Chung một trái tim - Bài 1: Sắt son với Đảng
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, khu vực phường 3, ngày nay thuộc xã Tam Ngọc và phường Trường Xuân (Tam Kỳ) được coi là căn cứ “lõm” cách mạng, với những con người kiên trung, bất khuất sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, chở che an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Trong đó có hai người mẹ với những câu chuyện vẫn mãi đi cùng năm tháng.
Thị xã Tam Kỳ được thành lập vào những ngày cuối tháng 10.1963. Các xã Kỳ Trà, Kỳ Quế, Kỳ Yên (thuộc vùng lòng hồ Phú Ninh ngày nay) là nơi được chọn để đóng quân, nhưng mỗi khi cán bộ, chiến sĩ vào hoạt động ở các xã nội thành Châu Thành, Tam Kỳ và tỉnh lỵ Quảng Tín thì phải đi ngang qua khu vực phường 3. Chính vì lẽ đó mà Thị ủy Tam Kỳ đã chọn nơi đây để gây dựng cơ sở cách mạng, và người đầu tiên được chọn là mẹ Nguyễn Thị Giáo.
Viếng hương Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà mẹ Nguyễn Thị Giáo. Ảnh: Đ.NGỌC |
Mẹ Nguyễn Thị Giáo sinh năm 1901, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Trong những năm chống Pháp, mẹ Giáo cùng chồng là ông Nguyễn Mai đã vận động nhân dân xây dựng lực lượng, nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm, tham gia tiêu thổ kháng chiến, tích cực đóng góp tiền của để nuôi quân. Chồng mẹ bị địch bắt đày ở hầu khắp nhà tù, và bị địch thủ tiêu vào năm 1960. Một nách 6 con nhỏ, dù gian khổ hy sinh nhưng mẹ Giáo vẫn bám trụ nuôi giấu, chở che cách mạng cho đến ngày toàn thắng.
Trong một số tài liệu của ông Nguyễn Quang Hiệp - nguyên Phó Bí thư Thị ủy Tam Kỳ còn lưu lại: “Chưa đầy 2km2 nhưng địch cho xây dựng 7 đồn bốt kiên cố với 82 lô cốt lớn nhỏ và 6 ấp chiến lược. Mỗi đồn được bố trí 4 trung đội lính nghĩa quân, đoàn bình định nông thôn, đại đội biệt cách, biệt chính, 4 trung đội thanh niên chiến đấu, 1 tiểu đoàn lính Mỹ, 1 tiểu đoàn lính cộng hòa chiếm đóng. Ngoài ra còn có lực lượng lính thám sát, thám báo thường xuyên phục kích vào ban đêm. Địch bố phòng cẩn mật là vậy nhưng mẹ Giáo vẫn bí mật đưa được 3 người con trai lên căn cứ, mẹ cùng 3 người con gái ở lại quyết tâm bám trụ. Từ hạt nhân là gia đình mẹ Giáo, đến cuối năm 1963 trên địa bàn xã Tam Ngọc hầu hết người dân đi theo cách mạng và hoàn toàn làm chủ tình hình về ban đêm ở khu vực này”.
Không chỉ là nơi làm việc, hội họp an toàn tuyệt mật của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thị ủy Tam Kỳ, nhà mẹ Giáo còn là nơi thành lập và là cơ quan làm việc của Tổng hội Thanh niên, sinh viên, học sinh tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã xuất bản nhiều tờ báo và nhiều số báo khác nhau gây tiếng vang trong xã hội lúc bấy giờ, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ phong trào này tổng hội nhanh chóng hình thành các tổ chức đảng, đoàn, hội thanh niên trong các trường trung học trên địa bàn Tam Kỳ. Mẹ Giáo là người trực tiếp canh phòng để cơ sở làm việc, sinh hoạt, hội họp.
Tháng 8.1965, tổ chức Tổng hội Thanh niên, sinh viên, học sinh bị lộ, địch lùng bắt. Đứng trước sự sống chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”, mẹ Giáo vẫn bình tĩnh, nhanh chóng đưa anh chị em lên căn cứ an toàn, đồng thời phi tang dấu vết của cơ quan tổng hội, địch biết nhưng không có cơ sở để luận tội. Địch bắt nhân dân làm ấp chiến lược, mẹ Giáo vẫn hăng hái tham gia nhưng vận động bà con cơ sở làm tạm ở đoạn gần nhà để ban đêm mở ra cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng vào ra dễ dàng, ban ngày đóng lại nhưng vẫn đảm bảo tuyệt mật. Hay như địch bắt bà con rào dây kẽm gai kiên cố chung quanh các ấp chiến lược, mẹ Giáo không hề phản đối, nhưng đến tối, mẹ hướng dẫn bà con hòa nước muối đậm đặc tưới lên hàng rào làm cho kẽm gai nhanh sắt gỉ, mục nát để quân ta dễ đi lại. Địch gài mìn trên đường xe hỏa, mẹ cho 2 đứa cháu dò la bằng cách giả vờ đi bắt cào cào, châu chấu để đặt ám hiệu cho đội công tác qua lại an toàn.
Nhiều lần địch đi càn, cơ sở của ta có nguy cơ bị bại lộ nhưng mẹ Giáo vẫn bình tĩnh cắt cử một số con cháu trong tộc họ ra đánh lạc hướng nhằm đảm bảo an toàn cho cách mạng. Không chỉ có sự hy sinh cao cả của bản thân, mẹ Giáo còn vận động hàng trăm con em trong tộc tham gia kháng chiến, trong đó có hàng chục người được công nhận thương binh và gần 40 người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Riêng gia đình mẹ Giáo có 6 người con đều tham gia cách mạng, 2 người đã hy sinh, 1 người bị địch bắt đày đi Côn Đảo nhiều năm. Đặc biệt, 4 chị em dâu của mẹ Giáo đều được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà của mẹ Giáo được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và sắp tới đây sẽ được gắn bia Di tích lịch sử cách mạng.
Dù đã hơn 15 năm về với cõi vĩnh hằng nhưng đức độ, lòng thủy chung son sắt với Đảng, với nhân dân của mẹ Giáo vẫn còn in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Tam Ngọc nói riêng, TP.Tam Kỳ nói chung. Hai câu đối được các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền thị xã Tam Kỳ (cũ) tặng mẹ Giáo là minh chứng của tấm lòng thủy chung, son sắt ấy: “Bia ghi công Tổ quốc sáng lòng trung/ Gương nhân đức quê hương nghìn chữ hiếu”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC