Gặp gỡ Việt Nam
Từ ngày 28.7 - 17.8, tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” với hàng loạt cuộc hội nghị khoa học, lớp học chuyên đề và các hội thảo, tập huấn nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học, phát triển giáo dục và nâng cao kiến thức khoa học ở Việt Nam.
Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) lần thứ nhất được tổ chức cách đây đúng 20 năm, tức vào năm 1993 đã thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, trong đó có GS J. Steinberger - người đoạt Giải thưởng Nobel (quốc tịch Mỹ) để thông báo và tranh luận về những kết quả mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt nhân và vật lý thiên văn. Ngoài hoạt động khoa học, “Gặp gỡ Việt Nam” còn chú trọng đến việc giáo dục, đào tạo tài năng cho Việt Nam. Với chủ đề “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”, hội nghị lần này sẽ nhìn lạị những kết quả mới nhất về vật lý hạt, vật lý thiên văn và vũ trụ học. Trong đó, có 4 hội nghị quốc tế quan trọng gồm: Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý nanô: từ cơ bản đến ứng dụng; “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Bên cạnh đó là hai lớp học chuyên đề: lớp Vật lý Việt Nam lần thứ 19 (Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán) và lớp Vật lý thiên văn lần thứ nhất với chủ đề Vật lý thiên văn và vũ trụ học.
Giáo sư Sheldon Lee Glashow, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979. |
Đại biểu tham dự “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” còn có các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, như GS.Sheldon Lee Glashow đến từ trường Đại học Boston (Mỹ). Ông là nhà vật lý lý thuyết đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu. GS. Klaus Von Klitzing là nhà Vật lý nổi tiếng người Đức (gốc Ba Lan) với công trình phát hiện hiệu ứng Hall lượng tử, đã đem đến giải Nobel Vật lý cho ông vào năm 1985. Hay GS. Jack Steinberger người Mỹ gốc Đức, đến từ Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu ở Geneva (Thụy Sĩ), đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1988 với phương pháp chùm neu-trino và chứng minh của ông về cấu trúc bộ đôi của các lepton thông qua phát minh neutrino muon. GS. David Gross, nhà vật lý người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004 với “khám phá hiện tượng cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh”. GS George Smoot người Mỹ về vật lý thiên văn và vũ trụ học. Năm 2006, ông đoạt giải Nobel Vật lý cho những nghiên cứu với COBE cùng với John Mather khám phá làm cho việc đo lường lỗ đen và bức xạ vũ trụ trở nên khả thi và chính xác hơn. Ngoài ra, trong danh sách khách mời danh dự còn có nhà bác học Rolf Heuer - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu và GS. Ngô Bảo Châu…
“Gặp gỡ Việt Nam” do Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam của GS. Trần Thanh Vân (Chủ tịch hội) tổ chức. Ông cho biết “Gặp gỡ Việt Nam” lần này là một trong những hoạt động góp phần kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt - Pháp; đánh dấu 20 năm kể từ ngày diễn ra hội thảo khoa học vật lý quốc tế lần thứ nhất do hội khởi xướng. Trong đó, “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” được chờ đợi như là sự kiện lớn nhất của chuỗi “gặp gỡ” nhân sự ra đời của Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành mà GS. Trần Thanh Vân từng ấp ủ như một mục tiêu lớn nhất của ông vào những năm cuối đời (năm nay ông 77 tuổi). GS. Trần Thanh Vân cũng cho biết, đây là cơ hội tốt để giao lưu giữa khoa học vật lý Việt Nam và vật lý quốc tế, tìm kiếm sự hỗ trợ, giới thiệu nền khoa học Việt Nam ra quốc tế.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)