Đất nghèo chuyển mình

HÀN GIANG - HOÀNG THỌ 31/07/2013 08:24

Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nhưng đến nay, sau 10 năm tái lập, vùng đất Nam Trà My đã thay da đổi thịt. Đây là thành quả từ tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My.

Cơ sở hạ tầng của huyện Nam Trà My được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cơ sở hạ tầng của huyện Nam Trà My được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đón thời cơ

Sau ngày tái lập, khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới Nam Trà My đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi, điều kiện lịch sử của vùng đất, địa hình chia cắt cách trở, xuất phát điểm kinh tế - xã hội quá thấp, tư liệu sản xuất yếu kém, hạ tầng nghèo nàn. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đến 97% dân số, đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp… Thực trạng trên đã được lãnh đạo huyện Nam Trà My nhìn nhận, đánh giá cụ thể, nghiêm túc, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.

Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của huyện Nam Trà My tăng gần 2,5 lần (từ 1,6 triệu đồng năm 2003 lên 4,6 triệu đồng năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 5%; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 97%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 27%... Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng với 60 công trình nước sinh hoạt tập trung, 9/10 xã đã có đường ô tô, 10/10 xã có trạm y tế…

Là một trong 62 địa phương đặc biệt khó khăn của cả nước, từ năm 2009 đến nay, huyện Nam Trà My được nhận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng theo Chương trình 30a của Chính phủ. Với nguồn lực hỗ trợ này, Nam Trà My có thêm điều kiện để định hình một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tích cực, hiệu quả và bền vững hơn. Theo đó, đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2009 - 2020 đã được xây dựng và phê duyệt, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện trước đó. Ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Với những điều kiện thuận lợi nhất định như vậy, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã không ngừng phấn đấu để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển đã đặt ra. Trong đó, chúng tôi xác định, muốn đưa kinh tế phát triển, xóa được đói, giảm được nghèo, phải tập trung tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của địa phương”.

Chuyển mình...

Sau 10 năm không ngừng nỗ lực, kiên trì với các định hướng, mục tiêu phát triển đã vạch ra, xứ núi Nam Trà My đã khoác lên mình một diện mạo mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện là 15%. Cơ cấu kinh tế trong thời gian qua từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (với mức tăng từ 16,5% năm 2003 lên 36,94% năm 2012). Sản xuất nông - lâm nghiệp có bước phát triển về chất lượng, gắn với công tác định canh - định cư và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng các cây công nghiệp, có giá trị kinh tế cao như quế, sâm Ngọc Linh, cây keo, cây chuối, bời lời đỏ, mây, dó bầu… Đồng bào Nam Trà My đã chú trọng đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình với các con vật nuôi có nguồn gốc bản địa, có giá trị thương phẩm cao như mô hình nuôi nhím, dúi, heo đen… Ông Nguyễn Văn Tư (thôn 1, xã Trà Mai) cho biết: “Sau thời gian nuôi thí điểm, gia đình tôi đã nắm bắt được kinh nghiệm nuôi dúi thương phẩm tại nhà. Hiện nay, đàn dúi hơn 10 con của tôi đang trong thời kỳ sinh sản. Nuôi con dúi không khó, lại tận dụng được các loại thức ăn là phế phẩm của nông nghiệp nên không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều. Giá bán con dúi lại cao với hơn 250 nghìn đồng/kg, rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, con dúi là một trong những hướng thoát nghèo của người dân trong vùng”.

Công tác xóa nhà ở tạm bợ luôn được chính quyền Nam Trà My quan tâm. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Công tác xóa nhà ở tạm bợ luôn được chính quyền Nam Trà My quan tâm. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, có công với cách mạng luôn được huyện Nam Trà My chú trọng thực hiện. Hàng chục căn nhà tình nghĩa đã được hỗ trợ xây dựng, giải quyết kịp thời nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn. Gần đây nhất phải kể đến là sự hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa cho hộ ông Trần Văn Mố (76 tuổi, thôn 1, xã Trà Mai). Trước nhu cầu về nhà ở của hộ ông Mố, chính quyền 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My đã chung tay hỗ trợ 100 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, gia đình ông góp thêm 32 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang, góp phần ổn định cuộc sống. “Có căn nhà mới khang trang để ở già rất vui, không còn phải lo mưa dột gió lùa nữa. Già không biết nói sao cho tỏ hết lòng mình đối với tình cảm, sự quan tâm mà chính quyền 2 huyện đã dành cho”- ông Mố tâm tình.

HÀN GIANG - HOÀNG THỌ

HÀN GIANG - HOÀNG THỌ