Chung một trái tim - Bài cuối: Tấm lòng mẹ Thuận

Nguyễn Điện Ngọc 23/07/2013 07:56

Nhỏ hơn mẹ Nguyễn Thị Giáo 20 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Thuận (Hai Vầy) ở thôn Ngọc Bích (Tam Ngọc, Tam Kỳ) là một trong những cộng sự đắc lực, cùng mẹ Giáo thức thâu đêm suốt sáng bên ngọn đèn dầu để bảo vệ an toàn tuyệt mật cho các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, thị xã Tam Kỳ và Tổng hội Thanh niên, sinh viên, học sinh làm việc, hội họp, sinh hoạt. Mẹ Thuận ngày ấy là tấm gương tiêu biểu nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ, được biết đến là người “nhịn ăn để nuôi cách mạng”.

  • Chung một trái tim - Bài 1: Sắt son với Đảng
Mẹ Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Đ.NGỌC
Mẹ Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Đ.NGỌC

Ngày chúng tôi đến thăm, sức khỏe mẹ Thuận đã suy giảm, tai nghe kém, nói năng khó khăn..., nhưng khi nhắc lại ngày xưa, những câu chuyện, kỷ niệm thời chiến lần lượt được mẹ đưa trở về. Những câu chuyện của mẹ cho chúng tôi được biết về quá khứ hào hùng, một thời oanh liệt của quê hương mà mẹ đã đi qua trong 2 cuộc chiến khốc liệt của dân tộc.

Mẹ Nguyễn Thị Thuận sinh năm 1924, trong một gia đình bần nông, cha mẹ mất sớm, bà phải tần tảo nuôi em, lớn lên lập gia đình với người thanh niên cùng làng Nguyễn Thuận (sinh năm 1922). Đời sống cơ cực nhưng mẹ cùng chồng sớm giác ngộ cách mạng, trở thành những chiến sĩ kiên trung trong những năm cuối của thời kỳ chống Pháp. Phát huy truyền thống, gia đình mẹ Thuận tiếp tục gây dựng cơ sở, cùng Đảng bộ và nhân dân Tam Ngọc nói riêng, Tam Kỳ nói chung bước vào cuộc trường chinh mới. Tuy gia cảnh gặp nhiều khó khăn, năm 1964, mẹ Thuận vẫn ủng hộ chồng quyết định “nhảy núi”, dù mình ở lại phải một tay chăm lo cho 9 đứa con (3 trai, 6 gái).

Là cơ sở nên mới vừa đặt chân lên căn cứ, ông Thuận được tổ chức phân công về công tác tại Cơ quan Thị ủy Tam Kỳ. Trong một trận càn của địch vào giữa tháng 5.1970, ông Thuận anh dũng hy sinh. Các con của mẹ Thuận lớn lên trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành, cuộc sống gian khổ nhưng rất tự hào khi được cha mẹ truyền lửa và nung nấu tinh thần cách mạng ngay từ khi còn nhỏ. Năm 1966, người con gái đầu lòng của mẹ Thuận là chị Nguyễn Thị Lý đầu quân vào Thị đội Tam Kỳ. Bốn năm sau, người con trai Nguyễn Văn Hành cũng nối gót chị về công tác tại đơn vị V18, Thị đội Tam Kỳ. Những người con còn lại tuy nhỏ tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia cùng mẹ đào hầm bí mật, thay nhau canh chừng địch để cán bộ, chiến sĩ an tâm làm việc, hội họp. Riêng mẹ Thuận, thời gian này dành nhiều thời gian đi nuôi đẻ cho những người vợ của các sĩ quan ngụy nhằm có điều kiện dò la tin tức, nắm bắt tình hình, bắt liên lạc với những người làm nội ứng, đồng thời kiếm tiền nuôi con, chi phí sinh hoạt. Với đức tính nhân hậu, thật thà, nhanh nhẹn và vui tính, không bao lâu mẹ Thuận đã chiếm được cảm tình của một số sĩ quan ngụy. Từ đó, mẹ nắm và cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ sở chủ động bố trí lực lượng để phòng chống hoặc có kế hoạch di dời đến nơi an toàn mỗi khi địch đi càn. Trước nhà mẹ Thuận lúc nào cũng treo câu khẩu hiệu “Gia đình tôi không chấp chứa cộng sản”, nhưng hôm nào mẹ cũng thức thâu đêm suốt sáng bên ngọn đèn dầu để canh chừng cho cơ sở hội họp, làm việc. Và đêm nào cũng có một thúng gạo được giã trắng phau đặt trước cửa nhà mẹ chờ người đến nhận mang lên căn cứ nuôi quân.

Vóc người nhỏ nhắn nhưng ngày nào mẹ Thuận cũng quẩy đôi gánh trên vai, một mình lội bộ lên núi chặt cây chà rang làm chổi, hoặc cây vò vẽ về bán kiếm tiền đóng góp quỹ nuôi quân. Bản thân mẹ cũng như các con thường hay bị đói nhưng những củ khoai, củ sắn mẹ mót được đều mang về nấu chín dành cho cán bộ, chiến sĩ lót dạ mỗi đêm để đủ sức làm việc và chiến đấu.

Là thân gái nhưng mẹ Thuận rất can đảm và cần mẫn như con ong làm tổ. Trong nhiều tháng liền, một mình mẹ đào được căn hầm bí mật kiên cố nằm dưới chuồng heo nhà mình. Cũng chính căn hầm này đã bảo vệ an toàn tuyệt mật để các cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thị ủy Tam Kỳ làm việc, hội họp. Rút kinh nghiệm và phát huy hiệu quả từ căn hầm này, mẹ Thuận sau đó đã huy động bà con cơ sở đào một căn hầm bí mật với diện tích tương đối lớn ăn thông vào nhà dân ở khu vực xóm Bàu để tiện liên lạc và dễ bề rút quân an toàn nếu địch phát hiện. Trong một thời gian ngắn, căn hầm hoàn thành, làm nơi trú ngụ an toàn cho hàng chục cán bộ, chiến sĩ cách mạng hoạt động, chỉ đạo đấu tranh.

Sau ngày hòa bình lập lại, ông Nguyễn Quang Hiệp - lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, thay mặt Đảng và chính quyền thị xã đã xác nhận thành tích của mẹ Thuận: “Từ năm 1964 đến tháng 3.1975 bản thân bà Nguyễn Thị Thuận là giao liên hợp pháp, nuôi cán bộ, tiếp tế lương thực, gia đình bà có công, hàng ngày đào cây vò vẽ bán lấy tiền mua mắm cho anh em ăn thường xuyên từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác. Nhiều lần bị địch bắt đánh đập dã man nhưng bà rất gan dạ không khai báo. Đề nghị các cấp chính quyền xét cho gia đình bà Nguyễn Thị Thuận được hưởng các quyền lợi chung của Đảng và Nhà nước”.

Nguyễn Điện Ngọc

Nguyễn Điện Ngọc