểu đại diện cho các chính đảng, đoàn thể, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo… Đại hội chủ trương “Đoàn kết rộng rãi tất cả các dân tộc, các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các tôn giáo và tất cả những cá nhân yêu nước, không phân biệt chủng tộc, chính kiến… điều cốt yếu là tán thành chống Mỹ và tay sai”. Đại hội đã bầu Ủy viên Trung ương MTDTGP miền Nam chính thức gồm 52 người, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, đồng chí Võ Chí Công là một trong 5 Phó Chủ tịch.

Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp, có tiếng vang trong cả nước và trên thế giới, là bước ngoặt lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ vẻ vang của MTDTGP miền Nam đã tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam hăng hái chiến đấu đưa sự nghiệp chống Mỹ lên bước phát triển mới, làm thất bại các âm mưu chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Về đồng chí Võ Chí Công, với cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam phụ trách công tác Mặt trận, đồng thời là Phó Chủ tịch MTDTGP miền Nam, ông đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần củng cố, tăng cường Mặt trận. Đồng chí đã nhiều lần xuống các tỉnh Nam Bộ nghiên cứu, nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thái độ của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội để đề ra chủ trương đúng đắn. Trước tình hình cách mạng khu 5 gặp nhiều khó khăn, tháng 4.1964, đồng chí Võ Chí Công được điều về làm Bí thư Khu ủy 5, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng khu 5 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

LÊ ĐÔNG

LÊ ĐÔNG