Vùng B Đại Lộc: Nhiều nơi thiếu nước sạch sinh hoạt

TRIÊU NHAN 02/08/2013 07:59

Tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch đã trở nên nghiêm trọng tại một số khu dân cư ở vùng B huyện Đại Lộc. Trong khi đó, nhiều công trình cấp nước tập trung tại đây lại không phát huy hiệu quả.

Nhiều hộ dân thôn Quảng Huệ (Đại Minh) tuy được sử dụng nguồn nước máy dẫn về từ xã Đại Thắng, nhưng trữ lượng nước luôn thiếu hụt vào thời điểm nắng hạn. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nhiều hộ dân thôn Quảng Huệ (Đại Minh) tuy được sử dụng nguồn nước máy dẫn về từ xã Đại Thắng, nhưng trữ lượng nước luôn thiếu hụt vào thời điểm nắng hạn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Thiếu nước sạch

Tại xã Đại Minh, đặc biệt là thôn Tây Gia, tình hình đã trở nên báo động. Toàn thôn có 420 hộ dân thì 1/3 trong số đó thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt lẫn nước uống bởi nguồn nước mặt và nước ngầm tại khu vực này bị suy kiệt và ô nhiễm. Hơn 100 hộ dân đội 13 của thôn Tây Gia gần như điêu đứng khi toàn bộ giếng đào, giếng đóng đều bị nhiễm phèn vàng, phèn đỏ hay phèn vôi và có mùi tanh hôi, không thể dùng để sinh hoạt. Ông Nguyễn Nhượng – người dân sống tại đội 13 (thôn Tây Gia) cho biết: “Nơi này ai cũng đóng giếng nhưng chỉ để dội nhà, rửa chuồng phục vụ chăn nuôi chứ đâu ai tắm rửa hay ăn uống. Cái bàu (bàu Gia Cốc) rộng lớn chạy qua làng, giáp với Đại Thắng đã bị ô nhiễm nặng do nước tù đọng, trở thành chỗ người ta vứt súc vật chết, rác thải, nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường sống và nguồn nước. Gần đây, đội 13 có tới 5 trường hợp bị bệnh ung thư khiến người dân rất hoang mang. Đời sống khó khăn nhưng nhà nào cũng bấm bụng mua nước bình về dùng”. Ông Phan Khôi - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tây Gia cho biết: “Thôn Tây Gia có 3 đội, ở đội 15 và 16 tình hình nguồn nước có đỡ hơn, chỉ riêng hơn 100 hộ dân đội 13 là khổ sở vì thiếu nước. Mới đây, địa phương đã họp dân để triển khai công trình nước sạch chủ yếu phục vụ đội 13 và khu vực trung tâm chợ Tây Gia nhưng rồi không thấy động tĩnh gì”.

Kêu gọi đầu tư công trình từ nguồn nước hồ Khe Tân

Theo ông Mẫn, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều công trình bị hỏng hóc, không vận hành được là do khâu quan trắc nguồn nước của các chủ đầu tư chưa đảm bảo hoặc có khi lúc đầu quan trắc thấy ổn nhưng về sau do sự biến động, nguồn nước lại không đảm bảo về mặt chất lượng lẫn trữ lượng. Nguyên nhân chủ quan là khâu quản lý, vận hành của các địa phương quá yếu kém. Tình trạng “cha chung không ai khóc” đã khiến cho nhiều công trình bị hỏng hóc, xuống cấp, phải bỏ hoang. “Huyện đã làm việc với chủ đầu tư dự án W7, theo phác thảo, dự án này sẽ dùng nguồn nước Khe Tân lọc và cung cấp cho 7 xã vùng B. Hiện dự án đang trong quá trình khảo sát, đánh giá nguồn nước. Phòng NN&PTNT có chủ trương hạn chế việc nuôi thủy sản trong lòng hồ để đảm bảo nguồn nước và xúc tiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tuy nhiên tất cả phụ thuộc vào chủ đầu tư” - ông Mẫn nói.

Như Tây Gia, thôn Quảng Huệ nằm sát bàu Gia Cốc từng là “điểm nóng” về khan hiếm nước khi toàn bộ nguồn nước giếng trong thôn bị nhiễm phèn rất nặng, đục ngầu và cạn kiệt. Gần đây, người dân Quảng Huệ đã tự đóng góp công sức, tiền của xây dựng, đấu nối đường ống dẫn nước sạch từ đài nước của xã Đại Thắng dẫn về thôn nên nỗi nhọc nhằn vì thiếu nước sạch đã bớt đi. Tuy nhiên, mỗi đợt khô hạn, nguồn nước máy không đảm bảo nhu cầu, lúc có lúc không và nhiều hộ cũng phải trở lại cảnh quảy thùng đi gánh nước. “Nắng gắt, nước máy không đủ dùng, nhiều người phải đi gánh nước rất cực khổ. Nhà nào cũng có giếng nhưng hiện chỉ có mỗi cái giếng làng là còn sử dụng được. Dân chúng tôi rất mong có đủ nước sạch để dùng” - bà Lương Thị Ba (thôn Quảng Huệ) nói. Đáng nói, trong khi người dân khu vực này đang gánh chịu hậu quả thiếu hụt nguồn nước sạch thì công trình cấp nước sạch Quảng Huệ do UBND xã Đại Minh làm chủ đầu tư nhiều năm nay trong tình trạng “đắp chiếu”.

Bỏ hoang công trình nước sạch

Không chỉ riêng xã Đại Minh, nhiều người dân tại các địa phương của xã Đại Chánh cũng bức bối vì chuyện thiếu nước sạch. Ông Nguyễn Hùng Nô - Trưởng thôn Tập Phước (xã Đại Chánh) nói: “Hầu như giếng nào cũng bị nhiễm phèn, sắt rất nặng. Chưa kể, nhiều hộ phải khoan sâu tới 50 - 60m mới có nước nhưng lại bị nhiễm tạp chất”. Nước sạch cũng là vấn đề bức thiết tại thôn Thạnh Trung nhiều năm nay. Ông Lê Khắc Tám - Trưởng thôn Thạnh Trung xác nhận, một số cụm hộ tại thôn đào giếng không có nước hoặc giếng bị cạn vào mùa khô là có thật. Tuy nhiên, điều khiến người dân Tập Phước và Thạnh Trung bức xúc là 2 công trình cấp nước có giá trị hơn 700 triệu đồng với công suất phục vụ cho gần 500 hộ dân của 2 thôn này từ khi vận hành thử lần đầu tiên năm 2005 tới nay bị bỏ hoang.

Tình hình cấp nước sạch tại Đại Tân cũng không khá hơn. Hai đài nước do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ được xây dựng từ năm 2006 tại 2 thôn Nam Phước và Xuân Tây hiện đã “đắp chiếu”. Trong khi đó, đài nước tại thôn Trà Đức có công suất cấp nước cho gần 90 hộ dân được xây dựng từ năm 2004, do Phòng NN&PTNT huyện làm chủ đầu tư cũng chịu chung số phận như công trình tại thôn Xuân Tây và Nam Phước. Chỉ riêng địa bàn xã Đại Thạnh có đến 3 công trình cấp nước do tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ từ giai đoạn 2001-2005 đã bị hư hỏng, không sử dụng được. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, trên địa bàn 7 xã vùng B của huyện có tổng cộng 13 công trình cấp nước sạch, nhưng hiện chỉ có 4 công trình hoạt động có hiệu quả thuộc xã Đại Phong, Đại Thắng và Đại Cường; 9 công trình còn lại thuộc các xã Đại Minh, Đại Thạnh, Đại Chánh và Đại Tân không hoạt động. Các công trình này được xây dựng từ nhiều nguồn: từ nguồn hỗ trợ của tổ chức Đông Tây hội ngộ, Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT huyện và từ nguồn vốn đối ứng của địa phương.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN