Định hình sản phẩm du lịch
Festival Di sản Quảng Nam 2013 đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm du lịch mới. Biên độ du lịch được mở rộng từ biển lên rừng, nhưng việc định hình sản phẩm du lịch mới mẻ này trong mắt du khách vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Mở rộng không gian và định hình sản phẩm
Hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân 30% mỗi năm là một con số ấn tượng. Cơ quan quản lý thừa nhận rằng lượng khách đến đó vẫn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn hoặc đẩy áp lực bảo tồn lên di sản. Hội An hay cả Quảng Nam trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương có di sản học tập việc gắn kết mật thiết giữa bảo tồn và du lịch. Sự phát triển trong hiện tại vẫn chưa đến mức độ báo động hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và làm lệch các giá trị văn hóa… Tuy nhiên, các nhà kinh tế du lịch vẫn không thể giấu được nỗi lo sợ “đánh mất vị thế” Quảng Nam trên bản đồ du lịch miền Trung và Việt Nam. Con số 1,6 triệu lượt khách đến trong vòng 6 tháng đầu năm 2013 tập trung ở Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm. Thu nhập xã hội từ du lịch ở các vùng khác khá thấp đã từng buộc chính quyền, cơ quan quản lý đưa ra một lựa chọn có tính chiến lược: Mở rộng không gian du lịch và định hình chất lượng sản phẩm du lịch trên toàn Quảng Nam.
Miền núi Quảng Nam còn nhiều tiềm năng cho sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch cộng đồng... |
Trên nền tảng xác định năm 2013 là năm “Phát triển sản phẩm du lịch”, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã hợp tác đưa ra một số sản phẩm du lịch mới. Biên độ phát triển từ du lịch làng quê Cẩm Thanh, mở rộng lên Mỹ Sơn bằng các mô hình lưu trú nhà dân, mở cửa làng du lịch Bhơ Hôồng (Đông Giang), Zara và thác Grăng (Nam Giang), tái khởi động tour du lịch suối nước nóng Phú Ninh và mở tour du lịch đường mòn Hồ Chí Minh tại Nam Giang... Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nói, đây là cách duy nhất để mở rộng không gian, hướng về du lịch chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Cũng là cách phân phối lợi ích trên diện rộng, tạo nhiều công ăn việc làm để người nghèo thực sự hưởng lợi từ du lịch…mà vẫn giữ được giá trị văn hóa chân thực của vùng di sản Quảng Nam.
Không chỉ mở rộng không gian du lịch, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được định hình để trở thành những sản phẩm độc đáo của riêng Quảng Nam. Tất cả sản phẩm của các làng nghề có trên trăm tuổi đều sẽ được cải tiến kiểu dáng, đa dạng mẫu mã, thiết kế một số sản phẩm kích cỡ nhỏ cùng bao bì đóng gói. Trên bao bì có dán nhãn mác, đặc tả chi tiết sản phẩm với các thông tin giới thiệu kèm theo để nâng cao giá trị sản phẩm và phù hợp với thị trường du lịch “ngày càng khó tính”. Nếu UNESCO tạo ra dấu ấn “sản phẩm thủ công mỹ nghệ” thì ILO đã mang hy vọng thay đổi, hóa giải sự mất cân bằng và chênh lệch quá lớn lượng khách đến biển và núi tại Quảng Nam thông qua 3 làng du lịch cộng đồng (Mỹ Sơn, Bhơ Hôồng, Đhrôồng). Theo ông Đinh Hài, một bộ tài liệu hoàn chỉnh về khung chiến lược chính sách hỗ trợ các làng nghề thủ công gắn với du lịch được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm của dự án này sẽ giới thiệu để có thể áp dụng ở một số địa phương khác. Các làng du lịch cộng đồng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu cho các thôn bản khác có tiềm năng phát triển du lịch ở phía tây Quảng Nam. Đó chính là các sáng kiến để tạo nên dấu ấn riêng biệt của Quảng Nam.
Du khách cần không gian du lịch mở rộng với các tour mới. Ảnh: T.DŨNG |
Dựa vào đâu?
Ý tưởng mở rộng biên độ phát triển du lịch không phải là chuyện lạ và mới mẻ gì của du lịch Quảng Nam. Từ năm 2003, sau những lễ hội, không ít làng văn hóa du lịch, sinh thái hay tour du lịch đã bày ra “vội vã” như Bông Miêu, Phú Ninh, Lộc Yên (Tiên Phước)… chưa kịp “sống” đã bị “khai tử”. Nguyên do chính là vì cách trở giao thông, thiếu sự quảng bá, đầu tư… Vì thế, khi giữa Festival Di sản Quảng Nam 2013, lữ khách, quan chức rầm rộ kéo nhau lên miền núi để dự lễ khai trương các làng du lịch cộng đồng và phục dựng đường Hồ Chí Minh, đã khiến không ít người vui xen lẫn sự âu lo. Liệu “hình thức” này có lặp lại sự thất bại như các năm cũ khi chỉ là những show diễn hoành tráng trong các ngày khai trương, giới thiệu rồi chấm dứt hoặc bỏ hoang phế trên dọc đường gió bụi.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, các sản phẩm mới mở ở ngoại biên “kinh đô” du lịch Hội An này được xem là “dấu chấm hết” cho nỗi loay hoay, day dứt để giải bài toán phức tạp về việc định hình, phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là dấu ấn khởi phát để tạo động lực đóng góp trở lại cho việc bảo vệ, làm giàu dựa trên các tài nguyên văn hóa, lịch sử, chia sẻ lợi ích từ du lịch, cải thiện đời sống của cộng đồng cư dân địa phương. Ông Đinh Hài cho rằng, các sản phẩm đã mở những năm trước thường bị “chết yểu” vì cách trở giao thông, thiếu sự quảng bá, đầu tư và không có mô hình cụ thể nào để phát triển và nhân rộng. Còn từ festival này, Nhà nước sẽ tăng cường ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. Tất cả sản phẩm mới này đều có sự bảo trợ của doanh nghiệp, liên kết cùng người dân địa phương để định hình sản phẩm du lịch đặc hiệu. Sự hợp tác ngày càng hoàn hảo ấy chắc chắn sẽ cho ra đời sản phẩm du lịch tốt và sống lâu trên thị trường.
Dưới góc nhìn của một thành viên tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia Văn phòng SIT/ILO Quảng Nam cho rằng con đường đi đến thành công của du lịch cộng đồng phải do cộng đồng và vì cộng đồng. Những người quản lý hay lập dự án chỉ đóng góp 1% trong thành công, còn lại là của người dân và cơ chế khuyến khích của Nhà nước. Vì thế, du lịch cộng đồng không thể thành công nếu các quyết định đến từ những người ngồi trên bàn giấy, mà phải do chính người dân và các cơ quan hỗ trợ ở địa phương. Khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực xây dựng nên 3 làng du lịch cộng đồng, còn được gọi là sản phẩm mới do ILO tài trợ đã không còn xa nữa. Bà Huyền nói, nếu nhìn lại Hội An cách đây 30 năm, có ai nghĩ rằng Hội An sẽ là thành phố du lịch không? Tại sao cũng là di sản văn hóa thế giới mà người dân Hội An hưởng lợi từ du lịch rất nhiều mà người dân Mỹ Sơn lại chưa có gì? ILO đang giúp du lịch vì người nghèo ở Quảng Nam di chuyển qua vạch xuất phát đó. Gần 10 năm nay, hơn 200 nghìn khách đến Mỹ Sơn chỉ ghé qua 2 tiếng, chỉ cần 10% số đó nghỉ lại Mỹ Sơn một đêm hoặc những người đồng bào dân tộc có thu nhập từ việc bán sản phẩm thủ công hay lưu trú… chắc chắn du lịch vì người nghèo của Quảng Nam sẽ rời khỏi điểm xuất phát và phát triển. Sự mở rộng biên độ không gian du lịch của cơ quan quản lý đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều người dân.
NAM KHA