Thu gom và xử lý rác thải ở Tam Đàn: Khi cộng đồng hưởng ứng

KIM THẠCH 25/07/2013 08:49

Trước đây, tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều địa phương của huyện Phú Ninh. Để hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Tam Đàn tích cực huy động cộng đồng cùng thu gom rác thải...

Từ tháng 2.2013, xã Tam Đàn đã tiên phong triển khai thực hiện mô hình thu gom rác có sự đóng góp kinh phí của người dân. Sau hơn 5 tháng thực hiện, mô hình này đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nông thôn do rác thải gây ra ở các khu dân cư trong xã. Theo người dân, do không có nơi xử lý tập trung nên trước đây tình trạng rác thải vứt bừa bãi diễn ra phổ biến ở ven các tuyến đường trong xã, nhất là ở các bãi đất bỏ hoang. Để chấm dứt tình trạng này, UBND xã Tam Đàn chỉ đạo các ban, ngành liên quan và Hội LHPN xã phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường, Hội LHPN huyện Phú Ninh xây dựng phương án và hướng dẫn các thôn triển khai đăng ký, tổ chức thực hiện. Từng khu dân cư trên địa bàn xã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập tổ thu gom rác thải. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hân – Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Đàn cho biết: “Các chủ đề về nước sạch, vệ sinh môi trường được hội đưa vào nội dung sinh hoạt hàng tháng của các chi, tổ; tổ chức cho các hội viên phụ nữ đăng ký cam kết thực hiện 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Đồng thời phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng một số ngành liên quan tích cực vận động nhân dân tham gia mô hình này bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trực tiếp đến tận hộ để vận động”.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia.                                                                                                  Ảnh: Kim Thạch
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia. Ảnh: Kim Thạch

Xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng nhất nên từ ngày phát động phong trào này đến nay, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể ở xã Tam Đàn thường xuyên vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên làm gương, đi đầu trong việc thực hiện để nhân dân hưởng ứng. Điều đáng chú ý, tại hầu hết các thôn của xã Tam Đàn, nhân dân tự thảo luận phương án, thành lập tổ thu gom rác thải ở từng thôn. Sau khi phương án đã được thông qua trong dân, UBND xã Tam Đàn trình HĐND xã và UBND huyện Phú Ninh phê duyệt. Tiếp đến, địa phương tổ chức lễ ra mắt đội thu gom (9 đội tại 9 thôn). Mỗi đội có 2 thành viên là hội viên phụ nữ trực tiếp thu gom, vận chuyển rác về các điểm tập kết. Họ cũng chính là người trực tiếp thu lệ phí rác thải của các hộ dân, mức thu 10 nghìn đồng/hộ/tháng. Với tỷ lệ gần 70% hộ dân tham gia, tổng thu một tháng của các tổ thu gom toàn xã là 12 triệu đồng. Để động viên các thành viên tích cực tham gia, UBND xã Tam Đàn hỗ trợ mỗi thành viên của tổ thu gom 800 nghìn đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng, UBND xã Tam Đàn đã bù gần 3 triệu đồng để chi hỗ trợ cho các thành viên của tổ thu gom. Duy trì mô hình này, từ khi thành lập đến nay, xã Tam Đàn cũng đã trích hơn 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách để mua sắm các trang vật dụng và các điều kiện cần thiết khác cho các tổ thu gom rác thải như xe đẩy rác, trang phục, các dụng cụ khi thu gom và bảo hiểm y tế cho các thành viên.

Sau xã điểm nông thôn mới Tam Phước, Tam Đàn là địa phương thứ 2 của huyện Phú Ninh triển khai thực hiện mô hình thu gom rác thải, xử lý chai lọ, bao bì đựng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Hiện đã có gần 70% hộ dân nơi đây tham gia mô hình thu gom, xử lý rác thải. Có rất nhiều điều kiện để Tam Đàn đạt được kết quả trên, trong đó đáng chú ý là địa phương đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông đến hộ gia đình về công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải và đổ rác hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Cả - Chủ tịch UBND xã Tam Đàn cho biết: “Ngoài 69 thùng dựng rác do huyện hỗ trợ (màu xanh), địa phương cũng đầu tư thêm mỗi thôn 1 thùng đựng rác (màu vàng) để đựng rác bảo vệ thực vật. Trong quá tình tuyên truyền, chúng tôi lưu ý người dân cách phân loại rác để tiện việc thu gom. Hiện nay, địa phương còn lại 30% hộ dân chưa tham gia, đây chủ yếu là các hộ ở vùng thưa dân, 1 số hộ chưa có tinh thần tham gia hưởng ứng”. Còn bà Nguyễn Thị Hạnh – Đội trưởng đội thu gom rác thải xã Tam Đàn thì chia sẻ: “Bước đầu công tác tuyên truyền, vận động thực hiện rất khó khăn, nhưng dần dần, qua hiệu quả thực hiện của mô hình nhiều người dân đã hưởng ứng. Đến nay, tại địa bàn xã có thôn đạt 100% hộ tham gia”.

Bắt đầu triển khai từ tháng 2.2013, đến nay chỉ qua 5 tháng hoạt động, kết quả của mô hình thu gom rác thải ở xã Tam Đàn không chỉ là việc đưa công tác thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư trở thành công việc của toàn xã hội mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mỗi người dân và của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

KIM THẠCH

KIM THẠCH