Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Sinh thời, Bác Hồ luôn bày tỏ sự kính trọng đối với các liệt sĩ, thương binh. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập và đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà”. Ngày 27.7.1947, Báo “Vệ quốc quân” số 11 đăng bức thư của Bác, trong đó có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay đã một số thành ra thương binh”.
Bác Hồ đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh tư liệu |
Đúng một năm sau, Bác tiếp tục khẳng định công lao của các thương binh - liệt sĩ: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào… Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống... Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi...”.
Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng tháng 1.1947, khi được tin con trai ông hy sinh, Bác đã viết những dòng thật xúc động: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 31.12.1954, Bác cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến đặt vòng hoa lên đài liệt sĩ - đài mới được dựng trên khoảnh đất rộng trong vườn hoa cạnh quảng trường Ba Đình, trước Phủ Chủ tịch. Đứng trước đài liệt sĩ, hương trầm nghi ngút, Bác bùi ngùi tưởng nhớ các liệt sĩ, không giữ được dòng nước mắt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải thay mặt Bác đọc điếu từ. Trong điếu từ, Bác viết: “Hỡi các liệt sĩ, trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh...”.
Sự kính trọng đối với các thương binh - liệt sĩ của Bác thể hiện rất sinh động bằng những hành động thiết thực, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người. Cuối năm 1946, trong thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Bác viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Người luôn kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh và bản thân mình gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện.
Đồng chí Phạm Lê Ninh - bảo vệ Bác Hồ từ năm 1954 đến năm 1962, kể lại câu chuyện khá cảm động: Một dịp Bác đi công tác vắng, các đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác một chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Các anh quyết định cho lắp máy điều hòa vào phòng của Bác, định khi Bác về sẽ xin phép sau. Sau một tuần đi công tác, Bác về. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác nói: “Các chú này, hôm nay nhà mình có mùi gì lạ quá”. Biết không giấu được Bác, anh Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ xin lỗi Bác, rồi trình bày rõ lý do về chiếc điều hòa nhiệt độ. Đầu giờ làm việc chiều hôm ấy, Bác gọi anh Vũ Kỳ lên và ân cần bảo: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”.
Thật cảm động, trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng, trong đó Người không quên viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu. Bác tha thiết căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
VÂN THU