Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Tăng nhanh số người sử dụng internet

QUỐC HƯNG 29/07/2013 09:23

Theo bản phúc trình mới nhất của tổ chức chuyên đo lường về truyền thông trực tuyến Comscore thì lượng người sử dụng internet tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh hơn so với các nơi khác trên thế giới. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức tăng số người sử dụng dịch vụ phổ biến này.

Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về sức tăng số người sử dụng internet.
Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về sức tăng số người sử dụng internet.

Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40% số người dùng internet trên toàn cầu với gần 650 triệu người. Trong đó Trung Quốc chiếm 55,2% tổng số người dùng trong khu vực, Nhật Bản chiếm 12,2%. Đáng chú ý là tại Việt Nam, trung bình mỗi người dùng vào internet 26,2 giờ mỗi tháng, và có tới 74% trong số này ở độ tuổi dưới 35. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng người dùng internet đông đảo nhất trong khối Đông Nam Á với mức tăng 2 triệu người dùng trong năm 2012, tương đương mức tăng 14%.

Sự bùng nổ công nghệ thông tin cho phép sử dụng nhiều thiết bị khác nhau để vào mạng và được khai thác ở từng thời điểm khác nhau trong ngày. Theo thống kê, máy tính bàn được dùng chủ yếu trong giờ làm việc, trong lúc các thiết bị di động như điện thoại cầm tay hay máy tính bảng lại được dùng để truy cập internet vào buổi tối. Mức độ sử dụng máy tính bàn để vào các mạng xã hội ở Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 19,7% ở các vùng khác trên thế giới. Trong số các mạng xã hội, Facebook tiếp tục chiếm ngôi vị số một tại thị trường Đông Nam Á, trong khi đó Twitter, LinkedIn và Tumblr cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. YouTube là trang web giải trí hàng đầu tại các thị trường ở Đông Nam Á. Còn trong lĩnh vực bán lẻ, Amazon và Lazada chiếm ưu thế so với các trang khác trong khu vực. Bản phúc trình Comscore cũng cho thấy người dùng từ Việt Nam thường dành nhiều thời gian cho việc xem tin tức, thời sự.

Sau 20 năm ra đời, internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, tại Việt Nam, sự ra đời của dịch vụ truy cập internet qua mạng 3G vào tháng 10.2009 đã đánh dấu thời kỳ phát triển của internet băng rộng vô tuyến, số lượng người dùng sau 3 năm (tính đến tháng 7.2012) đã lên tới 16 triệu, chiếm 18% dân số. Liên minh Viễn thông quốc tế  đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tăng cường truy cập internet di động cũng sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế, như tác động của các kết nối dữ liệu di động 3G nhanh hơn so với các kết nối 2G. Theo nghiên cứu được nhóm thương mại di động của Hiệp hội di động GSM, Deloitte và Cisco tiến hành, khi một thị trường đạt sự chuyển đổi 10% từ 2G lên 3G, GDP trên tăng trưởng theo đầu người tăng trung bình 0,15%. Các nước có mức độ sử dụng dữ liệu trên mỗi kết nối 3G cao hơn như Nga, Hàn Quốc và Anh đã cho thấy GDP tăng trên tăng trưởng theo đầu người ít nhất là 1%.

Hiện toàn cầu có hơn 1 tỷ thuê bao điện thoại di động 3G, chiếm 18% số người sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng internet tại nhà gia tăng trên toàn thế giới chủ yếu là do sự phát triển kinh tế, những lợi ích mà mạng toàn cầu này có thể giúp thúc đẩy nền giáo dục của giới trẻ, năng suất của người lao động và sự tham gia của người dân vào xã hội…

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG