Trăn trở Phước Lộc
Mạng lưới điện chưa về tới thôn bản, hạ tầng giao thông trắc trở… khiến công tác giảm nghèo tại xã Phước Lộc (Phước Sơn) gặp nhiều thử thách.
Một góc xã Phước Lộc.. |
Cơn mưa dông sớm khiến con đường lởm chởm đá dẫn vào nơi xa nhất của huyện Phước Sơn càng thêm ngái mùi đất đỏ. Tại thôn 5B, bà con xúm tụ đông đúc, trầm trồ nhìn lứa heo gồm 5 con của nhà chị Hồ Thị Khen (31 tuổi) đang được bán xuất chuồng. Chị Khen cho biết giá heo ở đây được tính 50 nghìn đồng/cân hơi. Nhẩm tính, chị bỏ túi trên 10 triệu đồng. Thời gian qua, cán bộ xã Phước Lộc thường xuyên cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ vào tận thôn bản để tuyên truyền, phổ biến các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế cho đồng bào. Ông Hồ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, do trình độ nhận thức của người dân còn thấp nên việc tuyên truyền những tiến bộ khoa học - kỹ thuật có những khó khăn nhất định. “Do người dân sống bằng tập quán đi rừng, đi rẫy từ lâu đời nên lạ lẫm với cách chăn nuôi theo chuồng trại. Cạnh đó, mặc dù địa phương mở rộng nhiều diện tích trồng lúa nước nhưng do thời tiết, sâu bệnh triền miên nên vụ mùa thường xuyên thất thu” - ông Hùng chia sẻ.
Được tách ra từ xã Phước Thành năm 2002, những năm qua xã Phước Lộc nhận được nhiều sự ưu đãi của Nhà nước để giúp đồng bào ổn định sinh kế. Thế nhưng, sự yếu kém về giao thông cũng như hệ thống điện đã làm cản trở sự phát triển của địa phương. Toàn xã có 165 hộ với gần 800 nhân khẩu, đa số là đồng bào Bhnoong. Theo thống kê mới nhất của xã, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 90%. |
Trước đây, duy nhất con đường đất dẫn vào xã trở thành nỗi ám ảnh đối với lữ khách cũng như dân bản địa. Nay, tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức vào Phước Lộc có nhiều đoạn rải nhựa hoặc đang thi công. Địa phương đang kỳ vọng về sự hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy quá trình giao lưu, giao thương, từng bước giúp dân xóa bỏ tập tục tự cung tự cấp.
Nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng, nhà tập thể xã Phước Lộc ánh điện chập chờn lúc tỏ lúc mờ chạy bằng tuabin khiến bữa cơm tối của cán bộ vùng cao nhiều lúc bị “gián đoạn”. Ông Nguyễn Thành Long - cán bộ địa chính xã về cắm bản ngót 10 năm nay, cho biết từ khi lên công tác ở vùng cao này, nhu cầu về thông tin là điều mà anh luôn trăn trở. Tại phòng khách nhà tập thể, chiếc ti vi 32inch bị “đắp chiếu” hơn một tháng nay. Từ khi có máy nổ, qua 2 “đời” ti vi, nhưng chiếc nào cũng chỉ xem được vài tháng là bị cháy bởi dông sét. Ông Long tâm sự: “Hồi mấy chiếc ti vi này còn dùng được, cứ đúng 19 giờ là anh chị em tập trung để xem thời sự, tin tức. Xem xong chương trình thời sự thì tắt ngay vì không đủ xăng dầu để phát máy nổ. Còn báo in lên xã 2 lần/tuần, nhiều khi báo đến nơi thì thông tin đã… nguội ngắt” - ông Long nói thêm,.
Việc không có điện đã chi phối đáng kể đến công tác quản lý, chỉ đạo của chính quyền xã. Cứ mỗi dịp cuối tuần, ông Hồ Văn Hùng thường xuyên vượt hơn 50 cây số xuống thị trấn Khâm Đức để làm việc. Xã thuê một căn nhà nhỏ số 69, đường Hồ Chí Minh để đặt máy tính, máy in, máy photo. Ngày nghỉ, nhưng có cả núi công việc đang chờ vị chủ tịch này xử lý, hoàn thành. Xong việc, ông rời “văn phòng đại diện” lên lại xã để bắt đầu một tuần mới. “Ở thôn 6 của xã nhưng nhiều khi vài ba tháng tôi mới về thăm nhà một lần. Địa phương còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn đường sá được thông suốt, điện đài sớm về với thôn bản” - ông Hùng bộc bạch.
PHẠM VĂN HÀO