Mất mùa măng rừng

LĂNG A CÚI 02/08/2013 08:55

Hằng năm, vào khoảng tháng Bảy dương lịch là mùa măng rừng. Mùa măng không chỉ giúp đồng bào cải thiện được bữa ăn gia đình mà còn là nguồn thu nhập đáng kể thế nhưng, năm nay đồng bào vùng cao mất mùa măng rừng.

Trẻ em hái măng rừng. Ảnh: A.CÚI
Trẻ em hái măng rừng. Ảnh: A.CÚI

Lúc nhỏ, tôi là một trong số những đứa trẻ kiếm măng rừng thuộc hạng nhất, nhì làng. Ngày ấy, măng tre còn nhiều. Những đứa trẻ như tôi thường rủ nhau “chui rúc” dưới những bụi tre để bẻ măng. Bụi tre rậm nên thường có những búp măng to nõn. Ngoại trừ măng nứa, tôi còn hái cả măng tre gai - một loại tre to bằng lồ ô, bụi rất rậm và có nhiều gai. Điểm đặc biệt ở loại măng tre này là nhiều búp măng được tìm thấy khi mới bắt đầu nhú đọt khỏi mặt đất và bắt buộc phải đào măng lên như củ mài. Mỗi bữa ăn, chỉ cần từ 1 - 2 búp măng đủ để cả nhà ăn… ngán.

Nhiều trẻ vùng cao, gắn tuổi thơ với mùa măng rừng như một kỷ niệm đẹp. Những năm gần đây, tranh thủ ngày hè, nhiều trẻ em vùng cao lại rủ nhau vào rừng, lặn lội theo các nguồn nước để tìm hái măng. Những chiếc gùi được các em đựng đầy măng tươi, cõng về nhà làm thức ăn, biếu người thân, hàng xóm. Thỉnh thoảng, trẻ em bẻ măng để bán, kiếm vài đồng tiền góp mua gạo, mắm, muối,… giúp đỡ gia đình. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng nhiều em cảm thấy vui vì giúp được phần nào cho bố mẹ. Mùa măng thường kéo dài và “rơi” vào thời điểm 3 tháng hè nên thường được ví như “mùa mưu sinh” của trẻ em vùng cao. Ở nhiều vùng, các em nhỏ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng tiền dành dụm từ việc đi bẻ măng rừng. Do vậy, đến ngày khai trường, nhiều em có thể tự sắm sửa áo quần, sách vở.

Tre nứa theo chuyến xe về xuôi.
Tre nứa theo chuyến xe về xuôi.

Trước đây dọc vùng sông Kôn được xem như “thủ phủ” măng rừng của huyện miền núi Đông Giang. Đến mùa, hầu như ngày nào người dân cũng rủ nhau vào rừng hái măng làm thức ăn gia đình và bán cho các tiểu thương kiếm thêm thu nhập. Mùa măng, mỗi ngày, một cặp vợ chồng cũng kiếm từ 50 - 100 nghìn đồng để trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng nay thì đã khác. Dù là mùa măng nhưng đồng bào ít được “sống cùng măng rừng” như trước đây nữa. Một bữa cơm, có canh măng dọn ra cũng là dịp hiếm. Đi dọc tuyến tỉnh lộ ĐT604 qua các bản làng vùng cao, chuyện mua bán măng đã không diễn ra như trước. Một người dân cho biết “măng không còn lấy chi mà mua với bán”.

Anh A Lăng Beo, cán bộ xã Sông Kôn (Đông Giang) cho biết, vài năm trở lại đây, người dân vùng cao khai thác tre nước khá thường xuyên, rầm rộ. Có thời điểm, mỗi ngày người dân nhập hàng chục tấn nứa cho các tiểu thương, khiến cây nứa khan hiếm dần. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng măng rừng mất mùa vào thời điểm này. “Cũng vì lợi ích trước mắt của cuộc sống mưu sinh thôi!” - anh Beo thở dài.

Theo anh Beo, trước đây người dân chỉ chặt những cây nứa nhỏ thành từng khúc 80cm để làm cán chổi. Nhưng sau đó, một vài tiểu thương lên các thôn, hợp đồng thu mua ào ạt cả cây nứa dài 5 - 7m, chuyển về xuôi. Thậm chí những cây nứa gần “khu rừng ma” (nghĩa địa làng), dù trước đây cấm kỵ nay cũng bị phá tan. Ngoài ra, tình trạng phá rừng nứa làm rẫy trồng keo cũng “góp phần” làm cho cây nứa mất dần. “Giờ thì rất khó kiếm được cây nứa to, đẹp về làm nhà như trước đây” - anh Beo nói.

Măng rừng không còn, người dân vùng cao thiếu một nguồn thu nhập theo thời vụ.

LĂNG A CÚI

LĂNG A CÚI