Nghĩa cử cao đẹp
Đời sống của người có công (NCC) trong toàn tỉnh những năm qua đã cải thiện rất nhiều nhờ vào sự chung tay của cả cộng đồng với nhiều nghĩa cử cao đẹp. Ngoài chính sách của Nhà nước, công tác “xã hội hóa” chăm sóc NCC đang được đẩy mạnh.
Đội ngũ y - bác sĩ Trung tâm Y tế Tam Kỳ khám bệnh, cấp thuốc cho người có công ở Nam Trà My.Ảnh: L.DIỄM |
1. Tại lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Hồ Đến (55 tuổi, trú thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) vào ngày 20.7 vừa qua, câu chuyện nghĩa cử của xóm làng, dòng tộc khiến người nghe xúc động. Ông Hồ Đến là con liệt sĩ, sống độc thân, bị bệnh từ nhỏ nên thần kinh không ổn định. Từ nhiều năm nay ông sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Thông qua chính quyền địa phương, Quận ủy Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ ông 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, ông Đến không dám nhận số tiền trên vì không biết lấy thêm đâu ra kinh phí để làm nhà, trong khi đó bản thân bị bệnh về thần kinh, không biết tính toán, lại không có anh em thân thuộc giúp đỡ. Trước tình cảnh đó, bà Nguyễn Thị Chín - con dâu tộc Hồ - đã đứng ra nhận giúp ông Đến xây dựng nhà ở. Bà Chín vận động bà con trong gia tộc cho ông Đến mượn tổng số tiền gần 30 triệu đồng kèm theo điều kiện “người cho mượn tiền phải đồng ý để ông Đến trả dần nhiều năm”. Với số tiền 80 triệu đồng, một tay bà Chín tính toán mua vật liệu, xi măng, sắt thép, công thợ... Ngôi nhà xây dựng trong gần tháng rưỡi, ngày nào bà Chín cũng có mặt tại công trình để lo vật tư, “giám sát” thi công...
Ngoài bà Chín, ngôi nhà của ông Đến được hoàn thành còn nhờ sự giúp đỡ của nhiều người như trưởng tộc Hồ Viết Hóa vận động bà con thân tộc xa gần giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất; bà con chòm xóm tự nguyện giúp đỡ ít nhiều lo cơm nước nửa buổi, nửa chiều cho thợ. Hay như Đội dân phòng thôn Phú Bông giúp đỡ 10 công triệt hạ nhà cũ và vận chuyển vật liệu. Ông Trần Quang Vinh (cùng xóm) vận động con trai hỗ trợ cát đủ để xây nhà... Ngay hôm bàn giao nhà, chủ thầu xây dựng Dương Hữu Thuận mừng nhà mới cho ông Đến bằng “4 công thợ” và 2 triệu đồng tiền mặt...
2. Nhiều năm qua, Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ luôn là đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho NCC của thành phố và các huyện lân cận. Trung tâm nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Quốc (phường Trường Xuân, Tam Kỳ). Định kỳ hằng tháng, các y - bác sĩ của trung tâm lại đến nhà mẹ Quốc dọn dẹp nhà cửa, thăm khám sức khỏe, kê thuốc bổ cho mẹ, trò chuyện cùng mẹ. Mẹ Quốc còn người con nhưng sống ở Tam Trà (Núi Thành) nên mỗi khi mẹ ốm đau hay có việc gì cần người giúp, các y - bác sĩ của Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ luôn có mặt.
Ông Phạm Hồng Yên - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ cho biết: “Trước đây, trung tâm phụng dưỡng, chăm sóc 2 mẹ, nhưng một mẹ đã mất. Xác định công tác chăm sóc NCC là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, y - bác sĩ trung tâm, do đó, mỗi đợt lễ tết hay đến ngày 27.7, Chi đoàn Thanh niên trung tâm được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị đi thăm, khám sức khỏe, tặng quà cho NCC và con em họ”. Cũng theo ông Yên, trung tâm hiện có 37 cán bộ, y - bác sĩ là NCC, con em NCC công tác. Lãnh đạo trung tâm thường xuyên động viên, thăm hỏi tình hình đời sống anh em, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời có sự giúp đỡ, hỗ trợ. Ngày 27.7 năm nay, ngoài mẹ Quốc, Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ còn trích kinh phí tổ chức đi thăm, tặng quà, khám sức khỏe, cấp thuốc cho 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác. Hằng năm, Chi đoàn Thanh niên trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, trong đó ưu tiên NCC, ở các huyện Hiệp Đức, Nam Trà My, các xã của TP.Tam Kỳ.
3. Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Thuận (thôn Hội Trường, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) tuổi đã cao lại không có con cái nên cuộc sống, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh của vợ chồng ông luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và chính quyền xã Bình Lâm. Các hội đoàn thể ở xã Bình Lâm họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhau, quyết tâm hỗ trợ vợ chồng ông Thuận ổn định cuộc sống. Trong những ngày hướng đến kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ này, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã Bình Lâm đã đến dọn dẹp nhà cửa, sửa sang tường rào cổng ngõ cho nhà ông Thuận. Ông Thuận tâm sự: “Vợ chồng tôi không con cái, cuộc sống còn khó khăn. Nhưng có mấy cô bên hội phụ nữ, mấy cháu bên đoàn thanh niên xã hay đến đây chơi, lúc nấu giúp nồi cơm, lúc pha miếng nước nên cũng đỡ buồn. Hàng xóm láng giếng cũng hay qua chơi, xem vợ chồng tôi có cần chi thì giúp”. Năm 2012, ông Thuận được huyện tặng sổ tiết kiệm 5 triệu đồng, năm 2013 tặng sổ 1 triệu đồng. Các dịp lễ tết, hay huyện, xã có chương trình đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình ông luôn được ưu tiên.
Sắp đến ngày 27.7, trên khắp nẻo đường lại ngược xuôi, tấp nập những chuyến xe chở nặng nghĩa tình đến với NCC trong toàn tỉnh. Bằng những phần quà, những hành động thiết thực, NCC được chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Ngoài các doanh nghiệp, đơn vị thường xuyên nhận phụng dưỡng, trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho 413 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của tỉnh, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã cùng nhau chăm sóc NCC bằng những việc làm rất cụ thể. NCC và con em của họ được ưu tiên giải quyết việc làm, đào tạo nghề, bố trí đất ở, đất sản xuất; được hưởng ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, miễn giảm học phí... Thông qua các chương trình hỗ trợ, chăm sóc, phụng dưỡng... của Nhà nước và xã hội, đời sống NCC trong tỉnh đang ngày được nâng cao.
PHAN LÝ - LÊ DIỄM