Trung Quốc ứng phó với thảm họa môi trường
Chính phủ Trung Quốc vừa quyết định chi 300 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 500 tỷ USD) để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước tại các thành phố của quốc gia này.
Là nơi sản xuất cũng như tiêu thụ than lớn nhất thế giới, mỗi năm Trung Quốc sử dụng khoảng 3,8 tỷ tấn than, gần bằng số lượng cả thế giới cộng lại. Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, số tiền 500 tỷ USD sẽ chủ yếu được dùng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm do quá trình tiêu thụ than trong các ngành công nghiệp gây ra ở các khu vực thành thị. Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, lượng hạt bụi PM2.5 thường vượt quá mức giới hạn mà tổ chức Y tế Thế giới cho phép.
Ngành khai thác than đá tại Trung Quốc đang gây suy thoái môi trường nghiêm trọng.Ảnh: Richardheinberg |
Theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, lượng tiêu thụ than lớn đã dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như số lao động trong ngành than chiếm tỷ lệ lớn dù điều kiện làm việc không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động, nguy cơ gây tử vong cao. Thêm vào đó, quá trình sản xuất và tiêu thụ than tác động xấu đến môi trường sống. Tình trạng này ở các thành phố lớn đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối và gây nhiều bức xúc trong xã hội Trung Quốc. Từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm cả việc cấm các quan chức sử dụng ô tô riêng trong thành phố.
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc trong tháng 7 này đã công bố báo cáo cho biết, khoảng 1/4 lãnh thổ với 600 triệu người ở 74 thành phố nước này bị ảnh hưởng bởi bụi mù. Báo cáo chỉ ra bụi mù có 3 đặc điểm chính: phạm vi rộng, thời gian kéo dài và nồng độ gây ô nhiễm cao. Trong khi đó, một báo cáo của các nhà khoa học đa quốc gia cho rằng, tình hình ô nhiễm không khí ở miền bắc Trung Quốc trong việc đốt than để sưởi ấm khiến tuổi thọ trung bình của người dân tại đây giảm 5,5 năm so với miền nam. Theo hồ sơ bệnh án, khác biệt trên là do các bệnh liên quan tới tim và phổi. Thậm chí, các đám mây bụi ô nhiễm dày đặc tràn xuống các thành phố phía Bắc trong đầu năm nay có chứa nhiều chất độc hóa học gây chết người như từng xuất hiện trong những vụ mây mù ô nhiễm nổi tiếng thế giới như tại London (Anh) năm 1952 cũng đã khiến gần 12 nghìn người chết. Bộ Môi trường Trung Quốc khẳng định, hơn 80% diện tích mặt nước tại khu vực biển Hoa Đông gần tỉnh Chiết Giang bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp từ các dòng sông đổ ra khiến ngư dân điêu đứng bởi hải sản hầu như biến mất. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết rằng sẽ nỗ lực kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường và những biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân sẽ được cải thiện. Thế nhưng họ vẫn đang lo ngại về những hành động này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế…
NAM VIỆT (tổng hợp)