Đền ơn đáp nghĩa ở Điện Bàn

CÔNG TÚ 25/07/2013 08:43

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, huyện Điện Bàn đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân đối tượng chính sách.
Xóa nhà tạm

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, theo thống kê, Điện Bàn có 18.920 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; 7.326 thương, bệnh binh; 1.611 bà mẹ được Nhà nước truy tặng và phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó có 75 mẹ còn sống; 46 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn, bà Trần Thị Trị cho hay, thời gian qua, địa phương luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, đã chi trả kịp thời các chế độ chính sách, trợ cấp ưu đãi cho 9.034 người. Công tác nhận phụng dưỡng, thăm viếng lúc ốm đau hay vào dịp lễ tết được các cấp, các ngành, hội đoàn thể và cả các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm triển khai thường xuyên. Việc nhận chăm sóc mẹ, cha hoặc vợ liệt sĩ neo đơn mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHPN huyện đã và đang làm càng cho thấy rõ hơn ý thức trách nhiệm, tinh thần tự nguyện của các thế hệ đi sau. Trong đó, Điện Bàn đã tạo nên bước đột phá khi chủ động xây dựng và triển khai đề án xóa nhà tạm cho gia đình chính sách vào năm 1998. Theo kế hoạch, chỉ tiêu của từng giai đoạn, từ năm 1998 - 2002 toàn huyện đã đầu tư xây mới 671 nhà với tổng giá trị gần 7,5 tỷ đồng.

Tuổi trẻ Điện Bàn thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.                                                                                                                                     Ảnh: Công Tú
Tuổi trẻ Điện Bàn thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Công Tú

Ông Lê Chí Thái - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện nhận định, thành công bước đầu của đề án là cơ sở để năm 2002 Bộ LĐ-TB&XH chọn Điện Bàn làm nơi tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra cả nước. Riêng đối với địa phương, sau khi đánh giá những mặt làm được qua giai đoạn 1, huyện tiếp tục triển khai giai đoạn 2003-2007 với 915 nhà xây mới có tổng giá trị hơn 16,5 tỷ đồng; giai đoạn 2008-2012 xây mới 588 nhà với tổng giá trị gần 22,4 tỷ đồng (38 triệu đồng/nhà), huy động hơn 5,6 tỷ đồng sửa chữa 623 nhà. Để có được kết quả nổi bật như trên, Điện Bàn đã phát động trong đảng bộ, toàn thể nhân dân, tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, tộc họ, bà con đồng hương đang sinh sống ở mọi miền đất nước… chung tay xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách.

Tuổi trẻ chung tay

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 năm nay, Huyện đoàn Điện Bàn đã phát động thực hiện tuần lễ cao điểm các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Theo đó, các cơ sở đoàn đồng loạt tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện” làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn và Nghĩa trang liệt sĩ huyện với sự tham gia của trên 10.000 ĐVTN. Thăm hỏi, tặng 90 suất quà với số tiền trên 30 triệu đồng, khởi công xây dựng 2 nhà nhân ái cho gia đình chính sách với tổng giá trị  hơn 100 triệu đồng; tham quan, giáo dục truyền thống tại Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ… Tối 26.7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” toàn quốc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn với sự tham gia của 1.000 ĐVTN.

Cách đây vài ngày, bà Nguyễn Thị Hoàng (thôn Phong Nhị) là vợ liệt sĩ đã dọn về ở trong căn nhà tình nghĩa được xã Điện An vận động Công ty CP Kim khí miền Trung hỗ trợ kinh phí xây dựng. Bà Hoàng xúc động: “Căn nhà dột với gác tre mà tôi ở bấy lâu đã được xây mới kiên cố để yên tâm sinh sống những ngày còn lại”. Không chỉ riêng gia đình bà Hoàng, từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều hình thức vận động xã hội hóa xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách, Điện An đã xây dựng mới và nâng cấp 66 nhà tình nghĩa với số tiền khoảng 3,1 tỷ đồng.

Những năm qua, Huyện đoàn đã chỉ đạo cho các cơ sở Đoàn - Hội - Đội đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thành hoạt động thường xuyên ở địa phương, đơn vị mình. Theo anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Điện Bàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã tích cực hưởng ứng, cùng chung tay đẩy mạnh thực hiện đề án xóa nhà tạm cho gia đình chính sách. Hằng năm, tuổi trẻ toàn huyện đã tình nguyện đóng góp trên 150 triệu đồng và vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, ĐVTN đóng góp ngày công để xóa 10 nhà tạm cho gia đình chính sách, gia đình học sinh nghèo. Ngoài ra, tuổi trẻ Điện Bàn triển khai chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, thực hiện trên 50 sổ tiết kiệm/năm, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho đối tượng chính sách. Mỗi cơ sở đoàn đều nhận phụng dưỡng một mẹ VNAH; phát động và nhân rộng các phong trào “Người con, người cháu hiếu thảo”, “Chăm sóc vẻ đẹp nơi anh nằm”. Định kỳ ngày 27.7, ĐVTN tổ chức lễ “Thắp nến tri ân” tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, 8 nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn và 10 nhà bia ghi tên mẹ VNAH cùng các liệt sĩ… “Phong trào đền ơn đáp nghĩa của ĐVTN Điện Bàn thể hiện sự kế thừa, phát huy đạo lý, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp góp phần giáo dục truyền thống cách mạng một cách gần gũi, hiệu quả đối với thế hệ hệ trẻ” - anh Nguyễn Ngọc Tuấn tâm sự.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ